Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Tái định cư vẫn không thoát khỏi...nghèo

Minh Thu - 17:06, 30/09/2021

Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng các khu tái định cư (TĐC) nhằm ổn định đời sống cho đồng bào thuộc diện di dời để giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, sau nhiều năm sống ở các khu TĐC, đời sống của người dân vẫn khó khăn, hầu hết đều là hộ nghèo

Các bản TĐC được quy hoạch, xây dựng như nhà phố, không phù hợp với đời sống kinh tế - văn hóa của đồng bào DTTS
Các bản TĐC được quy hoạch, xây dựng như nhà phố, không phù hợp với đời sống kinh tế - văn hóa của đồng bào DTTS

Nơi ở mới không bằng nơi ở cũ 

Là một trong những hộ đầu tiên chuyển về sinh sống tại khu TĐC Đồn Đèn, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, đến nay, sau gần 8 năm ở tại khu TĐC, gia đình Bí thư Chi bộ Đồn Đèn, ông Dương Văn Quân vẫn thuộc diện hộ nghèo.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Quân cho biết: "Thực hiện di dân vùng đệm để dành đất phục vụ việc quy hoạch Vườn Quốc gia Ba Bể, ban đầu, ông cùng 50 hộ dân xuống khu TĐC để ổn định cuộc sống. Nhưng càng về sau, số hộ ở lại càng ít. Hiện chỉ còn hơn 20 hộ dân ở lại khu TĐC này".

Lý giải về nguyên nhân thuộc hộ nghèo, Bí thư Chi bộ Dương Văn Quân cho biết: Một phần do thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, phần nữa là việc hỗ trợ giống cây con theo các chương trình, dự án không phù hợp. 

Bí thư Chi bộ Dương Văn Quân vẫn thuộc hộ nghèo
Bí thư Chi bộ Dương Văn Quân vẫn thuộc hộ nghèo

Cách nhà Bí thư Chi bộ Dương Văn Quân không xa, là nhà Trưởng thôn Đồn Đèn Giàng Văn Me, cũng thuộc diện hộ cận nghèo. Trưởng thôn Giàng Văn Me cho biết: Cái chúng tôi cần nhất bây giờ là đất sản xuất. Nhiều hộ trong thôn chỉ có hơn ngàn mét vuông ruộng trồng 1 vụ lúa, nên cơ bản là thiếu ăn. Gia đình nào năng động, trồng thêm cây ngô, cây khoai thì còn đỡ. Để kiếm sống, người dân Đồn Đèn vẫn phải lên rừng kiếm cây khúc khắc, cây bùng nhùng, đi tìm ong lấy mật để bán. 

“Tuy sống ở bản TĐC, nhưng đời sống hầu như không hơn nơi ở cũ”, trưởng thôn Giàng Văn Me thở dài.

Khu TĐC có 100% hộ nghèo

Được xây dựng năm 2012, khu TĐC Nà Cháo thuộc xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn được kỳ vọng đưa các hộ nghèo, thiếu đất sản xuất về đây ổn định cuộc sống từ năm 2014. Tuy nhiên, sau 7 năm, chỉ có 11 hộ dân sinh sống ở khu TĐC này và họ đều thuộc diện hộ nghèo. Một số hộ dân cho rằng, điều kiện nơi ở mới không bằng nơi cũ, nên không đến ở. Còn những hộ đã chuyển đến cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Là một trong những hộ chuyển về khu TĐC Nà Cháo từ năm 2014 đến nay, anh Bàn Văn Sinh khẳng định: “Với những đầu tư ban đầu, các hộ dân chuyển về khu TĐC sinh sống phải thật chăm chỉ, tích cực mới bảo đảm đủ ăn, không thiếu đói. Để phát triển kinh tế và vươn lên, xóa đói giảm nghèo, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư thêm từ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Cần chú trọng việc tạo sinh kế, hỗ trợ sản xuất cho người dân ở các khu TĐC
Cần chú trọng việc tạo sinh kế, hỗ trợ sản xuất cho người dân ở các khu TĐC

Trưởng thôn Nà Cháo, Bàn Thị Hoa buồn bã thông tin: Nguyên nhân các hộ dân không đến ở tại khu TĐC là do thiếu đất canh tác và thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù mỗi hộ dân đến ở đã được cấp 3.000m2 đất trồng lúa, tuy nhiên do thiếu nước sản xuất, nên chỉ canh tác được 1 vụ. 

Hơn nữa, điều kiện khí hậu vùng cao khắc nghiệt, nguồn nước lạnh nên năng suất thấp, có hộ đông khẩu phải mua gạo ăn. Nước sinh hoạt ở thôn cũng là vấn đề đáng ngại, tình trạng thiếu nước diễn ra thường xuyên. Để khắc phục, có hộ đã xây bể tích nước, hộ có điều kiện hơn thì tự đầu tư vòi dẫn từ đầu nguồn về dùng.

Trước thực tế đời sống khó khăn tại khu TĐC, người dân rất mong các cấp chính quyền từ huyện đến xã ở tỉnh Bắc Kạn quan tâm, chú trọng đến dự án, chương trình tạo sinh kế, hỗ trợ sản xuất cho người dân ở các khu TĐC, tạo tiền để để người dân có thể vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. 

Thiết nghĩ chính quyền các địa phương cũng cần lắng nghe, tập trung tìm giải pháp phù hợp để giải quyết những bất cập, vướng mắc, tạo điều kiện cho các hộ đến nơi ở mới phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Bởi, từ thực tế, ngay cả đến Bí thư chi bộ, trưởng thôn, là những "hạt nhân" lãnh đạo có vai trò rất quan trọng, cầu nối giữa chính quyền với Nhân dân, hướng dẫn bà con vươn lên xây dựng cuộc sống cũng đang là hộ nghèo, cận nghèo thì làm sao nói để bà con làm theo.

Tin cùng chuyên mục
“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp là một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, phát triển rừng. Tại kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI ngày 22/8/2024 đã thông qua Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND (NQ14) về mức cấp kinh phí, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó, ban hành mức cấp kinh phí khoán bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh đối với các loại rừng với mức hỗ trợ đều tăng so với trước đây.