Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nhịp cầu nhân ái

Tấm lòng cao cả của một bà mẹ ở xã Xuân Liên

PV - 10:17, 12/08/2019

Trở về từ cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, bà Trần Thị Hà trú tại thôn Linh Vượng, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) không biết rằng mình đã mang chất độc màu da cam. Bởi vậy, hạnh phúc của bà chẳng những đến muộn mằn mà còn có vị chát đắng.

Hai lần hạnh phúc có vị đắng

Trò chuyện với chúng tôi, bà Trần Thị Hà ngậm ngùi kể, khi hết chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bà xuất ngũ sau 7 năm đi bộ đội ở chiến trường Đăk Lăk. Về quê nhưng bà Hà đã quá tuổi xuân thì, vậy là bà đành ngậm ngùi ở một mình. Thấy bạn bè cùng trang lứa có chồng con vui vầy, bà cũng đánh liều đi xin cho mình một đứa con. Vậy là, năm 1989, bà sinh cậu con trai đầu lòng, đặt tên là Trần Văn Sơn.

Thế nhưng, hạnh phúc đến với bà không chỉ muộn mà còn có vị chát đắng. Mấy tháng sau khi sinh con, bà Hà phát hiện Sơn không bình thường như những đứa trẻ cùng lứa.

Bà Trần Thị Hà một mình chăm lo cho gia đình con trai bị tật nguyền. Bà Trần Thị Hà một mình chăm lo cho gia đình con trai bị tật nguyền.

“Sơn hay quấy khóc và thường lên cơn co giật. Lúc đó, tôi cứ gom được ít tiền là đưa Sơn đi bệnh viện khám. Hết bệnh viện huyện Nghi Xuân lại sang bệnh viện ở TP. Vinh (Nghệ An) rồi đi bệnh viện ngoài Hà Nội. Khi các bác sĩ chẩn đoán Sơn bị teo cơ toàn thân do phơi nhiễm chất độc da cam, tôi chỉ biết ôm con khóc”, bà Hà nhớ lại.

Các bác sĩ an ủi bà về chăm con và thường xuyên bóp chân, tay cho cháu. Thế nhưng, 11 năm sau đôi chân của Sơn cứ teo, co lại và không thể đứng lên được. Ngày đó, thấy bạn bè líu lo đi học, Sơn cứ khóc đòi đi theo. Thương con, bà Hà sửa sang lại chiếc xe đạp cà tàng rồi chở Sơn đến trường.

Mặc dù, đi học rất vất vả nhưng Sơn vẫn cố gắng học đến lớp 7 rồi xin đi học nghề ở trung tâm khuyết tật. Năm 2017, Trần Văn Sơn may mắn tìm được hạnh phúc khi kết hôn cùng 1 cô gái trong làng. Thế nhưng vợ của anh Sơn cũng mắc bệnh mất trí nhớ, lúc nhớ lúc quên.

Năm 2018, vợ chồng Sơn đã sinh cháu gái. Thế nhưng, con của anh Sơn cũng bị bại não. Vậy là bà Trần Thị Hà lại tần tảo nuôi cả nhà con trai bị tật nguyền và chạy chữa cho cháu.

Ngọn lửa không tắt

Mặc dù đôi vai gầy gò của bà Trần Thị Hà đã nhiều lần phải oằn mình gánh lấy những mảnh đời bất hạnh, nhưng bà chưa bao giờ thấy hối hận. Các con và cháu là nguồn sống, niềm an ủi của người phụ nữ ở tuổi xế chiều.

Không những vậy, dù còn nhiều khó khăn, nhưng bà Trần Thị Hà vẫn sẵn lòng dang rộng vòng tay cưu mang những mảnh đời bất hạnh khác. Vào một ngày mưa tầm tã cuối tháng 9/2003, khi bà Hà đi cấy lúa từ ngoài đồng về thì gặp một cô gái bụng mang dạ chửa đội mưa ngồi ở mép đường. Hỏi qua, bà được biết cô gái này bị bố mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà vì lỡ dại khi con trai của họ đang đi làm ăn xa. Bố mẹ đẻ của cô gái thì đã mất.

Bà Hà với người cháu gái bị bại não Bà Hà với người cháu gái bị bại não

Dù cuộc sống của hai mẹ con bà Hà khi ấy còn vất vả, nhưng bà vẫn quyết định cưu mang cô gái cùng đường. 10 ngày sau, cô gái sinh con và bà Hà đã nuôi hai mẹ con cô gái ở trong nhà suốt 6 tháng trời. “Cô gái để đứa con lại cho tôi nuôi nấng và xin đi làm ăn xa. Khi nào có điều kiện thì sẽ về đón cháu...”, bà Hà nói.

Đáng phấn khởi, gia đình bà Trần Thị Hà không hề đơn độc trong cuộc sống. Bà Hà chia sẻ, hằng tháng gia đình bà nhận được hỗ trợ 3 triệu đồng (tiền chi trả cho nạn nhân chất độc da cam của cả 2 mẹ con). Ngoài ra, các dịp lễ tết, gia đình cũng thường xuyên nhận được sự thăm hỏi, động viên, chia sẻ của các cấp chính quyền và các mạnh thường quân...

Anh Trần Văn Sơn, con trai bà chia sẻ, mặc dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng anh luôn thầm cảm ơn người mẹ của mình đã tần tảo nuôi dưỡng cả gia đình. Anh cùng bày tỏ mong muốn, chỉ mong được cộng đồng giúp đỡ để người con gái mắc bệnh não có thể vượt qua bệnh tật, để cháu có một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục