Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Tấm lòng nhân ái của cựu binh -Người có uy tín ở bản Kẻ Mé

Phạm Việt Thắng - 06:47, 20/11/2022

Người cựu binh già trầm tư, nghèn nghẹn nói với tôi, bà cụ ấy sống một mình, không nơi nương tựa. Số tiền trợ cấp ít ỏi chẳng ăn thua gì, thương quá, tôi bàn với vợ con phụng dưỡng cụ suốt đời. Ấy là chuyện của cựu chiến binh Lương Văn Mãi - Người có uy tín của bản Kẻ Mé, xã Mậu Đức, huyện Con Cuông (Nghệ An).

Ông Mãi coi cụ Lương Thị Lĩnh, người không nơi nương tựa như mẹ của mình
Ông Mãi coi cụ Lương Thị Lĩnh, người không nơi nương tựa như mẹ của mình

Như mẹ của mình

Ông kể cho tôi nghe đủ mọi thứ chuyện trên đời, nhất là những trận đánh ác liệt ở chiến trường Tây Nguyên. Thế mà tuyệt nhiên không nói về việc mình đang phụng dưỡng một cụ bà không nơi nương tựa. Cho đến khi một người phụ nữ gùi củi đi qua, hỏi thăm ông, thì tôi mới biết được câu chuyện nhân ái xúc động này. Tôi trách móc. Ông cười hì hì: “Có gì đâu, mình có điều kiện thì phải giúp đỡ người khác”.

Ông kể, cụ Lô Thị Lĩnh năm nay đã 93 tuổi. Xưa cụ là người con gái đẹp của bản, học hành giỏi giang. Cụ lấy chồng nhưng hai ông bà không có con. Cụ ông ra đi, cụ Lĩnh không còn ai để nương tựa, mọi việc trông cậy vào sự giúp đỡ của dân bản. Nhưng như thế thì cuộc sống hàng ngày của cụ sẽ không ổn định. Người già mà, miếng ăn, giấc ngủ nó cũng khác. Thế là tôi bàn với vợ con nhận phụng dưỡng cụ. Tuy tuổi đã cao nhưng cụ còn minh mẫn, tự lo cho mình được một số sinh hoạt cá nhân. Do đó, mà tôi chỉ cần cung cấp cho cụ, gạo, thức ăn, củi còn nữa cụ tự nấu ăn, giặt giũ. Hàng ngày, mỗi sáng, mỗi chiều tôi đều ghé nhà kiểm tra mọi việc, hỏi han xem cụ có cần gì không, lúc đó mới an tâm ra về.

Không những thế, ông Mãi còn vận động chị em phụ nữ trong bản, góp công, góp củi chăm sóc cụ. “Cụ cũng như mẹ của mình, như lá sắp lìa cành rồi; nhiều người đến, nhiều người giúp, lúc nào nhà cũng có tiếng người, tiếng bước chân là cụ vui lắm” - ông Mãi rất hiểu tâm lí người già.

Tôi hỏi chuyện chị Lô Thị Bá, người phụ nữ gùi củi để “lộ” ra câu chuyện cảm động này. Chị nói, trời chuẩn bị trở lạnh, chị tranh thủ đi rẫy lấy ít củi về cho cụ, kẻo mưa xuống thì không đi được. Tranh thủ, giặt giũ, quét dọn nhà cửa cho cụ luôn. “Ông Mãi nói rồi, ai có chi thì cho cụ nấy, không có thì đến giúp cụ mấy việc lặt vặt để cụ vui” – chị Bá cho biết.

Tôi đề nghị ông Mãi được đến thăm cụ Lĩnh. Vừa đến đầu ngõ, từ trong nhà, tiếng bà cụ vọng ra: Ông Mãi lại sang à. Cụ Lĩnh nét mặt phúc hậu, nước da trắng. Đúng như lời ông Mãi, hồi trẻ chắc chắn cụ rất đẹp. Cụ khoe với tôi, hồi xưa học giỏi, được về Vinh dự hội nghị, thích lắm. 

Đoạn cụ xúc động, nắm tay ông Mãi, rằng: Giờ một thân một mình, may nhờ bà con, nhất là có ông Mãi giúp đỡ, cảm ơn lắm lắm. “Nếu có về Kẻ Mé công tác thì nhớ ghé nhà bà chơi nha” – cụ Lĩnh rơm rớm nói với tôi lúc chia tay.

Để xây dựng con đường thênh thang như thế này, ông Mãi đã hiến 200 m2 đất nhà mình trước khi vận động bà con
Để xây dựng con đường thênh thang như thế này, ông Mãi đã hiến 200 m2 đất nhà mình trước khi vận động bà con

Luôn đi đầu dậy trước

Tôi cứ băn khoăn không thăm nhà ông Mãi được. Ông lại cười hì hì: “Có gì đâu. Thăm nhà cụ Lĩnh coi như là thăm nhà mình rồi”. Chúng tôi rảo bước trên con đường nhựa liên xã thênh thang, mà theo ông là bà con đã hiến rất nhiều đất đai để làm nên nó.

Ông kể: “Bấy giờ, tôi đã được bầu làm Người có uy tín. Mà đã là người có uy tín thì phải làm gương. Tôi mở đầu việc vận động bà con hiến đất làm đường bằng cách hiến 200m2 đất nhà mình. Thế là bà con không ai còn phàn nàn gì nữa, cứ đường cần mở đến đâu thì dân hiến đất đến đó, mở đường vui như hội vậy”.

Tôi thân mật hỏi ông, cứ đi “vác tù và hàng tổng” thế này, kinh tế gia đình bác ra sao? Vẫn thế, ông lại cười hì hì: “Vững lắm. Mình là Người có uy tín mà, phải biết làm ăn thì bà con mới tin, mới nghe chứ”. Rồi ông thành thật, gia đình được nhận 4 ha đất làm trang trại. Tôi phân chia ra các khu: ruộng nước, ao cá, khu chăn nuôi gia súc và số còn lại thì trồng keo. Trong đó, 5 sào ruộng nước đã cho thừa lúa gạo. Còn trâu bò thì tùy theo năm, như năm nay giá thấp nên không đầu tư nuôi nhiều, chỉ giữ lại một ít nữa thôi. Riêng cây keo, tôi cũng trồng hai loại. Một loại keo ngắn ngày, 4 năm là có thể thu hoạch. Còn 2 ha keo lâu năm, phải từ 10 năm trở lên mới thu hoạch; loại này được sử dụng để làm gỗ lớn nên bán giá cao hơn nhiều. “Người có uy tín là phải uy tín từ lời nói, việc làm và cả trong làm ăn kinh tế” – ông Mãi khảng khái nói.

Tôi lại hỏi ông, có muốn làm Người có uy tín nữa không? Lần này thì ông Mãi không cười, mà nghiêm sắc mặt, nói: Dù sau này không còn đủ sức để làm Người có uy tín nữa, thì tôi vẫn nguyện mãi xứng danh là người uy tín!

“Chúng tôi hết sức tin tưởng bác Mãi”

“Mặc dù bị nhiễm chất độc da cam từ chiến trường trở về, nhưng không vì thế mà bác Lương Văn Mãi thiếu lạc quan trong cuộc sống, ngược lại bác luôn tự tin, luôn tìm cái hay, cái mới để phát triển kinh tế; hết lòng vì bà con dân bản. Lòng nhân ái của bác là một tấm gương sáng để bà con, nhất là lớp trẻ noi theo. Lãnh đạo xã hết sức tin tưởng vào năng lực, trách nhiệm, uy tín và tình cảm của bác Mãi và mong bác đang còn sức khỏe thì còn tiếp tục cống hiến cho bản làng trong vai trò là Người có uy tín”.

(Ông Vy Văn Vương – Phó Chủ tịch UBND xã Mậu Đức)

Tin cùng chuyên mục
Không khí chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây rộn ràng nơi phum, sóc

Không khí chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây rộn ràng nơi phum, sóc

Về với đồng bào Khmer ở các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… mới cảm nhận được không khí đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer đang tới gần. Đi qua từng phum sóc, chúng tôi cảm nhận được không khí rộn ràng, náo nức chuẩn bị đón tết cổ truyền của đồng bào qua từng việc làm, hoạt động cụ thể.