Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Tấm lòng thơm thảo giữa mùa dịch

Lê Hường - 12:52, 21/08/2020

Nửa tháng qua, toàn TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) thực hiện giãn cách xã hội, sau khi phát hiện 3 ca dương tính với Covid-19. Tất cả các quán ăn, dịch vụ không cần thiết tạm ngừng hoạt động. Trong những ngày này, người dân Đăk Lăk không chỉ đồng lòng phòng, chống dịch, mà còn có những nghĩa cử cao đẹp, cùng cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Chị Thúy vào vườn “giải cứu” thanh long giúp người dân
Chị Thúy vào vườn “giải cứu” thanh long giúp người dân

Những ngày TP. Buôn Ma Thuột thực hiện giãn cách, quán cơm Lương Thúy ở cuối đường Phan Bội Châu, phường Tân Tiến, mỗi buổi chiều vẫn thơm mùi thức ăn mới nấu. Nhưng không phải quán hoạt động kinh doanh, mà vợ chồng chủ quán nấu để phát miễn phí cho những người dân trong khu vực phong tỏa do dịch Covid-19.

Chị Lương Thị Thúy (SN 1991), chủ quán cơm cho biết, ngay từ khi dịch Covid-19 quay lại, TP. Đà Nẵng xuất hiện những ca bệnh đầu tiên, giá khẩu trang tăng cao từng ngày nên chị đã gom cả nghìn khẩu trang tặng y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch, phát cho lao động tự do làm nghề bán vé số, chạy xe thồ, giao hàng… hoặc bán trợ giá chịu lỗ 25.000 - 30.000 đồng/hộp để mọi người đều có thể mua được khẩu trang với giá cả hợp lý. Đồng thời, chị bán bánh mì để gây quỹ và gom được 5.000.000 đồng gửi mua lương thực hỗ trợ sinh viên tham gia chống dịch ở TP. Đà Nẵng.

Khi TP. Buôn Ma Thuột lần lượt phát hiện các ca bệnh nhiễm Covid-19, tỉnh ra công văn thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố và phong tỏa một số khu phố, chị Thúy nghiêm túc chấp hành. Sau khi nghe nói người dân trong khu phong tỏa rất khó khăn, đặc biệt là 2 khu ở Ama Khê và Nguyễn Văn Cừ chủ yếu người lao động ở huyện lên thuê trọ và đối tượng nghèo lao động tự do, chị Thúy bàn với chồng nấu cơm phát cho những người dân nghèo này. Từ đó đến nay, vợ chồng chị Thúy cùng nhân viên của quán tất bật chuẩn bị mỗi ngày khoảng 100 suất cơm, nước uống, phát miễn phí cho lực lượng làm nhiệm vụ chốt trực, những người lao động thuê trọ tại 2 khu vực bị phong tỏa.

“Lúc đầu, cũng nghe có người nói khu phong tỏa người dân rất giàu. Để có thông tin chính xác, tôi tự đi tìm hiểu, đến hỏi cán bộ tổ dân phố, người dân xung quanh khu vực phong tỏa, nên mỗi phần cơm của tôi đến đúng nơi, đúng người cần. Tôi rất hạnh phúc!”, chị Thúy nói.

Thấy chị Thúy làm vì tấm lòng và nghĩa cử chung tay cùng cả nước chống dịch, nhiều người bạn và khách hàng của chị đã liên lạc đề nghị góp công, góp của cùng chị duy trì việc nấu và phát cơm miễn phí cho người dân khu cách ly.

Những ngày qua, chị Thúy còn kêu gọi mọi người quyên góp, ủng hộ nhu yếu phẩm (mì tôm, xúc xích, trứng, dầu ăn…) để hỗ trợ những người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Chị đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều mạnh thường quân. Đến nay, chị Thúy đã phát cả trăm phần quà là các nhu yếu phẩm cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Để bảo đảm phòng dịch, chị Thúy đã tự mình chạy xe chở hàng đi chuyển cơm, phát quà cho người nghèo theo danh sách tập hợp được từ phường, từ cộng đồng mạng thông tin.

Không chỉ phát cơm, nhu yếu phẩm cho người nghèo trong khu cách ly, chị Thúy còn hỗ trợ nông dân xã Cư Êbur bán hàng tấn thanh long với giá cao hơn giá thương lái thu gom tại vườn, giúp nông dân tiêu thụ được nông sản, vượt qua khó khăn trong mùa dịch. 

Tin cùng chuyên mục
Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Lạm thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh; khâu tổ chức phân luồng kém dẫn đến tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, tắc nghẽn trên đường lên tham quan di tích; cáp treo quá tải nhưng nhà ga vẫn tiếp tục bán vé để mặc du khách xếp hàng đợi cả vài tiếng đồng hồ… Đây là thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm nay tại không ít điểm tham quan di tích, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam khiến du khách không khỏi bức xúc, thất vọng.