Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Tăng cường giám sát thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Cao Bằng: Đi cùng thực hiện (Bài 2)

Sơn Lâm - 15:11, 04/10/2024

Chính thức được triển khai từ nửa cuối năm 2022, nhưng với nỗ lực và chủ động của tỉnh đến cơ sở, việc triển khai Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, nhờ làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, với phương châm “đi cùng thực hiện”, nhiều vướng mắc đã kịp thời được tháo gỡ, từ đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án tại các địa phương.

(BCĐ - Chuyên đề Ban DT Cao Bằng ) Tăng cường giám sát thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Cao Bằng: Đi cùng thực hiện (Bài 2)
Đường vào xóm Tổng Hoảng, xã Trương Lương, huyện Hòa An được bê tông hóa từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719.

Giám sát ngay từ đầu

Cùng với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2021 – 2025, huyện Quảng Hòa triển khai 10/10 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719). Tổng nguồn vốn thực hiện các dự án thành phần của cả giai đoạn trên địa bàn huyện hơn 304,7 tỷ đồng.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Quảng Hòa, trong quá trình triển khai Chương trình MTQG 1719, huyện đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát. Hơn 02 năm trước, khi chuẩn bị khởi động các dự án thành phần, UBND huyện Quảng Hòa đã ban hành Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 20/9/2022 về kiểm tra việc triển khai Chương trình MTQG 1719 tại các địa phương trên địa bàn huyện.

“Huyện tiến hành kiểm tra, giám sát toàn diện các mặt trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719; việc chấp hành các quy định về quy trình, thủ tục trong việc lựa chọn nội dung, đối tượng, địa bàn đầu tư; việc phân bổ, quản lý sử dụng vốn đầu tư, quy trình thủ tục đầu tư...”, ông Tuấn cho biết.

Từ đó đến nay, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 là hoạt động thường xuyên của huyện Quảng Hòa. Gần đây nhất, trong tháng 9/2024, Chủ tịch UBND huyện Quảng Hòa Vũ Anh Tuấn cùng đoàn công tác của huyện đã đi kiểm tra tại các xã: Đại Sơn (ngày 26/9/2024), xã Phi Hải (ngày 30/9/2024).

Với nguồn lực được bố trí kịp thời, công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng và đồng bào các dân tộc đồng thuận, tích cực tham gia, các nội dung chính sách thuộc Chương trình MTQG 1719 triển khai trên địa bàn huyện Quảng Hòa đã đạt được những kết quả tích cực. Chương trình MTQG 1719 đã góp phần thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn vùng DTTS của huyện.

Đơn cử tại xã Cách Linh, thực hiện Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719, xã triển khai 3 dự án: trồng cây bưởi da xanh, trồng mía dóc, giao khoán đất rừng cho tổ chức và cá nhân với nguồn vốn trên 3 tỷ đồng. Đồng thời, Cách Linh cũng được bố trí vốn từ Dự án 4 để thi công 4 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng mức dầu tư hơn 8,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, xã cũng đã triển khai hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng, góp phần giải quyết các nhu cầu bức thiết của đồng bào, thúc đẩy phát triển kinh tế của xã, nâng cao đời sống cho Nhân dân. Xã Cách Linh được đánh giá là địa phương tiêu biểu trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 của huyện Quảng Hòa.

(BCĐ - Chuyên đề Ban DT Cao Bằng ) Tăng cường giám sát thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Cao Bằng: Đi cùng thực hiện (Bài 2) 1
Đoàn giám sát HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND huyện Quảng Hòa khảo sát công trình đường nông thôn Tềnh Bó - Pò Tẻn ở xã Cách Linh, được đầu tư từ Chương trình MTQG 1719.

Ông Đàm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Cách Linh cho biết: “Ngay khi được phân bổ nguồn vốn, xã tăng cường thông tin, tuyên truyền về các nội dung của Chương trình MTQG 1719 tới toàn thể Nhân dân trong xã. Khi thực hiện các hợp phần dự án, xã tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, nhờ đó các nội dung triển khai đều được bà con đồng thuận cao”.

Điều chỉnh kịp thời

Cùng như huyện Quảng Hòa, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã và đang tập trung cao độ triển khai các dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719. Trong quá trình thực hiện, công tác kiềm tra, giám sát được chú trọng; nhờ đó, kết quả giải ngân Chương trình MTQg 1719 trên địa bàn tỉnh tương đối khả quan.

Số liệu tại Kế hoạch số 818/Kh-UBND ngày 05/4/2024 về thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2024 của UBND tỉnh Cao Bằng cho thấy, trong năm 2023, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh thực hiện Chương trình MTQg 1719 là hơn 2.095,4 tỷ đồng (bao gồm hơn 584,7 tỷ đồng vốn năm 2022 chuyển sang). Đến hết năm 2023, tỉnh đã giải ngân nguồn vốn này đạt tỷ lệ 67%, tương đương hơn 1.399,9 tỷ đồng.

Trong năm 2024, theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh là 2.240,116 tỷ đồng (bao gồm vón năm 2023 chuyển sang). Tính đến ngày 14/8/2024, toàn tỉnh thực hiện giải ngân được 581,992 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch vốn.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bế Văn Hùng cho biết thêm, trong quá trình triển khai các dự án thành phần Chương trình MTQG 1719, lãnh đạo tỉnh, Ban Dân tộc và các Sở ngành thường xuyên tổ chức các đoàn giám sát tại các địa phương. Qua các cuộc giám sát, những khó khăn, vướng mắc của địa phương đã được lãnh đạo tỉnh ghi nhận; với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ, ngành Trung ương thì kịp thời có kiến nghị, đề xuất để giải quyết.

“Thông qua giám sát tại cơ sở, tỉnh đã có nhiều đề xuất kiến nghị với Trung ương có giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, giải phóng mặt bằng; chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề; bổ sung kinh phí hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; việc phân cấp và nhiều cơ chế chính sách đặc thù triển khai các công trình, dự án, chính sách trên địa bàn tỉnh”, ông Hùng chia sẻ.

Với những vấn đề thuộc thẩm quyền, lãnh đạo tỉnh sẽ đề ra chủ trương, chỉ đạo trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Trong đó, việc Hội đồng nhân dân
(HĐND) tỉnh kịp thời điều chỉnh vốn thực hiện các dự án Chương trình MTQG 1719 tại các địa phương là một trong những dấu ấn từ hoạt động kiểm tra, giám sát.

Đơn cử, việc phân bổ vốn triển khai các chương trình MTQG năm 2023 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã được quyết nghị tại Nghị quyết số 80/NQHĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh. Trong quá trình triển khai, HĐND đã 02 lần điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 80/NQ-HĐND.

(BCĐ - Chuyên đề Ban DT Cao Bằng ) Tăng cường giám sát thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Cao Bằng: Đi cùng thực hiện (Bài 2) 2
Cây cỏ ngọt đang được trồng phổ biến tại huyện Thạch An, là cây trồng ngắn ngày có chu kỳ 35 đến 40 ngày thu hoạch/lần; 7 đến 8 vụ/năm. Cây cỏ ngot cho giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa, ngô gấp 4-6 lần

Đối với Chương trình MTQG 1719, tại Nghị quyết số 67/NQ-HĐND ngày 25/9/2023, HĐND tỉnh Cao Bằng điều chỉnh vốn tăng/giảm các dự án tại các địa phương, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn và kiến nghị của cơ sở. Đơn cử, với huyện Bảo Lâm, Nghị quyết số 67/NQ-HĐND điều chỉnh giảm vốn Dự án 2 từ 11,488 tỷ đồng xuống còn 7,33 tỷ đồng; giảm vốn Dự án 10 từ 976 triệu đồng xuống còn 0 triệu đồng; tăng vốn Dự án 4 từ 44,621 tỷ đồng lên 47,279 tỷ đồng; tăng vốn Dự án 9 từ 10,023 tỷ đồng lên 12,499 tỷ đồng.

Còn tại huyện Thạch An, Nghị quyết số 67/NQ-HĐND điều chỉnh giảm vốn Dự án 1 từ 5,615 tỷđồng xuống còn 4,570 tỷ đồng; tăng vốn Dự án 4 từ 43,7 tỷ đồng lên 44,745 tỷ đồng. Tại huyện Nguyên Bình, điều chỉnh giảm vốn Dự án 3 từ 13,967 tỷ đồng xuống còn 0 triệu đồng; tăng vốn Dự án 4 từ 52,168 tỷ đồng lên 66,135 tỷ đồng...

Việc kịp thời điều chỉnh nguồn vốn thực hiện các dự án thành phần Chương trình MTQG 1719 tại các địa phương đã giúp Cao Bằng sớm đạt nhiều mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình MTQG 1719. Nhờ thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, với phương châm “đi cùng thực hiện” nên việc đánh giá, tổng kết các nội dung chính sách đầu tư hỗ trợ, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm để triển khai hiệu quả hơn trong giai đoạn II của Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được thuận lợi.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nọi dung này trong số báo tiếp theo.