Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Nghệ An: Nhiều dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 khó triển khai vì vướng mắc đất rừng

Nguyễn Thanh - 14:46, 03/10/2024

Chưa thể thi công, có nguy cơ vỡ tiến độ… là thực tế đang diễn ra tại một số dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) ở Nghệ An. Những dự án này, chủ yếu là còn vướng mắc diện tích đất rừng nhưng chưa chuyển đổi xong mục đích sử dụng, chưa hoàn thiện đánh giá tác động môi trường…

Khu quy hoạch xây dựng tái định cư khe Hộc - bản Huồi Pủng, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương vẫn còn vướng mắc thủ tục đánh giá tác động môi trường
Khu quy hoạch xây dựng tái định cư khe Hộc - bản Huồi Pủng, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương vẫn còn vướng mắc thủ tục đánh giá tác động môi trường

Những người sống khổ

Nếu các bản làng của xã “ốc đảo” Hữu Khuông khổ 1, thì bản Huồi Pủng khổ gấp 10 lần. Huồi Pủng – một vùng đất nằm gần như biệt lập giữa mênh mang núi rừng và nước của lòng hồ. Chẳng thế mà Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông Lô Văn Giáp đã thuật lại đầy xót xa: Đây là bản duy nhất chưa có đường giao thông, chưa có điện lưới thắp sáng và chưa có sóng điện thoại.

Không tin vào tai mình, chúng tôi nằng nặc đòi được tận mắt chứng kiến cuộc sống khốn khổ ấy của người dân. Nhưng, lịch trình làm việc tại vùng lòng hồ thủy điện bản Vẽ của Đoàn công tác Ủy ban Dân tộc đúng dịp này không cho phép, nên chúng tôi đành lỡ hẹn.

Thấy chúng tôi tiếc rẻ, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông Lô Văn Giáp lại nói: Bù lại, các anh sẽ đến khảo sát, kiểm tra vị trí sẽ được chọn làm điểm xây dựng dự án tái định cư cho người dân Khơ Mú, bản Huồi Pủng, xã Hữu Khuông, tại khe Hộc.

Theo như chia sẻ của lãnh đạo xã Hữu Khuông, vị trí tái định cư đặt tại khe Hộc sẽ gần trung tâm xã hơn, gần đường giao thông hơn, có sóng điện thoại và điện thắp sáng thì đã được kéo từ trước.

Ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, là bản làng định cư của người dân Đan Lai thuộc xã Môn Sơn (Con Cuông). Tại 2 bản Búng và Co Phạt này, nhiều hộ nghèo, vẫn đang ngày ngày sống trong căn nhà tạm, dột nát của mình. 

Qua khảo sát của địa phương, có hàng chục hộ dân có nhu cầu xây dựng nhà ở. Họ là đối tượng thuộc diện hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Dự án 1 của Chương trình MTQG 1719, nhưng vì chưa được giao đất ở, đất sản xuất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… thành ra chính sách hỗ trợ vẫn “nằm trên giấy”. 

Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Lô Văn Thao nói: "Chúng tôi rất biết dân đang sống khổ, mong chờ chính sách hỗ trợ xây dựng nhà, nhưng vì chưa đủ điều kiện pháp lý để thực hiện nên đành chịu".

Chưa được cấp đất ở, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều hộ dân Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông chưa thể thụ hưởng chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở theo dự án 1 của chương trình MTQG 1719 - Trong ảnh: Một nếp nhà tạm bợ của người Đan Lai ở bản Co Phạt, vùng lõi VQG Pù Mát
Chưa được cấp đất ở, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều hộ dân Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông chưa thể thụ hưởng chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Dự án 1 của Chương trình MTQG 1719 (Trong ảnh: Một nếp nhà tạm bợ của người Đan Lai ở bản Co Phạt, vùng lõi VQG Pù Mát)

Mang tâm trạng ngóng chờ ấy, nhiều hộ dân vùng lũ xã Tà Cạ (Kỳ Sơn), được quy hoạch bố trí tái định cư ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, vẫn thấp thỏm không yên. Người dân rất muốn an cư, yên tâm ổn định cuộc sống… nhưng do khu vực quy hoạch xây dựng vướng đất rừng. Mà đất rừng thì chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng xong, nên đành chịu. Hỏi chuyện thì ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thành thật: Chúng tôi vẫn đang chờ cấp trên phê duyệt mới triển khai tiếp được.

Chờ đến bao giờ?

Mới chỉ điểm qua 3 dự án gồm: Tái định cư khe Hộc, bản Huồi Pủng, xã Hữu Khuông (Tương Dương); tái định cư số 1 dành cho người dân vùng lũ Tà Cạ, xây dựng ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn); hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người dân Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát (Con Cuông)… đã cho thấy một khó khăn rất lớn. Đó là là vướng mắc về diện tích đất rừng đưa vào quy hoạch dự án, nhưng chưa hoàn thiện xong thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng và đánh giá tác động môi trường.

Dẫn đầu trong danh sách những dự án vướng mắc thủ tục đất rừng và chưa thể triển khai thi công, nhưng đã phải trải qua rất nhiều tháng hoàn thiện hồ sơ, là khu tái định cư Khe Hộc, bản Huồi Pủng, xã Hữu Khuông. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý các dự án đầu tư huyện Tương Dương cho biết: Tháng 10/2023, chúng tôi hoàn thiện hồ sơ đánh giá tác động môi trường gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau nhiều lần bổ sung, điều chỉnh, thì hiện nay, chúng tôi vẫn đang tiếp tục chờ kết quả phê duyệt. Sau khi hoàn tất bước đánh giá tác động môi trường, thì mới đến giai đoạn trình Sở Xây dựng thẩm định bản vẽ thi công. Thủ tục đánh giá tác động môi trường kéo dài, nếu không thì công trình đã xây dựng xong từ năm trước rồi. Chúng tôi cũng không biết là mình sẽ phải chờ đến bao giờ.

Khu đất quy hoạch xây dựng tái định cư người dân vùng lũ quét ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn vẫn còn vướng mắc thủ tục đất rừng
Khu đất quy hoạch xây dựng tái định cư người dân vùng lũ quét ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn vẫn còn vướng mắc thủ tục đất rừng

Sự chờ đợi ấy, cũng chính là quãng thời gian đầy chán nản, bất lực của lãnh đạo huyện Kỳ Sơn khi thực hiện dự án bố trí tái định cư số 1 dành cho người dân vùng lũ Tà Cạ, xây dựng ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ và lãnh đạo huyện Con Cuông khi thực hiện nội dung hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. 

Theo lãnh đạo huyện Kỳ Sơn chia sẻ, thủ tục đánh giá tác động môi trường thì Bộ Tài nguyên và Môi trường duyệt. Còn thủ tục chuyển đổi đất rừng, huyện nộp hồ sơ về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cách đây mấy tháng, nhưng được trả lời, thủ tục này giao cho UBND cấp tỉnh phê duyệt. Chúng tôi đang chờ HĐND tỉnh họp phê duyệt, thì mới tiến hành các bước tiếp theo.

Rõ ràng, trong khi chờ đợi hoàn thiện quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện các dự án, thì người hưởng lợi vẫn đang là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Một thực tế đang diễn ra, người dân thì phản ánh, chính quyền thì kiến nghị… Vòng luẩn quẩn ấy đã kéo dài nhiều năm khiến nhiều địa phương và ngay cả người dân mệt mỏi, chán nản.

Vậy thì, ở góc độ là thẩm quyền của UBND tỉnh, hãy rốt ráo hơn trong việc lấy ý kiến các sở, ngành, tổ chức họp bàn hướng giải quyết cụ thể. Các cấp chính quyền, ngành chức năng, đơn vị liên quan cũng cần quyết liệt hơn trong thực hiện trách nhiệm. Không có khó khăn nào không có hướng giải quyết và không có vướng mắc nào không có lối đi hợp lý. Chỉ có điều, sự quyết liệt thực hiện ấy đến mức nào mà thôi.

Tin cùng chuyên mục
Mèo Vạc (Hà Giang): Khởi sắc ở xã biên giới Thượng Phùng

Mèo Vạc (Hà Giang): Khởi sắc ở xã biên giới Thượng Phùng

Những năm qua, với việc lồng ghép và thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Đảng, Nhà nước; cùng với hướng đi, giải pháp tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, diện mạo của xã biên giới Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã có sự thay đổi đáng kể, kinh tế - xã hội từng bước phát triển, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt.