Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Tăng cường khai thác tiềm năng du lịch của vùng đất “Đệ nhất danh trà”

Vân Khánh - 11:14, 26/06/2023

Không chỉ được thiên nhiên ban tặng những thắng cảnh hùng vĩ, Thái Nguyên còn là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa, lịch sử, vùng đất nổi tiếng với thương hiệu"Đệ nhất danh trà". Để khai thác tiềm năng du lịch trên vùng đất này, những năm gần đây, Thái Nguyên đã và đang tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch, đưa ngành này trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đang là điểm du lịch thu hút đông đảo khách tham quan ở Thái Nguyên.
Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đang là điểm du lịch thu hút đông đảo khách tham quan ở Thái Nguyên.

Định vị thương hiệu du lịch gắn với lịch sử, bản sắc văn hóa

Thái Nguyên có trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê. Trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 52 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 221 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ” như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái…

Là nơi sinh sống đan xen của 51/54 dân tộc anh em, trong đó đông nhất là 8 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa. Đến với vùng đất này, du khách sẽ được tìm hiểu, trải nghiệm các lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công, trang phục... của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Định kỳ hàng năm, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức 189 lễ hội trải khắp địa bàn.

Không chỉ hấp dẫn du khách bởi du lịch về nguồn tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ mà du lịch Thái Nguyên đang khởi sắc bởi sự phát triển mạnh của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với nhiều danh thắng nổi tiếng như: Hồ Núi Cốc, Hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Điểm du lịch sinh thái Dũng Tân, Điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương, Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà....

Điều khác biệt so với các địa phương khác là, tại tỉnh Thái Nguyên hầu hết các hoạt động du lịch cộng đồng, sinh thái đều gắn với văn hóa trà. Các điểm du lịch này đều chú trọng hoạt động trải nghiệm vùng chè và giới thiệu văn hóa trà kết hợp với tham quan, trải nghiệm. Nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất chè đã chỉnh trang, chăm sóc những nương chè đẹp, xây dựng khu vực chế biến, khu vực trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm trà được chế biến tinh, sâu, chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Nhiều không gian thưởng trà, các homestay được xây dựng rộng rãi, đảm bảo phục vụ các đoàn khách đông người, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống của du khách.

Việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà đã và đang góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đồng thời quảng bá thương hiệu trà Thái Nguyên đến đông đảo du khách trong và ngoài nước. Trà Thái Nguyên giờ đây không chỉ là sản phẩm nông nghiệp, mà đang từng bước trở thành sản phẩm du lịch, quà tặng du lịch có giá trị, đặc trưng riêng có của tỉnh Thái Nguyên. Sản phẩm trà Tân Cương được Hội Kỷ lục gia Việt Nam chọn vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam, đây là lợi thế của Thái Nguyên để thu hút khách du lịch.

Thái Nguyên phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà
Thái Nguyên phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà

Để du lịch “cất cánh”

Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã có những cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với tăng trưởng kinh tế. Các di sản trên địa bàn tỉnh được ghi danh vào danh mục quốc gia, quốc tế đã và đang trở thành yếu tố cốt lõi để phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt. Năm 2022 số lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của Thái Nguyên đạt 2.160.200 lượt, doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch đạt 1.800 tỷ đồng. Tính riêng quý I năm 2023 số lượt khách du lịch đạt trên 1 triệu lượt khách.

Thái Nguyên đã xác định việc phát triển du lịch gắn với văn hóa trà là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó tập trung xây dựng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch thế mạnh gồm: du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn; du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện), thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.

Theo đó có 9 nhóm giải pháp chủ yếu đang được các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện bao gồm: công tác tổ chức quản lý và thực hiện; tuyên truyền; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch; hợp tác, liên kết và phát triển thị trường; phát triển sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực; vốn đầu tư; cơ chế chính sách; ứng dụng khoa học và công nghệ.

Ông Lê Ngọc Linh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, cùng với đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường quảng bá du lịch thông qua các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố; qua các hội nghị, hội thảo; tổ chức các gian hàng trưng bày quảng bá tại các hội chợ và sự kiện du lịch; tổ chức các đoàn famtrip khảo sát du lịch…

Thái Nguyên hiện nay đang rất chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Cụ thể trong thời gian qua đã đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên; thực hiện số hóa một số điểm di tích và danh thắng; triển khai hiệu quả công trình Điểm quét mã QR - code của tuổi trẻ trong tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các di tích lịch sử, văn hóa, điểm du lịch tại một số địa phương; lắp đặt Wifi miễn phí tại các khu, điểm du lịch, bến xe, bệnh viện; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các trang thông tin điện tử (Website) và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,Youtube, Fanpage, Tiktok.

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 góp phần thay đổi vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà

Chương trình MTQG 1719 góp phần thay đổi vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà

Triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã làm đổi thay toàn diện đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà (Kon Tum). Tạo nên những bước chuyển biến sâu sắc và tích cực trong tư tưởng, nhận thức, đời sống của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng.