Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Tăng giá mua điện sinh khối: Cơ hội phát triển nguồn năng lượng sạch

Hồng Phúc - 14:34, 05/05/2020

Là quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có nguồn nguyên liệu sinh khối ước tính hơn 150 triệu tấn/năm. Tận dụng lượng sinh khối khổng lồ này không chỉ giúp bảo vệ sức khoẻ con người, môi trường khỏi nguồn ô nhiễm lớn mà còn mở ra con đường phát triển sản xuất năng lượng điện sạch.

Nguồn nguyên liệu cho điện sinh khối từ ngành Mía đường
Nguồn nguyên liệu cho điện sinh khối từ ngành Mía đường

Nguồn sinh khối của nước ta rất đa dạng, bao gồm: Trấu, rơm rạ, bã mía, chất thải chăn nuôi... Một số dạng sinh khối này có thể khai thác được ngay về mặt kỹ thuật cho sản xuất điện, hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt) đó là: Trấu ở Đồng bằng sông Cửu Long, bã mía dư thừa ở các nhà máy đường, rác thải sinh hoạt ở các đô thị lớn, chất thải chăn nuôi từ các trang trại gia súc, hộ gia đình và chất thải hữu cơ khác từ chế biến nông - lâm - hải sản. 

Khác với nguồn điện được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch như dầu khí hay than đá, điện sinh khối là dạng năng lượng có thể tái tạo và có trữ lượng lớn, nên được đánh giá là một trong những nguồn năng lượng của tương lai. Ngoài ra, năng lượng sinh khối không bị biến động như năng lượng mặt trời và năng lượng gió, nên nó có thể góp phần tích cực vào nguồn cung năng lượng ổn định. 

Hiện nay, nước ta cũng đã có một số dự án nhà máy điện sinh khối được triển khai và đi vào hoạt động như: Dự án xây dựng nhà máy điện sinh khối Biomass tại khu Rừng Xanh, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động từ năm 2013 với công suất 40MW và sản lượng điện là 331,5 triệu kWh/năm. Tại Cần Thơ, nhà máy điện sinh khối đốt trấu tại Khu Công nghiệp Trà Nóc 2, do Công ty Cổ phần nhiệt điện Đinh Hải đầu tư cũng đã hoàn thành và đưa vào hoạt động với công suất 20 tấn hơi/giờ.

Tuy nhiên, việc khai thác nguồn năng lượng hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. “Nút thắt” là do nhà đầu tư chưa mặn mà vì giá bán điện lên lưới điện quốc gia quá thấp.

Để tháo gỡ “nút thắt” này, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 08/2020/QĐ-TTg, ngày 5/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Trong đó, giá mua điện được điều chỉnh từ 1.641đồng/kWh lên 1.968 đồng/kWh. 

Đây là cơ chế giá điện cao nhất hiện nay tại Việt Nam đối với một loại năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn này. Điều này được kỳ vọng thu hút hơn nữa đầu tư vào lĩnh vực điện sinh khối.

Ông Sven Ernedal, Giám đốc Dự án Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng (4E)/EVEF, thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng (ESP) đánh giá: “Việc Chính phủ Việt Nam đưa ra các Quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển điện sinh khối sẽ giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra việc làm xanh, cải thiện an ninh và chất lượng nguồn cung điện. Năng lượng sinh khối đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện cam kết đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), chiến lược tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững(SDGs) của Việt Nam. Nguồn năng lượng tái tạo, sẽ giúp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng tăng khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng”.

Năm 2019, chỉ có 175MW công suất lắp đặt của điện sinh khối được nối vào lưới điện. Trong khi Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Quyết định số 482/QĐ-TTg) đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020 phát triển điện sinh khối lên 660MW; đến năm 2025 là 1.200MW và năm 2030 là 3.000MW.

Tin cùng chuyên mục
Giữ được rừng không ai khác chính là Nhân dân

Giữ được rừng không ai khác chính là Nhân dân

Giữ được rừng, không ai khác, chính là Nhân dân. Những cánh rừng được bảo vệ tốt, chỉ khi nào lợi ích của kinh tế rừng gắn liền với đời sống của mỗi hộ gia đình. Đó là những gì mà chúng tôi đã ghi nhận được ở tỉnh miền núi cực Bắc Hà Giang đã ngút ngàn màu xanh của rừng...