Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tây Giang (Quảng Nam): Đồng bào Cơ Tu đổi mới cách nghĩ, cách làm để thoát nghèo

T.Nhân - H.Trường - 06:51, 24/07/2024

Những năm gần đây, nhiều hộ đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang đã đổi mới tư duy, mạnh dạn thay đổi mô hình sản xuất. Theo đó, từ các mô hình kinh tế dựa vào nông – lâm nghiệp và các chính sách hỗ trợ từ các cấp, nhiều hộ đã thoát nghèo, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Chị Blắc mở trang trại gà trên rẫy cằn, mang lại hiệu quả kinh tế cao
Chị Blắc mở trang trại gà trên rẫy cằn, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Thu nhập hơn nửa tỷ mỗi năm

Chiều biên giới Tây Giang vừa ngớt mưa, chị Bnướch Thị Blắc (thôn R’cung, xã Bhalêê) vội mang bắp cho đàn gà trên trại cách nhà không xa. Mảnh vườn của vợ chồng chị nằm trên quả đồi sát đường liên xã, khoảng hơn 5 ha với bạc ngàn cây ăn quả, quế và trang trại gà.

“Hồi mới lập gia đình, vợ chồng chỉ nuôi mấy con heo, không đủ sống qua ngày. Nhưng nhờ tằn tiện, gom góp rồi mở rộng đầu tư nên mới có cơ ngơi như ngày hôm nay” chị Blắc cười nói.

Kết hôn từ năm 2004, lúc đó hai vợ chồng chị dù chịu khó bám rẫy, làm thuê nhưng vẫn không đủ tiền trang trải. Sau những ngày tháng lao đao, vợ chồng bàn nhau vay vốn nuôi heo. Nhờ chịu khó, sau một thời gian, đàn heo thịt hơn chục con đã đem lại một số vốn kha khá. Cùng với số tiền dành dụm được, chị Blắc mở trang trại gà trên rẫy cằn. Đàn gà tăng dần lên, từ vài chục con ban đầu, sau lên 500 con, rồi đến nay đã hơn 2.000 con mỗi năm.

Gà chị thả vườn, thịt thơm ngon, được nhiều người ở Đà Nẵng và vùng lân cận đặt mua tận nơi. Đến hiện nay, mỗi năm chị xuất bán 3 - 4 lứa, mỗi lứa từ 300 - 500 con, đem về thu nhập lớn cho gia đình. Lợi nhuận từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, chị tiếp tục đầu tư vào trồng cây ăn quả. Sau 5 năm, gia đình chị sở hữu cho mình hơn 1,6 ha cây ăn quả gồm cam, quýt, bưởi.

Lấy ngắn nuôi dài, tích tiểu thành đại, lợi nhuận từ heo và gà, gia đình đầu tư khai phá rẫy trồng cây ăn trái, và trồng thêm khoảng 3 ha quế. Riêng với vườn cam, năm ngoái mới thử thu lứa đầu, khoảng 50 triệu đồng. Vườn bưởi với 70 gốc năm nay chuẩn bị thu. Cây quế đến nay đã khoảng 5 năm tuổi, sắp thu hoạch.

Chưa dừng lại ở đó, thời gian rảnh, chị tiếp tục thu mua nông sản cho bà con để bán lại. Số tiền gom góp được từ các nguồn trên, vợ chồng chị đầu tư mua xe cơ giới để vận tải, san ủi đất vườn cho bà con làm kinh tế. Hiện tại, vợ chồng chị đã sắm được 2 chiếc xe múc và 1 xe ben với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Gia đình chị Bnướch Thị Blắc thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm từ kinh tế vườn
Gia đình chị Bnướch Thị Blắc thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm từ kinh tế vườn

Đến thời điểm hiện tại, gia đình chị mỗi năm có thể thu hơn 500 triệu đồng từ các mô hình kinh tế. Quán tạp hóa của gia đình chị, hiện nay là nơi nhiều người thường hay lui tới để học hỏi mô hình sản xuất. “Mình sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ về mô hình, hoặc kỹ thuật cũng như cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong khả năng mình biết. Bà con phát triển kinh tế, cùng làm giàu, đó cũng là mong ước của vợ chồng mình”, chị Blắc chia sẻ thêm.

Lan tỏa mô hình hay để thoát nghèo

Không chỉ hộ Bnướch Thị Blắc, trong những năm gần đây, nhiều hộ đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang đã đổi mới tư duy, mạnh dạn thay đổi mô hình sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Ở xã A Tiêng, anh Răđăl Nhị là một trong những hộ điển hình như vậy. Từ việc trồng keo không mấy hiệu quả, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế sang trồng cây ăn trái và thu lại lợi nhuận kinh tế khá.

Cách đây 5 năm, anh Nhị chủ yếu trồng keo và làm rẫy sắn. Từ năm 2018, anh tìm hiểu một số mô hình trồng cây ăn trái, tham gia các đoàn đi tham quan một số mô hình về phát triển kinh tế vườn. Qua quan sát thực tế, và tìm hiểu thổ nhưỡng địa phương, anh đã quyết định đưa vào trồng thử nghiệm 100 gốc cam Vinh trên rẫy keo của gia đình.

Sau thời gian chăm sóc, thấy cây phát triển tốt, ổn định, phù hợp với đất đai, anh tiếp tục đầu tư trồng thêm 100 gốc cam Vinh thay thế diện tích đất trồng keo. Được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây, anh mạnh dạn vay vốn, mở rộng diện tích lên hơn 5.000 m2. Đến nay, vườn cam của gia đình đã cho thu hoạch trung bình 2-3 tấn mỗi vụ. Sau khi trừ chi phí, vườn cam đem lại cho gia đình anh 70 triệu đồng mỗi đợt.

Anh Răđăl Nhị làm giàu từ cây cam Vinh
Anh Răđăl Nhị làm giàu từ cây cam Vinh

Không những phát triển kinh tế cho bản thân, anh Nhị còn tận tình hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây cam Vinh cho bà con có nhu cầu. Bên cạnh đó, vườn cam của gia đình anh giúp cho 10 lao động thời vụ có thêm thu nhập. Với việc thay đổi mô hình sản xuất để vươn lên thoát nghèo, và giúp một số hộ phát triển kinh tế, anh Răđăl Nhị được cấp chính quyền tuyên dương vì đã có đóng góp cho phát triển kinh tế địa phương.

Ông Trần Văn Ta, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tây Giang, cho biết: Từ các nguồn hỗ trợ từ các cấp, thời gian qua, huyện Tây Giang đã mở rộng hướng đầu tư triển kinh tế vườn theo hướng ưu tiên phát triển cây đặc sản bản địa, khuyến khích xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất lẫn tiêu thụ.

“Huyện cũng đã bố trí, lồng ghép nhiều nguồn vốn để hỗ trợ cây giống, vật nuôi để người dân vươn lên phát triển kinh tế. Cùng với việc khen thưởng, biểu dương kịp thời những hộ điển hình, địa phương cũng tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ kịp thời để người dân chuyển đổi các mô hình kinh tế, vươn lên làm giàu”,  ông Ta cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Ninh Thuận là nơi có lượng mưa thấp nhất trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp luôn gặp tình trạng khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến cây hoa màu. Với khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất khô hạn, anh Lưu Trường Lâm, dân tộc Chăm, chủ cơ sở Farm Bazô đã chủ động chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây tre lấy măng. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của cơ sở Farm Bazô mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được nỗi lo của người nông dân sinh sống ở vùng đất nắng.