Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Những ngôi nhà có số nơi núi rừng Tây Giang

T.Nhân - H.Trường - 06:05, 26/06/2024

Nhiều người vẫn nghĩ rằng, việc đánh số nhà chỉ có ở thành phố, khu đô thị hay trung tâm huyện lỵ. Tuy nhiên, ở giữa đại ngàn Trường Sơn cũng có những mái nhà của đồng bào Cơ Tu được gắn số chẳng khác gì ở những khu phố thị. Không những chỉ có số nhà, tên chủ hộ cũng được ghi trên biển hiệu để dễ liên hệ. Cứ thế, mô hình này ngày càng được nhân rộng ra nhiều thôn làng ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam).

Nhà anh Alăng Buông được đánh số có đầy đủ thông tin
Nhà anh Alăng Buông được đánh số có đầy đủ thông tin

Chúng tôi đến thôn Tà Vàng, xã Atiêng, huyện Tây Giang khi trời vừa chập choạng tối, cơn mưa phùn đầu mùa lất phất khiến khung cảnh ở núi rừng Trường Sơn như tối nhanh hơn. Tại cầu Aching - nơi dẫn vào ngôi làng được đánh số, chúng tôi gặp người đàn ông trạc tuổi tứ tuần để hỏi thăm đường đến nhà trưởng thôn. “Không biết số nhà trưởng thôn à? Số 40, đi qua cầu này rồi đến dãy bên kia”, người này nói.

Theo chỉ dẫn của người đàn ông, chúng tôi nhanh chóng tìm được nhà trưởng thôn. Ngay trước cửa nhà là một biển hiệu màu xanh ghi đầy đủ thông tin: Thôn Tà Vàng, xã Atiêng, số 40, Alăng Nhêng. Thấy khách lạ, một người phụ nữ đang nhặt rau ở trong nhà nói vọng ra, Nhêng lên rẫy từ hôm qua, không có ở nhà.

Đang phân vân, chưa biết tính như thế nào thì từ phía ngoài khoảng sân rộng, người đàn ông lớn tuổi mời chúng tôi vào nhà chơi, nhà ông ở số 43. Nhìn tấm biển xanh trước cửa, tôi hỏi là nhà già Alăng Geo? Ông cười bảo: Nhà mình đấy, mình là chủ hộ, tên Alăng Geo. Từ khi nhà được đánh số, bà con ưng cái bụng lắm. Rồi già Geo mời chúng tôi vào nhà để trò chuyện.

Mô hình nhà có số được triển khai ở Tây Giang từ năm 2014
Mô hình nhà có số được triển khai ở Tây Giang từ năm 2014

Nhấp ngụm trà ấm, già Geo bắt đầu kể những câu chuyện về làng xóm, những người bạn của ông, về chuyện làm nương rẫy... Về chuyện nhà được gắn số, ông nói rằng ngày trước muốn tìm một nhà nào đó ở thôn rất khó, nhưng bây giờ thì chỉ cần biết tên, hoặc số nhà là tìm được hết. Trên bảng xanh có đầy đủ số nhà, địa điểm thôn, xã nên rất thuận tiện. Người ở xa đến, chỉ cần đi một lượt, nhìn bảng gắn trước cửa là dễ dàng tìm được đúng nhà của người cần gặp.

Già chỉ tay về hướng con đường lớn, mười mấy năm về trước nắng bụi, mưa bùn ngập ngụa đất đỏ, nay Nhà nước đã đầu tư thành đường bê-tông kéo dài đến tận thôn và thông ra đường về trung tâm huyện. Từ đường bê-tông này có các dẫy nhà liền kề nhau, khang trang sạch sẽ.

“Mỗi nhà đều được gắn biển có số nhà và đầy đủ thông tin chủ hộ. Trước đây, mỗi lần Shiper đến giao hàng thì tìm “đỏ con mắt”, nhưng giờ chỉ cần biết tên là tìm đến đúng địa chỉ. Không chỉ như vậy, giờ trong làng có người không may đau ốm, chỉ cần biết số nhà là người dân chạy đến để giúp đỡ, rất hữu ích”, già Geo nói thêm.

Chia tay già Geo, chúng tôi đến nhà già Pơlong Dêêc ở số 34, bên kia nhà Gươl. Mặc dù đã ngoài 60, nhưng già vẫn rất tráng kiện, giọng nói trầm ấm, vang vọng như âm thanh của đại ngàn. Già Pơlong Dêêc cho biết: Cả làng có 76 hộ dân, nhà nào cũng đều có “biển xanh” rõ ràng. Cán bộ, khách đến thôn cần gặp ai là có liền.

Mô hình này không những giúp thuận lợi cho người dân, mà còn hữu ích cho chính quyền trong cải cách hành chính
Mô hình này không những giúp thuận lợi cho người dân, mà còn hữu ích cho chính quyền trong cải cách hành chính

Không riêng gì Tà Vàng, hai thôn Aching 1 và Aching 2, cũng là những thôn thí điểm trong việc nhà có số của xã Atiêng. Thôn AChiinh 1 nằm cách cung đường lên trung tâm huyện miền núi Tây Giang khoảng 500 mét. Ngôi làng tọa lạc trên diện tích hơn 5 ha với khoảng 50 hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu. 

“Làng mới được dựng lên, cuộc sống người dân không còn nay đây mai đó giữa núi rừng. Tuy nhiên, các căn nhà được thiết kế giống nhau, lại nằm liền kề nên khó phân biệt hộ dân. Từ đó, chính quyền đã triển khai đánh số nhà và tên chủ hộ trước cửa nhà cho thuận tiện”, ông Alăng Buông, thôn Aching 1 cho hay.

Theo ông Bríu Quân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang, việc đánh số nhà có rất nhiều thuận tiện, không chỉ giúp cho người dân dễ dàng trong việc tìm nhà, mà còn giúp ích rất lớn cho chính quyền trong việc quản lý. 

Hiện nay, không chỉ Atiêng, mà hầu hết các xã trên địa bàn như Trhy, Dang và xã Lăng, các thôn đều được đánh số nhà. Cán bộ các bộ phận chỉ cần rà soát một lần, rồi đưa thông tin hộ gia đình vào sổ. Người dân đến liên hệ công việc cũng dễ dàng hơn, chỉ cần đọc số nhà, cán bộ xã xem sổ ghi chép là có hết từ tên chủ hộ, địa chỉ rõ ràng.

Chính quyền huyện đang mở rộng gắn số nhà cho những khu dân cư đã ổn định
Chính quyền huyện đang mở rộng gắn số nhà cho những khu dân cư đã ổn định

“Riêng việc quản lý về nhân khẩu, gia tăng dân số, biến đổi số hộ nhờ việc này mà dễ dàng và thuận tiện hơn trước rất nhiều. Hơn nữa, việc đánh số nhà giúp ích rất lớn trong việc sắp xếp, quy hoạch dân cư hiện nay. Ngoài ra, việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo cũng được nhanh chóng, qua đó kịp thời có những chính sách để hỗ trợ”, ông Bríu Quân nói thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết: Việc đánh số nhà được người dân rất đồng tình ủng hộ. Cũng theo ông Lượm, liên quan đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, thời gian tới, huyện sẽ rà soát những khu vực nào bà con Cơ Tu đã định cư ổn định sẽ tiếp tục đánh số nhà để quản lý cư dân, nhằm phục vụ chuyển đổi số quốc gia thuận lợi hơn. Sắp tới huyện sẽ phối hợp với Công an, Tư pháp, Địa chính đưa số nhà vào trong sổ đỏ, sổ quản lý, nhập số liệu lên phần mềm máy tính. 

Tin cùng chuyên mục
Hoạch định chính sách dân tộc từ kết quả điều tra 53 DTTS tại Nghệ An: Cần phải chú ý hơn ở những vùng sạt lở

Hoạch định chính sách dân tộc từ kết quả điều tra 53 DTTS tại Nghệ An: Cần phải chú ý hơn ở những vùng sạt lở

Chỉ mới tính riêng tác động của hoàn lưu bão số 3 và số 4 mới đây, các huyện miền núi Nghệ An đã phải tổ chức di dời hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn vì đất sụt, nhà sập. Đó là thông tin mới về thực trạng kinh tế - xã hội, cần phải được bổ sung, chú ý hơn khi thực hiện hoạch định chính sách phát triển vùng DTTS&MN Nghệ An trong những giai đoạn tiếp theo.