Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Lao động hồi hương và câu chuyện an sinh: Giải bài toán việc làm không dễ (Bài 2)

Lê Hường - Phan Trọng - 08:00, 18/10/2021

Mặc dù được chính quyền các cấp, đoàn thể và Nhân dân quê nhà giúp đỡ, hỗ trợ, song sâu thẳm trong trái tim, suy nghĩ của mỗi người lao động hồi hương đang bộn bề trăn trở. Bởi thực tế, nhiều lao động sau khi từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê hương, không dễ gì bắt nhịp ngay được với cuộc sống và tìm được việc làm ổn định, có thu nhập.

Lao động hồi hương tự tìm việc làm tạm thời để lo cho cuộc sống của gia đình
Lao động hồi hương tự tìm việc làm tạm thời để lo cho cuộc sống của gia đình

Nặng gánh mưu sinh

Về quê từ tháng 7, suốt mấy tháng qua, chị Hà Thị Quế, ở thôn Nam Thanh, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô (Đắk Nông) chỉ quanh quẩn bên vườn rẫy. Suy nghĩ về công việc, tương lai cuộc sống gia đình, lòng chị thêm trĩu nặng. Bởi thu nhập của gia đình chị, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, rẫy, làm vất vả quanh năm chẳng đủ ăn.

Chị Quế chia sẻ: Chồng chị là người khuyết tật, chỉ quanh quẩn ruộng vườn. Năm 2020, dứt ruột để con gái út chưa được 2 tuổi ở nhà, chị xuống Bình Dương làm công nhân cho một nhà máy sản xuất gỗ công nghiệp. Công việc vất vả, với mức lương chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng, chị cũng đã phải liên tục đổi chỗ làm qua các công ty khác nhau, hy vọng đồng lương được cải thiện. Làm chưa được bao lâu, thì dịch bệnh bùng phát. Mất việc làm, ở lại thì không thể trang trải, nên chị quyết định chạy xe về quê.

“Chính quyền địa phương đã đến hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm để giúp tôi vượt qua khó khăn trong mùa dịch. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng trước mắt được đoàn tụ với gia đình vẫn thấy yên tâm, còn hơn nhiều người vẫn còn mắc kẹt ở các khu công nghiệp chưa về được”, chị Quế chia sẻ.

Rời TP. Hồ Chí Minh về quê từ đầu tháng 8, chị Nguyễn Thị Luyện, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) cũng đang nặng đầu suy nghĩ. Chị Luyện làm công nhân may mặc cho doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đã nhiều năm, mức lương cũng khá và ổn định. Dịch bệnh làm công ty phải tinh giảm nhân công, chị Luyện buộc phải thôi việc về quê.

“Thời gian qua, tôi đã liên hệ nhiều doanh nghiệp để xin việc làm, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được công việc mới, cuộc sống gia đình thiếu thốn đủ bề. Ở tuổi ngoài 40 như tôi, ở quê chỉ có đi làm thuê kiếm sống, chứ tìm được công việc ổn định rất khó. Bây giờ ai giới thiệu việc gì làm việc đó, miễn sao có thu nhập lo cho gia đình, con cái, tôi cũng không kén chọn. Cũng may, thời điểm cuối năm Đắk Lắk bước vào vụ thu hoạch cà phê, rồi tiêu, điều nên đi làm thuê cũng có nguồn thu nhập”,chị Luyện cho biết.

Theo thông tin từ Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, địa phương đã có hơn 5.500 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (riêng tháng 8 đã có 474 người). Trong đó, số người làm việc ở địa phương khác chuyển về là 210 người, chiếm 44,3% trên tổng số hồ sơ. Bên cạnh việc giải quyết chế độ bảo hiểm, Trung tâm đều lưu lại thông tin của người lao động, phục vụ việc hỗ trợ tìm kiếm việc làm sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Qua thống kê, rà soát sơ bộ, tỉnh Đắk Nông có hơn 10.000 người lao động từ các tỉnh phía Nam trở về do mất việc, hoặc nghỉ việc. Trong số này, nhiều nhất vẫn là lao động phổ thông, làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ông Bùi Ngọc Hoa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Nông cho biết: Nhu cầu tìm việc làm của người lao động tại tỉnh Đắk Nông khá lớn, đặc biệt là thời gian này, lao động phổ thông từ các tỉnh phía Nam trở về nhiều.

 Một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn cũng chỉ tuyển dụng những lao động đã qua đào tạo. Trong khi đó, đa số lao động của địa phương là lao động phổ thông. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, bình quân mỗi năm cũng chỉ tuyển dụng khoảng 500 - 600 người, nên vấn đề giải quyết việc làm cho lao động sau khi về quê sẽ là bài toán khó.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Nông giải quyết thủ tục hồ sơ cho lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Nông giải quyết thủ tục hồ sơ cho lao động

Khó tìm việc làm ổn định

Làm công nhân cho một công ty giày da tại Đồng Nai, thu nhập mỗi tháng của cả hai vợ chồng chị Võ Thị Hường ở tổ 2, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) cộng lại cũng chỉ hơn 10 triệu đồng. Từ đầu năm 2021, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, công ty phải thu hẹp sản xuất, lương của cả hai vợ chồng cũng giảm đi đáng kể.

Đặc biệt từ tháng 5, một số phân xưởng phải tạm ngừng hoạt động, cả nhà 4 người của chị Hường lao đao, đứng trước nguy cơ thiếu đói. Đầu tháng 6, gia đình chị quyết định rời tỉnh Đồng Nai để về Đắk Nông. Về lại quê sau nhiều năm làm công nhân, vợ chồng chị Hường “vội vã” tìm việc để trang trải cuộc sống ngay sau khi hoàn thành cách ly. Tuy nhiên, dù đã nộp hồ sơ xin việc vào một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng nhiều tháng trôi qua, vẫn chưa có một đơn vị nào tiếp nhận hai vợ chồng.

Chị Hường cho biết: “Sau hơn 3 tháng ở nhà, số tiền tiết kiệm và tiền hỗ trợ thất nghiệp của hai vợ chồng cũng đã sử dụng gần hết. Trước mắt tôi cần tìm một công việc để có thu nhập, trang trải cuộc sống của cả gia đình”.

Ông Trịnh Công Phái, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Đắk Nông cho biết, hàng năm nhu cầu giải quyết việc làm của tỉnh là khoảng 18.000 lượt lao động. Tuy nhiên trên thực tế, địa phương chỉ đáp ứng hơn 50%, số còn lại đi làm việc ngoại tỉnh. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hàng ngàn lao động phải trở về địa phương. Nhu cầu người lao động tìm kiếm việc làm lại tiếp tục gia tăng, gây sức ép không nhỏ cho địa phương trong công tác giải quyết việc làm thời gian tới.

Để giúp những lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, ngoài sự hỗ trợ từ Nghị quyết 68 của Chính phủ, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ sở, trung tâm việc làm, các huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức các phiên tư vấn, giao dịch việc làm để hỗ trợ người lao động.

Tại Đắk Lắk, theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Sở LĐTB&XH, ngoài quan tâm và bảo đảm đời sống cho người dân từ vùng dịch các tỉnh phía Nam trở về, Sở đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện để người dân thụ hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ theo quy định.

Tin cùng chuyên mục
Điều đặc biệt ở Môn Sơn

Điều đặc biệt ở Môn Sơn

Đã nhiều lần về với Môn Sơn (Con Cuông) để ghé thăm nhà cụ Vi Văn Khang- một địa chỉ đỏ nơi miền Tây xứ Nghệ, thăm người Đan Lai ngủ ngồi trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát, thăm những bản làng người Thái hay lam hay làm bên dòng sông Giăng thơ mộng… Mỗi lần mỗi khác, nhưng cảm nhận về sự đổi thay, bứt phá nơi đây thì ngày càng đậm nét.