Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là nơi chứa đựng những giá trị kiệt tác của nhân loại. Không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt ở sự đa dạng độc đáo về kỹ thuật diễn tấu mà cồng chiêng còn là biểu tượng cho sự tổng hoà các giá trị văn hóa đa dạng như: Giá trị biểu thị đặc trưng và bản sắc văn hóa vùng; giá trị biểu thị đặc trưng văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người; giá trị nghệ thuật; giá trị sử dụng đa dạng; giá trị biểu thị sự giàu sang và quyền uy; giá thị tinh thần; giá trị cố kết cộng đồng và giá trị lịch sử.
Đến với Tây Nguyên vào “mùa con ong đi lấy mật/mùa con voi xuống sông hút nước…”, lữ khách được "ăn cùng mâm, ngủ cùng nhà" với già làng; được hoà mình vào âm thanh cồng chiêng, nhún nhảy cùng bước chân những thiếu nữ uyển chuyển trong vòng xoang theo nhịp cồng chiêng; được chiêm ngưỡng những giàn cúng (cột gơng) với những tua đan bằng tre nứa, sặc sỡ sắc màu, vút lên giữa trời cao nguyên lộng gió; được chiêm ngưỡng những bộ trang phục và đồ trang sức đẹp nhất, quý nhất và say trong men rượu cần ấm nồng để thẩm thấu được cái chất, cái hồn văn hóa tuyệt vời ẩn chứa trong lòng Tây Nguyên.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên là bảo tồn, lưu giữ và phát triển những nét tinh hoa trong văn hóa giao tiếp, ứng xử và tổng hòa các mối quan hệ… của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
Dưới đây là những nét chấm phá về văn hóa của vùng đất, con người Tây Nguyên huyền thoại qua góc máy của nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng và Thái Bana.