Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Tây Ninh: Đồng bào người DTTS nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội

PV - 08:45, 30/09/2021

Đến nay, đã hơn 1 tuần toàn tỉnh Tây Ninh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đa phần người dân các địa phương thực hiện nghiêm, trong đó có vùng đồng bào DTTS. Tại ấp Hội Thanh, xã Tân Hội, huyện Tân Châu, đồng bào dân tộc Chăm, từ người lớn, trẻ em đều đeo khẩu trang khi ra ngoài, việc qua lại giữa các gia đình hạn chế rất nhiều so với trước đây.

Ông Abdol Roman đi tuyên truyền đến người dân
Ông Abdol Roman đi tuyên truyền đến người dân

Chồng bà Thị May Na hiện đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhưng bà chỉ có thể ở nhà, thăm hỏi qua điện thoại. Vợ chồng chị Ro Phi Ná chuyên sống bằng nghề làm thuê, mấy ngày qua cũng chỉ ở nhà. Con trai anh chị làm công nhân vừa nhận quyết định cách ly tại nhà. Chị Ná nói: “Tôi cũng không lo lắng lắm, vì đã mua đủ gạo dùng. Chỉ lo khoản tiền góp sắp tới thôi”. Mấy hôm nay, gia đình chị Phi Ná cũng dần quen với việc ở nhà, hạn chế qua lại nhà hàng xóm và thường xuyên đeo khẩu trang.

Ông Mu Sa - Cả chùa Hồi giáo tại ấp Hội Thanh cho biết, lễ Eid al-Adha - một trong những ngày lễ quan trọng của người Hồi giáo năm nay lễ diễn ra vào thời điểm giãn cách xã hội, nên không tổ chức tập trung như mọi năm, mà chỉ ít người đại diện làm lễ cho đúng tập tục. Việc làm lễ mỗi ngày của người dân cũng hạn chế, mọi người chuyển sang làm lễ tại nhà.

Là người trực tiếp tham gia các hoạt động tuyên truyền tại ấp, ông Abdol Roman, Tổ trưởng tổ 7 ấp Hội Thanh cho biết: “Từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân trong tổ thực hiện tốt. Tôi cũng thường xuyên tuyên truyền với bà con những quy định mới trong công tác phòng dịch, để bà con thực hiện nghiêm, bảo đảm an toàn”.

Ông Abdol Roman trao quyết định cách ly cho người dân là công nhân khu công nghiệp trong vùng dịch
Ông Abdol Roman trao quyết định cách ly cho người dân là công nhân khu công nghiệp trong vùng dịch

Ông Abdol Roman cho biết thêm, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, nên không thể tổ chức lễ Eid al-Adha, người dân trong cộng đồng đều thông hiểu. “Tôi mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát, để cuộc sống trở lại bình thường”, ông Abdol Roman nói.

Ông Nguyễn Văn Nhi - Trưởng ấp Hội Thanh cho biết, cộng đồng người Chăm tại ấp hiện có 75 hộ. Cộng đồng người Chăm rất nghiêm túc trong việc chấp hành các quy định về phòng chống dịch, nên rất thuận lợi cho việc tuyên truyền Chỉ thị 16/CT-TTg về giãn cách xã hội.

Theo bà Quách Thị Tình - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội, khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ chính thức thực hiện, xã đã dừng các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, các dịch vụ, kinh doanh không thiết yếu. Xã chỉ đạo các đoàn thể tăng cường tuyên truyền đến tận các ấp; thành lập đoàn giám sát, kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên tại các chợ, cơ sở kinh doanh. Riêng trong vùng đồng bào DTTS, thông qua những Người có uy tín để tuyên truyền kịp thời, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân. Bà con luôn có ý thức chấp hành các quy định công tác phòng, chống dịch, hạn chế ra khỏi nhà.

Bà Thị May Na, nghiêm túc đeo khẩu trang trong sinh hoạt thường ngày
Bà Thị May Na, nghiêm túc đeo khẩu trang trong sinh hoạt thường ngày

Tại ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh có 209 hộ người dân tôc Khmer đang sinh sống trong cộng đồng. Theo ông Phạm Hoàng Thành Nam, Bí thư kiêm Trưởng ấp cho biết, sau đợt giãn cách vào tháng 4/2020, đến nay trong cộng đồng người Khmer cũng đã hiểu và quen, hiện họ luôn chấp hành tốt khi có những chỉ đạo mới.

Theo lời ông Nam, đồng bào Khmer tại ấp chủ yếu sống bằng nghề nông, nên khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 cũng có những khó khăn. Tuy nhiên, người dân luôn chủ động liên hệ với Trưởng ấp khi có thắc mắc, không rõ. “Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu, tuy thực hiện giãn cách nhưng một số việc vẫn được phép làm, một số mặt hàng được phép kinh doanh khi bảo đảm đúng 5K. Trong lao động nông nghiệp, chúng tôi khuyến khích người dân lao động tại địa phương, hạn chế ra các khu vực ngoài xã”, ông Nam cho biết.

 Bà Quách Thị Tình, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hội trao đổi công tác tại khu đồng bào người Chăm tại ấp Hội Thanh
Bà Quách Thị Tình, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hội trao đổi công tác tại khu đồng bào người Chăm tại ấp Hội Thanh

Dù có những khó khăn nhưng công tác bảo đảm an sinh xã hội được ấp và xã bảo đảm tốt, giúp người dân an tâm. Ông Nam cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ đến tận nhà trao 100 suất quà cho những hộ gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. Và việc này được thực hiện thường xuyên trong thời gian qua, tạo được niềm tin trong người dân, tinh thần sẻ chia được lan toả trong cộng đồng, người khá chủ động giúp người khó”.

Thực hiện quy định về giãn cách xã hội, anh Danh Sa Cuôn, ngụ ấp Thạnh Đông mấy ngày nay không đi làm thuê nữa, anh thường ở nhà, chỉ đi ra ngoài cắt cỏ nuôi bò. Anh nói: “Khi có yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội, tôi ở nhà không đi gặp gỡ nhiều người nữa. Đã qua mấy ngày thực hiện quy định này, tôi vẫn thoải mái và cảm thấy an toàn hơn”.

Theo ông Ngô Thành Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân, việc triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn được người dân đồng lòng thực hiện tốt. Công tác tuyên truyền được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong thực hiện phòng, chống dịch. Trong đó, có việc quan tâm bảo đảm tuyên truyền hiệu quả và chăm lo cho người dân trong khu vực đồng bào DTTS./.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Thành lập Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên cả nước

Quảng Nam: Thành lập Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên cả nước

Tỉnh Quảng Nam vừa đưa vào hoạt động Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước. Đây là hoạt động triển khai thực hiện Đề án tổ chức Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia - Quảng Nam 2024 - Chung sống hài hòa với thiên nhiên; đồng thời hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2024 - “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học” và Ngày Quốc tế Bảo tàng 2024 - “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”.