Sự kiện này được tổ chức 2 năm một lần nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia nghề làm bánh tráng phơi sương; tôn vinh các nghệ nhân đang thực hành, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá độc đáo nghề làm bánh tráng phơi sương; giới thiệu, quảng bá thương hiệu ẩm thực quê hương xứ Trảng; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lễ hội năm nay được tổ chức với các khu triển lãm, khu ẩm thực, khu trưng bày hoa, quả và bán trái cây, khu giới thiệu, trưng bày các sản phẩm OCOP, khu gian hàng thương mại. Ngoài ra, lễ hội có các chương trình biểu diễn nghệ thuật hàng đêm với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
Bánh tráng Trảng Bàng là món ăn phổ biến của người dân Nam Bộ, bánh tráng phơi sương mang đến hương vị rất riêng mà không nơi nào có được. Để làm ra được những chiếc bánh tráng phơi sương ngon thì quan trọng nhất là việc tuyển chọn nguyên liệu. Gạo để làm bánh là loại gạo hảo hạng và thường sẽ dùng gạo làng Miên. Gạo được vo sạch, ngâm kỹ, cứ khoảng 5kg gạo lại cho vào một chén muối và thay nước liên tục suốt hai ngày rồi mới xay nhuyễn. Để bánh tráng mềm, trắng, có độ dai dẻo và vị đậm đà hơn thì người thợ sẽ cho thêm một ít muối vào lúc pha bột.
Đến giai đoạn tráng bánh, người nghệ nhân phải thật khéo tay để bánh lan ra thật đều và không bị rách. Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng sẽ được tráng hai lớp bột chồng khít lên nhau chứ không phải một như những loại bánh thông thường. Khi bánh chín tới sẽ được vớt ra một chiếc vỉ tre rồi đem phơi dưới nắng nhẹ trong vòng 30 phút đến 1 tiếng tùy theo thời tiết. Chờ bánh tráng vừa khô và hơi bong lên thì người thợ gỡ ra rồi đem nướng qua lửa.
Từ năm 2016 cho đến nay, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức các đợt Lễ hội Văn hóa - Du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng để các bạn trẻ có cơ hội hiểu hơn về làng nghề truyền thống này. Mỗi kỳ lễ hội đều được diễn ra hết sức công phu với quy mô khoảng hơn 200 gian hàng và các hoạt động giới thiệu, tìm hiểu về làng nghề bánh tráng Trảng Bàng. Với sự hình thành, phát triển hơn một thế kỷ cùng nhiều nỗ lực gìn giữ, quảng bá, làng nghề bánh tráng Trảng Bàng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.