Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Tây Sơn (Bình Định): Rừng liên tục bị xâm hại - Lực lượng chức năng "bó tay" ?

Tiếng Dân - 16:36, 08/10/2021

Nhiều năm qua, hàng chục héc ta đất rừng phòng hộ tại xã Tây Giang và Tây Thuận, huyện Tây Sơn (Bình Định) bị xâm hại. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều người dân thị xã An Khê (Gia Lai) lấn chiếm nhiều héc ta rừng để canh tác, khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh gặp nhiều khó khăn. Đáng nói là, tình trạng phá rừng ở đây diễn ra thường xuyên và kéo dài nhiều năm, nhưng các lực lượng chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Người dân xã Song An, thị xã An Khê (Gia Lai), sản suất trên đất rừng
Người dân xã Song An, thị xã An Khê (Gia Lai), sản suất trên đất rừng

Rừng phòng hộ vùng giáp ranh liên tục bị xâm hại

Giữa tháng 7/2020, tại Tiểu khu 235, thuộc thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn), xảy ra vụ phá rừng tự nhiên có chức năng phòng hộ. Một diện tích rừng khá lớn, với nhiều cây gỗ tự nhiên có đường kính 80 - 100 cm đã bị triệt hạ, đốt dọn sạch sẽ chờ trồng keo, bạch đàn.

Sau khi báo chí phản ánh về vụ phá rừng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bình Định, đã giao Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan điều tra, xác minh và đã xử lý nhiều đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Đến giữa tháng 9/2021, Kiểm lâm huyện Tây Sơn phát hiện trên 5ha rừng tự nhiên, thuộc các Tiểu khu 248 và 258, do UBND xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) quản lý, giáp ranh với xã Song An, thị xã An Khê (Gia Lai) bị phá, đốt tan hoang. Ông Nguyễn Ơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, cho biết: Khu rừng này nằm tiếp giáp với những rẫy trồng keo của người dân xã Song An thuộc thị xã An Khê. Thời gian trước đây, người dân xã Song An đã lén lút xâm lấn sang khu rừng này để làm nương rẫy, giờ lợi dụng rẫy nằm giáp với rừng nên tiếp tục lấn chiếm để mở rộng diện tích.

Theo nhận định ban đầu, 5ha rừng tự nhiên nói trên, bị phá có thể để lấy đất rừng để trồng keo lai. Trong số diện tích rừng bị phá, có khoảng 49.000m2 rừng ở trạng thái rừng xanh nghèo, có trữ lượng gỗ nhỏ với khoảng 10 m3/ha, còn lại khoảng 9.200m2 ở trạng thái rừng tái sinh.

Sau khi phát hiện vụ việc, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn đã lập hồ sơ vụ phá hơn 5ha rừng tự nhiên tại xã Tây Thuận, đồng thời phối hợp với cơ quan Công an điều tra làm rõ đối tượng phá rừng. Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn cũng đã có quyết định trưng cầu giám định, mời Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp và nông thôn Bình Định lên giám định rừng bị phá, để phục vụ công tác điều tra.

Ngoài ra, một diện tích rừng lớn trên địa bàn xã Tây Giang (Tây Sơn) cũng bị lấn chiếm để trồng keo. Theo ông Lý Phùng Lê, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Tây Sơn, có hơn 1.165ha rừng tại 2 tiểu khu 270 và 282A, trên địa bàn xã Tây Giang, giáp ranh với thị xã An Khê. 

Lợi dụng địa bàn giáp ranh, nên nhiều năm qua, người dân xã Song An (thị xã An Khê) đã lấn chiếm nhiều diện tích đất để làm nương rẫy, trồng cây keo lai. Qua thống kê, diện tích đất rừng phòng hộ bị người dân xã Song An lấn chiếm là khoảng 132ha.

Trước năm 2020, một số hộ dân xã Song An bỏ đất không canh tác, BQLRPH huyện Tây Sơn lên thu hồi được hơn 68ha. Diện tích này, hiện đã được trồng lại rừng theo Dự án Bảo vệ và phát triển rừng bền vững của tỉnh. Số diện tích đất rừng phòng hộ còn bị người dân xã Song An xâm chiếm tính đến nay là hơn 80ha.

Nhiều diện tích rừng phòng hộ tại xã Tây Thuận bị phá tan hoang
Nhiều diện tích rừng phòng hộ tại xã Tây Thuận bị phá tan hoang

Chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản chỉ đạo, BQLRPH huyện Tây Sơn cấm người dân xã Song An khai thác rừng trồng trên đất của Bình Định. Thế nhưng, vào đầu tháng 3/2020, UBND thị xã An Khê có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu tạo điều kiện cho người dân xã Song An, được khai thác diện tích rừng trồng trên vùng đất xâm chiếm của BQLRPH huyện Tây Sơn, sau đó sẽ vận động người dân trả lại đất cho tỉnh Bình Định. Thế nhưng, sau khi khai thác xong, một số người dân không chịu trả lại đất, mà cố tình tái lấn chiếm để tiếp tục trồng keo.

Trong những năm qua, BQLRPH huyện Tây Sơn liên tục làm việc với UBND xã Song An để giải quyết việc đất rừng giáp ranh bị lấn chiếm. Chính quyền xã Song An cũng rất tích cực phối hợp, mời những đối tượng lấn chiếm đất rừng lên tuyên truyền, vận động họ trả lại đất cho Bình Định. BQLRPH huyện Tây Sơn cũng đã đưa ra giải pháp hỗ trợ công phát dọn, công trồng và tạo việc làm bằng cách, sau khi trồng lại rừng sẽ giao khoán bảo vệ rừng lại cho những hộ lấn chiếm đất, nhưng họ từ chối.

“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với chính quyền xã Song An đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân xã Song An, ký cam kết không được tái lấn chiếm. Đồng thời xác lập hồ sơ, hộ nào lấn chiếm bao nhiêu, đo đạc cụ thể để báo cáo lên UBND huyện”, ông Lý Phùng Lê, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn lý giải: Đường đi vào khu vực rừng giáp ranh nói trên rất xa xôi, cách trở. Muốn kiểm tra vùng rừng giáp ranh đó, anh em không thể đi từ Tây Sơn qua, bởi phải đi đường rừng và qua nhiều ngọn núi cao nên phải mất cả buổi mới đến. Do đó, mỗi lần đi kiểm tra lực lượng Kiểm lâm phải đi xe máy lên đến xã Song An, rồi theo đường dân sinh của người dân đi làm rẫy để vào rừng. Thêm vào đó, các đối tượng vi phạm rất manh động, sẵn sàng chống trả, nên việc kiểm tra, xử lý cũng như tuyên truyền, vận động rất khó khăn.

Ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, cũng nhận định, khu vực rừng giáp ranh với địa phận thị xã An Khê, là vùng rừng rất nhạy cảm, việc đi lại khó khăn, nên có thể các đối tượng phá rừng lợi dụng địa hình phức tạp để vào chặt phá, đốt cây để lấy đất trồng keo lai. 

Chi cục Kiểm lâm đã yêu cầu, Hạt Kiểm lâm Tây Sơn tăng cường tuần tra đến những lâm phần giáp ranh, có địa hình phức tạp để kịp thời ngăn chặn những vụ phá rừng và lấn chiếm đất rừng.

Tin cùng chuyên mục
Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các huyện biên giới Thanh Hóa đang đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Nhân dân, tập trung hướng về các thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vùng DTTS.