Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tết Ngã rạ - Tết đặc biệt của người Co

T.Nhân - N.Trang - 18:50, 24/11/2022

Hằng năm, cứ vào tháng 10 hoặc đầu tháng 11 âm lịch, khi cây lúa trên rẫy chín vàng, ngào ngạt hương thơm, các gia đình người Co bắt đầu thu hoạch. Sau khi lúa, nếp gặt xong được cất giữ trong nhà, khắp các bản làng người Co lại tổ chức Tết Ngã rạ. Vì là cái Tết quan trọng nhất, nên người Co chuẩn bị nhiều lễ vật để tạ trời, đất phù hộ cho vụ mùa bội thu, con người được khỏe mạnh.

Một số nghi thức trong Tết Ngã rạ
Một số nghi thức trong Tết Ngã rạ

Dân tộc Co là dân tộc có số dân đông thứ ba trong tỉnh Quảng Ngãi và là dân tộc có số dân đông thứ hai trong các DTTS của tỉnh, sau dân tộc Hrê với khoảng 3 vạn người, cư trú chủ yếu ở huyện Trà Bồng.

Cũng giống như các DTTS khác, người Co vốn chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”, việc cúng tế hầu như diễn ra quanh năm và theo chu kỳ của đời người. Người Co vẫn giữ nghề trồng lúa rẫy trên những sườn núi. Bắt đầu từ tháng 3 Âm lịch, người Co đi đốt rẫy để trỉa lúa, đàn ông đi trước chọc lỗ, đàn bà đi sau bỏ hạt lấp đất. Từ đây, những nghi lễ liên quan đến cây lúa được hình thành, như: Lễ cúng xuống giống, lễ cúng cầu mưa, lễ cúng khi bị chim, chuột cắn phá...

Ông Hồ Ngọc An ở thôn 2, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng kể rằng: “Gọi là “ngã rạ” vì khi đó lúa ngoài đồng đã chín ngã, người dân đã thu hoạch xong, đất nương rẫy chỉ còn lại rơm rạ, đốt rẫy chuẩn bị vụ sau”. Tết Ngã rạ của người Co không theo ngày tháng nhất định, mà phụ thuộc vào vòng đời của lúa rẫy. Mỗi năm có một mùa rẫy. Khi cả làng thu hoạch xong đưa lên các chòi cũng là lúc già làng quyết định cả làng ăn Tết Ngã rạ. Thời khắc trước Tết Ngã rạ, nếu chẳng may buôn làng có người qua đời, thì dời lại khoảng 7 ngày.

“Trâu, bò là động vật hiến tế linh thiêng nhất, có mặt trong tất cả các nghi lễ, được chọn để cúng vị thần giữ giống lúa Mo Hwýt, thần Mo Crai phù hộ cho lúa tốt. Heo là loài được chọn cúng tế cho bà Chúa Ngọc. Cuối cùng gà dùng để cúng ông bà tổ tiên”, ông Hồ Ngọc An cho biết thêm.

Phụ nữ Co gói nhiều loại bánh để dâng lên thần linh trong Tết Ngã rạ
Phụ nữ Co gói nhiều loại bánh để dâng lên thần linh trong Tết Ngã rạ

Để tổ chức Tết Ngã rạ được trang nghiêm, đầy đủ các lễ vật dâng lên cúng “thần lúa” và vui chơi, ngay từ cả tháng trước, ngoài các vật nuôi có sẵn trong nhà như heo, gà, vịt... người dân trong làng đã phải tranh thủ làm bẫy, đi bắt chim, thú, đặc biệt là những loài chuyên phá hoại cây lúa, phá hoại mùa màng như chuột, sóc, khỉ, để dành dâng cúng thần lúa.

Những người phụ nữ phải tập trung gói bánh la cót, bánh la tốp, ngâm nếp dồn và ống nứa làm bánh la hlót hay bánh rông, loại bánh tựa như cơm lam ở miền núi phía Bắc. Đến đêm, bánh được nấu trong nồi, trong khi bánh trong ống nứa thì nướng trên bếp lửa; đàn ông thì soát xét lại các lá chuối rừng, các tấm vĩ pa-ra bày biện lễ vật tất cả đểu sẵn sàng để phục vụ cúng lễ vào sáng sớm hôm sau.

Một khâu quan trọng nữa trong Tết Ngã rạ, là dân làng tổ chức đi lấy lúa thiêng trên rẫy về làm lễ cúng thần. Đây là nghi lễ đầu tiên của Tết Ngã rạ của người Co. Già làng là người đi lấy lúa thiêng đầu tiên. Lưng mang gùi, vai vác rựa, mặc trang phục truyền thống, già làng băng băng vượt dốc, lội suối, leo núi đến rẫy của gia đình mình. Già làng đi một vòng cầu nguyện rồi nhanh tay nhặt những bông lúa còn sót lại trên rẫy bỏ vào gùi và chặt hai cây đót cao nhất ở bên bìa rẫy, rồi vội vàng xuống núi. Trên đường về nếu có suối thì già làng nhẹ nhàng đặt hai cây đót chặt lúc ngắt những bông lúa dùng làm cầu, để “hồn lúa” đi qua. Mất độ hai, ba tiếng đồng hồ cho cuộc hành trình “lấy lúa thiêng” của già làng.

Khi già làng về tới nhà, sẽ đặt nắm lúa thiêng vừa lấy về lên bàn thờ, để gùi xuống, cất rựa, rồi ra ngoài hiên báo hiệu cho các gia đình khác trong bản tiếp tục tiến hành lên rẫy lấy lúa thiêng.

Sau phần lễ là phần hội, bà con được vui chơi, ca hát
Sau phần lễ là phần hội, bà con được vui chơi, ca hát

Sau phần lễ là phần hội, cả làng được phép ăn, uống, vui chơi ca hát thoải mái. Khi màn đêm buông xuống, dân làng lại tụ tập tại nhà già làng để cúng ma Ga Ru (ma cho phép mình được làm), mỗi nhà đóng góp các loại bánh. Khi đã tập trung đông đủ, già làng dẫn mọi người đi đến nơi mình chỉ định sẵn để xin phép thần linh cho phép cả làng được tiếp tục vụ mùa năm sau.

Theo già làng Trụ Văn Hải, nếu như lễ ăn cơm mới bắt đầu cho việc thu hoạch, thì Tết Ngã rạ có tính chất như tổng kết một mùa lúa, tạ ơn thần linh và là dịp để mọi người trong làng gặp gỡ, vui chơi sau những ngày tháng lao động vất vả, nặng nhọc. Tết Ngã rạ được coi là tết trọn vẹn và thiêng liêng nhất năm và là tết truyền thống với đầy đủ phần lễ, phần hội của người Co.

Từ những nỗ lực của đồng bào Co, chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa, cùng với sự đầu tư từ những chính sách hỗ trợ từ Dự án 6 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đang được triển khai, sẽ góp thêm nguồn lực cho địa phương làm tốt hơn nữa việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, lễ hội văn hóa nói riêng.