Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tết Ramưwan đầm ấm của đồng bào Chăm Ninh Thuận

Nguyệt Anh - 07:20, 23/03/2024

Ninh Thuận là địa phương có cộng đồng người Chăm sinh sống đông nhất trong cả nước với 3 nhóm tôn giáo chính gồm: Đạo Bàlamôn (trên 50.000 người) Hồi giáo Bàni (trên 30.000 người và Hồi giáo Islam (trên 3.000 người). Đối với đồng bào Chăm theo đạo Đạo Bàlamôn có Tết Ka tê là tết cổ truyền thì cộng đồng người Chăm Hồi giáo Bàni và Hồi giáo Islam có Tết Ramưwan (hay còn gọi là tháng Chay - niệm) là tết cổ truyền mang đậm sắc thái riêng.

Lễ tảo mộ - một nghi lễ trong Lễ hội Ramưwan của đồng bào Chăm Bàni Ninh Thuận
Lễ tảo mộ - một nghi lễ trong Lễ hội Ramưwan của đồng bào Chăm Bàni Ninh Thuận (Ảnh tư liệu)

Rộn ràng Tết Ramưwan 2024

Tết Ramưwan năm 2024 của đồng bào Chăm theo đạo Hồi đã chính thức diễn ra từ ngày 9 đến 11/3 với nhiều hoạt động mang ý nghĩa báo công, báo hiếu, hướng về đạo lý, cội nguồn như thực hiện nghi lễ tảo mộ tại các nghĩa trang, cúng tại gia mời ông bà tổ tiên về vui tết với con cháu, nhằm cầu nguyện, mong sự bình an, sung túc đến với mọi người, mọi nhà. Dịp này, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng được các địa phương tổ chức nhằm tạo nên không khí phấn khởi, vui tươi, đầm ấm cho cộng đồng người Chăm Bàni và Chăm Islam vui Tết.

Tại xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải và thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, nghi lễ tảo mộ tại nghĩa trang trên địa bàn xã được đồng bào Chăm tổ chức từ sáng sớm trước Tết Ramưwan chính thức diễn ra 2 ngày. Các con cháu người Chăm đi làm ăn xa cũng trở về nhà đông đủ để cùng gia đình, dòng họ đến nghĩa trang làm lễ tảo mộ, mời tổ tiên, ông bà về ăn Tết. Lễ vật trong lễ tảo mộ khá đơn giản nhưng thể hiện lòng thành của con cháu đối với người đã khuất. Từng tộc họ đến nghĩa địa để làm cỏ, vun đất phần mộ. Vào lễ, ông thầy Char làm lễ tẩy uế phần mộ và mời tổ tiên về dự lễ.

Chủ lễ đang đại diện cộng đồng người Chăm chuẩn bị nghi lễ tảo mộ
Chủ lễ đang đại diện cộng đồng người Chăm chuẩn bị nghi lễ tảo mộ (Ảnh tư liệu)

Dịp Tết Ramưwan năm nay, lần đầu tiên, thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước tổ chức thi trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ và thi làm các loại bánh truyền thống của đồng bào Chăm. Hoạt động này làm cho không khí đón Tết Ramưwan năm 2024 ở địa phương trở nên náo nức, rộn ràng hơn.

Trong không khí hân hoan đón Tết Ramưwan, người dân xã Xuân Hải càng phấn khởi, tự hào trước diện mạo quê hương đang đổi thay từng ngày. Nhờ có sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ của Chính phủ cùng sự vươn lên từ nội lực của cộng đồng người Chăm, theo đó nhiều con đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên, hệ thống thủy lợi, trường, trạm từng bước được xây mới.

Với truyền thống hiếu khách, trong dịp Tết Ramưwan, người Chăm nói chung và cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo Bàni, Islam nói riêng sẽ tiếp đón bạn bè đến chúc Tết chu đáo. Càng đông khách đến chúc thì Ramưwan càng vui tươi, năm mới mưa thuận gió hòa, vụ mùa thuận lợi, gia đình bình yên và sung túc…


Sư cả Châu Minh Hương Chủ tịch Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận

 Ông Hứa Phơi, Trưởng ban Quản lý thôn Phước Nhơn 3, xã Xuân Hải vui vẻ cho biết: Mấy năm nay, nhờ có nguồn nước dồi dào từ kênh Bắc và hệ thống đường ống thủy lợi Tân Mỹ nên hoạt động sản xuất gặp nhiều thuận lợi hơn. Bà con đón Ramưwan thêm phần vui tươi, phấn khởi. Đặc biệt, để tạo hình ảnh đẹp cho đường làng, ngõ xóm, thôn đã vận động được 27 triệu đồng để treo cờ Tổ quốc và trồng hoa trên tuyến đường chính dài khoảng 1km, tổ chức vệ sinh sân vận động làm nơi tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cộng đồng người Chăm không chỉ chú trọng làm ăn mà còn phát huy tinh thần đoàn kết tham gia các hoạt động, phong trào do xã phát động, nhiều hộ tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi, tạo cảnh quan thôn xóm “xanh - sạch - đẹp”. Đến cuối năm 2021, xã Xuân Hải chính thức được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, người dân vô cùng tự hào, phấn khởi.

Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận cùng Đoàn công tác đến chúc tết Hội đồng Sư cả Chăm Hồi giáo Bàni tại xã Phước Hải, huyện Ninh Phước. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận cùng Đoàn công tác đến chúc Tết Ramưwan Hội đồng Sư cả Chăm Hồi giáo Bàni tại xã Phước Hải, huyện Ninh Phước. Ảnh: Công Thử - TTXVN


Tết Ramưwan năm nay, địa phương đã tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, chúc mừng các gia đình chức sắc, gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn xã; động viên đồng bào tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Ông Nguyễn Đình ThiPhó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải

Dịp Tết Ramưwan năm 2024, lãnh đạo huyện Ninh Sơn cũng đã tổ chức các đoàn đến thăm, chúc Tết tặng quà chúc mừng các chức sắc tiêu biểu cùng gia đình và đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni trên địa bàn thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn. Thay mặt lãnh đạo huyện, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lê Văn Chín chúc các chức sắc cùng gia đình và đồng bào Chăm theo đạo Hồi giao Bàni thôn Lương Tri đón Tết Ramưwan thật vui tươi, đầm ấm và hạnh phúc; đồng thời ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các vị chức sắc, chức việc và bà con tín đồ trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội của huyện, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Qua những kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua đề nghị trong thời gian đến, các vị chức sắc, chức việc và tín đồ tiêu biểu tiếp tục phát huy vai trò, uy tín của mình trong việc phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền đến bà con tín đồ chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu cao tinh thần đoàn kết, gương mẫu, tích cực tham gia hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, góp phần xây dựng thôn Lương Tri nói chung, huyện Ninh Sơn nói riêng ngày càng giàu đẹp.

Dịp Ramưwan, những người con dân tộc Chăm xa xứ cũng sẽ trở về nhà để đón lễ hội cùng gia đình. (Ảnh tư liệu)
Dịp Ramưwan, những người con dân tộc Chăm xa xứ cũng sẽ trở về nhà để đón lễ hội cùng gia đình. (Ảnh tư liệu)

Còn tại xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, để có được mùa Tết Ramưwan vui tươi, đầm ấm, lãnh đạo xã đã chỉ đạo các thôn tuyên truyền cho bà con làm vệ sinh môi trường tại các tuyến đường, nơi công cộng; tổ chức các đội văn nghệ, bóng đá; bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân vui đón Ramưwan trên tinh thần tiết kiệm, đoàn kết, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.

Tháng ăn chay, cầu nguyện

Thời điểm này, đồng bào Chăm Bàni và Chăm Islam bước vào ăn chay suốt tháng, giữ mình trong sạch cầu nguyện, cầu mong một năm mới mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Trong tháng chay tịnh Ramưwan, các vị chức sắc Chăm Bàni và mọi người sinh hoạt tại chùa, chỉ được phép ăn uống khi mặt trời đã lặn (trừ phụ nữ có thai, trẻ em, người già bệnh đau). Còn đối với các vị chức sắc trong cộng đồng Chăm Islam, trong tháng chay tịnh này sẽ sinh hoạt hoàn toàn tại thánh đường, họ chỉ được phép ăn uống sau khi mặt trời đã xuống núi. Vì theo quan niệm của người Chăm Hồi giáo, tháng chay tịnh là để gột rửa thể xác, cho tinh thần được trong sạch, vì thế khi mặt trời còn sáng sẽ không được phép ăn uống bất cứ thứ gì. Đây là biểu tượng cho việc con người phải chế ngự những ham muốn tầm thường, đưa bản thân hướng tới sự chân thiện mỹ.

Khu hành lễ của các tín đồ Hồi giáo Islam là nam giới tại Thánh đường 104, thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận (Ảnh tư liệu)
Khu hành lễ của các tín đồ Hồi giáo Islam là nam giới tại Thánh đường 104, thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận (Ảnh tư liệu)

Tại Thánh đường 104, 1 trong 2 ngôi thánh đường hồi giáo Islam trên địa bàn xã Phước Nam, huyện Thuận Nam dịp này sáng đèn suốt đêm, người ra vào đông vui, nhộn nhịp. Đây là ngôi thánh đường khang trang có diện tích hơn 1.230m2, được khánh thành sau gần nửa năm tu bổ với tổng kinh phí hơn 560 triệu đồng từ các nguồn tài trợ và do nhân dân đóng góp. Đây nơi sinh hoạt tôn giáo tập trung của hơn 340 tín đồ hồi giáo trên địa bàn xã Phước Nam.


Chúng tôi cũng giống như cộng đồng Hồi giáo Islam trên thế giới, hàng ngày, Ban hành giáo sẽ có 5 lần hành lễ tại Thánh đường. Riêng ngày thứ Sáu thì có buổi thuyết giảng tập trung. Bà con trong thôn bận việc đồng áng thì có thể hành lễ tại nơi lao động, sản xuất. Mỗi năm chúng tôi có 1 tháng ăn chay Ramadan. Ngày kết thúc tháng ăn chay được tổ chức rất long trọng tại thánh đường.

Ông Nguyễn Đăng Cường Ban hành giáo Thánh đường 104

Những năm trước kia, Tết Ramưwan được cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi tổ chức với nhiều luật tục, lễ nghi mang đậm nét tín ngưỡng tôn giáo dân gian và bó hẹp trong không gian sống của cộng đồng mình, ít có sự giao lưu, cởi mở. Tuy nhiên, nhưng những năm gần đây, Tết Ramưwan đã trở thành ngày hội lớn, thu hút rất đông người dân và du khách trong và ngoài nước về chung vui và khám phá nét văn hóa độc đáo của người Chăm. 


Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.