Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tết truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số: Nên soi chiếu như di sản văn hóa đặc sắc

PV - 10:00, 11/02/2022

Tết đón năm mới của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam gắn liền với truyền thống, bản sắc văn hóa tộc người. Do đó, nên xem xét đánh giá nó dưới góc độ di sản văn hóa đặc sắc.

Các cô gái Mông chơi hội hoa đào Ảnh: Tấn Vịnh
Các cô gái Mông chơi hội hoa đào Ảnh: Tấn Vịnh

4 hình thức đón Tết

Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay có ba hình thức đón Tết theo thời gian cụ thể, theo lịch cổ truyền của các dân tộc.

Hình thức thứ nhất, đồng bào các dân tộc thiểu số đón Tết năm mới là Tết Nguyên đán. Đó là các dân tộc Mường, Thổ, Chứt, Mảng, Kháng, Xinh Mun, Khơ Mú (vùng Tây Bắc), dân tộc Ơ Đu ở Nghệ An; các dân tộc Tày, Thái, Nùng, Sán Chay, Cao Lan - Sán Chỉ, Giáy, Lự, Bố Y, La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo, Dao, Pà Thẻn, Hmông (vùng Đông Bắc); các dân tộc Hoa, Ngái, Sán Dìu, Phù Lá, Hà Nhì ở Lào Cai… Những dân tộc này vẫn giữ gìn được các phong tục cổ truyền nhưng thời gian đón Tết thống nhất với Tết Nguyên đán của người Kinh.

Hình thức thứ hai, các dân tộc đón Tết năm mới cổ truyền theo lịch riêng của từng dân tộc. Đó là các dân tộc Hmông ở Tây Bắc và Bắc Trung Bộ với Tết Nào Pồ Trầu; người Hà Nhì Hoa ở Lai Châu, Điện Biên với Tết Hồ Sự Chà; người Cống ở Điện Biên với Tết Ủy La Lóng; người La Hủ ở Lai Châu với Tết Khộ Xớ; người Si La ở Lai Châu và Điện Biên với Tết Ồ Xị Già; người Chăm đón Tết Rija Nưgar; người Khmer Nam Bộ đón Tết Bon Chôl Chnam Thmây…

Hình thức thứ ba, các dân tộc ở Trường Sơn, Tây Nguyên như Gia Lai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Ho, Hrê, Mnông, Raglai, Xtiêng, Cơ Tu, Gié Triêng, Mạ, Co, Chơ Ro, Chu Ru, Brâu, Rơ Măm ở Tây Nguyên không quan niệm ngày Tết mà đón Tết cả một thời gian dài từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm.

Hình thức thứ tư, người Tà Ôi, người Bru - Vân Kiều trước kia ăn Tết vào mùa khô như các tộc người ở Tây Nguyên, nhưng từ vài chục năm gần đây đã chuyển sang ăn hai Tết, cả Tết Nguyên đán theo lịch chung của người Kinh và cả Tết cổ truyền của riêng họ.

Như vậy, ăn Tết theo Nguyên đán chỉ 29 dân tộc, hầu hết các dân tộc còn lại vẫn tồn tại hình thức ăn Tết theo lịch riêng của dân tộc mình. Các dân tộc ở Tây Nguyên và Bắc Trường Sơn không có ngày ăn Tết cụ thể mà cả một mùa Tết, mùa lễ hội, mùa vui chơi (ninh nơng). Hiện nay, chính quyền địa phương ở một số tỉnh như Trà Vinh, Hậu Giang, Ninh Thuận, An Giang… đã công nhận ngày Tết của người Chăm, người Khmer, đồng thời chính quyền các tỉnh, các trường học, cơ quan cũng cho công chức, viên chức, học sinh, công nhân nghỉ Tết theo lịch cổ truyền. Nhưng ở các tỉnh vùng Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, chính quyền chưa công nhận những ngày Tết cổ truyền của các dân tộc Hmông, Hà Nhì, Cống, La Hủ, Si La.

Việc tổ chức Tết ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, có dân tộc ở nhiều địa phương công nhận ngày Tết đón năm mới truyền thống, có chính sách cho học sinh, sinh viên, cán bộ người dân tộc thiểu số nghỉ việc đón Tết, nhưng cũng có tộc người (nhất là người Hmông, các tộc người nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến ở vùng Tây Bắc) còn bị vận động bỏ Tết cổ truyền, đón Tết Nguyên đán như người Kinh. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này trước hết là Nhà nước chưa có chính sách về việc nghỉ Tết đối với người dân tộc thiểu số. Chính quyền địa phương ở một số tỉnh vùng Tây Bắc thì quan niệm nghỉ Tết cổ truyền là “lạc hậu”, lãng phí thời gian lao động sản xuất. Vì vậy, cần gộp Tết cổ truyền của từng dân tộc với Tết Nguyên đán để tiết kiệm...

Nên đánh giá dưới góc độ di sản văn hoá đặc sắc

Khi nghiên cứu Tết, cần đặt trong môi trường sản sinh thực hành văn hóa. Tết đón năm mới hàm chứa giá trị truyền thống của từng tộc người. Ngày Tết không chỉ được xem xét, đánh giá dưới góc độ kinh tế đơn thuần, mà cần được đánh giá dưới góc độ di sản văn hóa đặc sắc.

Hiện nay, đời sống của người dân các dân tộc thiểu số được nâng cao, việc cố kết cộng đồng, tìm hiểu cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc đang trở thành nhu cầu quan trọng. Người dân ở cơ sở đều có nguyện vọng được ăn Tết truyền thống của dân tộc mình. Ngày Tết luôn gắn liền với đời sống tâm linh, đời sống văn hóa khó có thể bỏ qua. Ở nhiều quốc gia trên thế giới như Australia, Nhật Bản... mặc dù ăn Tết theo lịch dương nhưng vẫn tôn trọng những ngày Tết truyền thống của một số vùng, địa phương, dân tộc. Ở Australia, các bang có đông cộng đồng các dân tộc như người Việt, người Hoa, người Philippines... thì Chính phủ nước này đều cho các cộng đồng này được nghỉ Tết. Năm 2018, Chính phủ Australia đã cho người Việt nghỉ Tết của Việt Nam vào ngày 15.2.2018 (tức ngày 30 Tết). Từ kinh nghiệm của thế giới, thiết nghĩ chúng ta cũng quan tâm việc tổ chức đón Tết truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Theo đó, hiện có khoảng 30 tộc người ăn Tết truyền thống, cần tôn trọng di sản văn hóa Tết của đồng bào, xác định rõ đồng bào có quyền được tổ chức Tết truyền thống với thời gian, hình thức cụ thể (theo lịch cổ truyền và truyền thống của từng tộc người). Các dân tộc đã chuyển sang ăn Tết Nguyên đán cần tôn trọng nguyện vọng của đồng bào, không xáo trộn về thời gian nghỉ Tết. Như vậy, đồng bào các dân tộc thiểu số ăn Tết cổ truyền theo lịch riêng của tộc người mình đều có quyền được ăn hai Tết (Tết truyền thống và Tết Nguyên đán).

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.