Thác thứ nhất ở đầu nguồn thác Công chúa - Ảnh: Xuân HiềnĐường đến thác Công chúa rất đỗi nên thơ, quanh co, uốn lượn qua một cánh rừng tự nhiên hoang sơ. Hai bên đường đầy màu sắc hoa dại, rộn ràng tiếng chim muông gọi nhau ríu rít. Qua khỏi cánh rừng chừng vài trăm mét là đến thác. Một điều thuận tiện là ô tô có thể vào đến tận chân thác; đây là một sự lựa chọn lý tưởng cho các buổi picnic cuối tuần cùng gia đình, bạn bè, người thân.
Không hùng vĩ, dữ dội như thác Phú Cường, thác K50 …; thác Công chúa êm đềm, dịu dàng, e ấp như một nàng công chúa! Về tên gọi của thác, một số người cho rằng, thác có tên Công chúa là vì theo dân gian truyền miệng, trước đây ngọn thác này là nơi tắm của các nàng công chúa. Dân thường không ai được phép đến gần khu vực này!
Về tên thác Công chúa ắt hẳn là do người Việt mới đặt sau này. Đây không phải là tên do đồng bào dân tộc Gia Rai tại địa phương đặt. Xưa kia, xã hội Gia Rai phát triển mới chỉ dừng lại ở mức độ plơi (làng) hoặc cao hơn là tơring (liên làng) chứ chưa hình thành nhà nước. Do đó sẽ không có vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử như người Việt (Joan).
Thác thứ ba ở cuối dòng suối - Ảnh: tư liệuỞ khu vực Cheo Reo trước đây có các Pơtao: Pơtao Pui, Pơtao Ia và Pơtao Angin, một số người dịch thành vua Lửa, vua Nước và vua Gió! Thật ra cách dịch này không chuẩn xác, vì thiết chế Pơtao của người Gai Rai khác hoàn toàn với Vua của người Việt. Các Pơtao chỉ mang tính thần quyền chứ không mang tính thế quyền. Chức năng của các Pơtao cũng chỉ là cầu thần linh, cầu mưa, cầu gió, cầu mùa màng tươi tốt, cầu dịch bệnh không xảy ra...! Các Pơtao sống bình thường như bao người Gia Rai bình thường khác, họ phải tự làm, tự ăn. Con cái họ không được gọi là hoàng tử, công chúa.
Dù ngọn thác không phải do người Gia Rai đặt nhưng vẫn rất phù hợp và tinh tế, bởi thác không ồn ào, dữ dội kiểu nam tính như nhiều ngọn thác khác, mà rất êm đềm, nhẹ nhàng đầy nữ tính. Ngọn thác đẹp, yêu kiều như một nàng công chúa vậy!
Thác Công chúa bắt nguồn từ khu vực rừng núi đầu nguồn xã Ia Mơ Nông trải dài trên một đoạn suối chừng 3km, tạo nên một không gian vô cùng thoáng đãng, yên bình, hoang sơ và đẹp đến ngỡ ngàng. Thác chia làm 3 đoạn tương đối bằng nhau, mỗi đoạn cách nhau bằng một con thác tuyệt đẹp!
Nhóm bạn trẻ picnic tại thác thứ hai của thác Công chúa - Ảnh: Xuân HiềnVào khoảng cuối mùa mưa Tây Nguyên là mùa đẹp nhất khi đến chiêm ngưỡng thác Công chúa. Những dòng nước mát lạnh, trong vắt bắt nguồn từ những cánh rừng nguyên sơ gần đó, chảy len lỏi, róc rách qua những tảng đá, tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ. Thác như một nàng Công chúa đang ngủ: đầu tựa vào núi; chân hướng về phía cánh đồng; lòng suối trải dài, trắng xóa như mái tóc thiên thần.
Đến với thác Công chúa, chúng ta như trở về với nguồn cội, trở về với thiên nhiên. Đến đây mọi muộn phiền của cuộc sống đời thường dường như tan biến. Chỉ còn lại con người với thiên nhiên hoang sơ, với thác Công chúa đẹp đến nao lòng.
Thác Công chúa là một điểm đến hút hồn lữ khách,nhất là đối với những người yêu thiên nhiên, thích khám phá. Rất tiếc là nhiềungười vẫn chưa biết đến con thác tuyệt đẹp này. Nếu chính quyền địa phương quan tâm đầu tư, quảng bá, khai thác phát triển du lịch thì thác Công chúa sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ của tỉnh Gia Lai mà còn của cả khu vực Bắc Tây Nguyên.