Thác Mây còn được biết đến với tên gọi khác, là thác Chín bậc tình yêu. Thiên nhiên đã ban tặng nơi đây không chỉ nguồn nước quanh năm, mà còn tạo nên 9 bậc thác nối liền nhau. Người dân địa phương cũng có truyền thuyết về 9 nàng tiên xuống tắm thác.
Quanh khu vực thác Mây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mường, vì thế, nơi đây còn lưu giữ được một quần thể với hơn 300 nhà sàn truyền thống của người Mường. Trong đó, có một số nhà sàn có tuổi đời hàng trăm năm. Cùng với đó, đồng bào ở đây vẫn còn lưu giữ các nét đặc trưng văn hóa dân tộc Mường, là "cơm đồ, nước vác, nhà gác, lợn thui"... cùng nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc của người Mường.
Theo số liệu thống kê, hằng năm, tại thác Mây đón trên 50.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Để đáp ứng nhu cầu khách tham quan, những năm qua, một số hộ dân trong thôn Đăng Thượng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nâng cấp nhà cửa, phòng nghỉ, khuôn viên; đồng thời, xây dựng các tour du lịch với các hình thức trải nghiệm diễn tấu cồng chiêng, các tiết mục văn nghệ, các nghề thủ công truyền thống, nghề dệt thổ cẩm; trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mường…
Ông Nguyễn Văn Thỏa, thôn Đăng Thượng - hộ làm du lịch cộng đồng tại thác Mây cho biết: Năm 2017, gia đình tôi đã đầu tư cơ sở vật chất để làm du lịch cộng đồng với mong muốn có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống; đồng thời, cũng là để duy trì, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất khang trang, gia đình tôi cũng chú trọng đến việc tạo thêm các loại hình dịch vụ hấp dẫn gắn liền với bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường như trưng bày và bán các sản phẩm truyền thống, cho thuê và bán trang phục dân tộc... Nhờ đó, hàng tháng gia đình tôi đón rất đông lượng khách đến tham quan, lưu trú, nhất là vào dịp mùa Hè.
Hiện nay, tại thôn Đăng Thượng đã có hơn 10 hộ đăng ký làm du lịch cộng đồng, 30 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch. Để nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan, huyện Thạch Thành đã tạo điều kiện cho những người làm du lịch cộng đồng tại đây tham gia các khóa tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng du lịch. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẵn có trong ngành du lịch mà còn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.
Với vẻ đẹp nguyên sơ còn được lưu giữ, cùng sự quan tâm đầu tư phát triển du lịch ngày càng bài bản, những năm gần đây thác Mây thu hút khá đông khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Thác Mây cũng là tuyến du lịch trọng điểm trong việc kết nối các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện Thạch Thành và tỉnh Thanh Hóa.
Đặc biệt, ngày 15/8 vừa qua, 4 thác nước nổi tiếng Việt Nam được giới thiệu trên tem bưu chính trong đó có thác Mây tại huyện Thạch Thành, Thanh Hóa.
Một số hình ảnh về Du lịch thác Mây