Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Thái Nguyên: Những con đường mở lối thoát nghèo cho đồng bào vùng sâu Phú Lương

Trí Phương - 21:00, 13/11/2023

“Sống ở địa bàn miền núi có kể thì cũng không kể hết được khó khăn đâu. Nhưng từ khi Nhà nước làm cho bà con con đường để ra trung xã thuận lợi, thì cuộc sống đã khác rồi. Bà con có thể mang nông sản ra xã, ra huyện bán được giá cao hơn, cũng không phải lo có nhà nào trong xóm bị ngã tai nạn vì đường khó đi như trước kia nữa...", đó là chia sẻ rất mộc mạc của chị Vi Thị Tuyến, dân tộc Tày, một người dân tại xóm Bắc Bé, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) khi nói về hiệu quả của chương trình xây dựng NTM.

Cầu Đồng Cháy, xóm Đồng Cháy, xã Phủ Lý được xây dựng đã giúp việc đi lại, giao thương hàng hoá thuận tiện hơn
Cầu Đồng Cháy, xóm Đồng Cháy, xã Phủ Lý được xây dựng đã giúp việc đi lại, giao thương hàng hoá thuận tiện hơn

Mở rộng những cung đường

 Phú Lương là huyện miền núi tỉnh Thái Nguyên, toàn huyện có 15/15 xã đều thuộc vùng DTTS và miền núi. Toàn huyện có khoảng 51 nghìn người là DTTS, chiếm gần 51% tổng dân số toàn huyện. Trong đó, các xã như: Yên Trạch, Yên Ninh, Yên Đổ, Động Đạt, Yên Lạc, Phú Đô là những xã vùng sâu, vùng xa, có tỷ lệ đồng bào DTTS sinh sống cao.

 Những năm qua, nhờ sử dụng lồng ghép hiệu quả nhiều nguồn vốn, nhất là từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), hàng trăm km đường giao thông nông thôn của huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã được xây dựng. Các công trình giao thông hoàn thành và đưa vào sử dụng giúp người dân đi lại, sản xuất, buôn bán thuận lợi, góp phần giảm nghèo tại các xã miền núi còn nhiều khó khăn.

Chia sẻ về những tháng ngày khó khăn đã qua, chị Vi Thị Tuyến, dân tộc Tày, một người dân tại xóm Bắc Bé, xã Yên Ninh trải lòng: Khi chưa thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hạ tầng giao thông nông thôn của huyện Phú Lương rất khó khăn, nhiều tuyến đường liên xã, xóm, ngõ xóm vẫn là đường đất nhỏ, hẹp. Như ở xã Yên Ninh của chúng tôi, trước kia đường nhỏ, xấu lắm. Người dân đi lại, đem bán hàng hóa làm ra đi bán cũng rất khó khăn. 

"Nhưng từ khi Nhà nước làm cho bà con con đường để ra trung xã thuận lợi, thì cuộc sống đã khác rồi. Bà còn có thể mang nông sản ra xã, ra huyện bán được giá cao hơn, cũng không phải lo có nhà nào trong xóm bị ngã tai nạn vì đường khó đi như trước kia nữa", chị Tuyến chia sẻ thêm.

Giao thông khó khăn là tình trạng chung của không ít địa phương trên địa bàn huyện Phú Lương. Xóm Bản Héo (xã Yên Trạch), từng là một trong những xóm đặc biệt khó khăn; có 152 hộ dân với 645 nhân khẩu, trong đó trên 90% là người DTTS. Trước đây, đi từ trung tâm xã vào xóm vô cùng gian nan, bởi đường trục xóm, đường nhánh chưa được cứng hóa. Vào ngày mưa, đường lầy lội, trơn trượt, người dân đi lại càng vất vả bội phần, đời sống khó khăn.

Ông Vũ Đức Cảnh, Bí thư Chi bộ xóm Bản Héo, chia sẻ: Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, năm 2013, xóm được Nhà nước hỗ trợ xi măng để làm đường giao thông, bà con rất phấn khởi nên sẵn sàng hiến đất, góp tiền. Với sự đồng lòng của bà con, đoạn đường trục xóm đầu tiên đã được cứng hóa với chiều dài trên 660m. Trong những năm tiếp theo, nhiều đoạn đường trong xóm sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng. Hiện, toàn xóm có 2,4km đường được đổ bê tông phẳng phiu, rộng rãi.

Tương tự như thế, tại xóm người Dao Ba Họ, xã Yên Ninh, từ Quốc lộ 3 đến trung tâm xóm phải đi qua nhiều dốc cao và gập gềnh đá tảng. Đã bao năm qua, bà con nơi đây luôn phải chật vật, khó khăn trong việc đi lại, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Giờ đây, người dân vô cùng phấn khởi khi sắp có đường bê tông đến trung tâm xóm.

Ông Hoàng Xuân Thăng, Trưởng xóm Ba Họ, cho biết: “Bao nhiêu năm nay, chúng tôi luôn mong mỏi có 1 con đường bê tông. Và đến nay, mong muốn đó sắp trở thành hiện thực, vì mới đây huyện đã phân bổ gần 15 tỷ đồng để cứng hóa 5,2km đường. Dự kiến công trình hoàn thành vào đầu năm sau”.

Hiệu quả trong việc phân bổ các nguồn lực

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, những năm qua, huyện Phú Lương đã triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, phân bổ lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn. Qua hơn 10 năm thực hiện, đến nay, gần 1.200km (hơn 70%) các tuyến đường liên xã, xóm, ngõ xóm trên địa bàn huyện Phú Lương đã được đổ bê tông.

Lãnh đạo huyện Phú Lương kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường lên xóm Ba Họ, xã Yên Ninh
Lãnh đạo huyện Phú Lương kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường lên xóm Ba Họ, xã Yên Ninh

Để làm được điều này, ngoài việc hỗ trợ của Nhà nước, huyện Phú Lương đã huy động gần 300 tỷ đồng từ các nguồn lực, người dân hiến gần 60.000m2 đất và hàng nghìn ngày công lao động để làm đường. Trong đó, từ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện đã triển khai được 11 công trình giao thông, với tổng mức đầu tư trên 33,5 tỷ đồng. Toàn huyện cũng đã huy động Nhân dân đóng góp được 20,24 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, diện mạo vùng DTTS và miền núi, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Đến nay, trên 91% đường liên xã, trục xã; trên 75% đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm được cứng hóa; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm còn 5,62% trong tổng số hộ DTTS, giảm 1,88% so với năm 2021.

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, chia sẻ: Khi thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, huyện đã huy động nhiều nguồn lực khác nhau. Đến nay, 100% tuyến đường kết nối với đường tỉnh, quốc lộ được đổ bê tông, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và thông thương hàng hóa của người dân. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn để phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn…

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.