Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Thái Nguyên: Những kết quả bước đầu từ chuyển đổi số

Vân Khánh - 17:45, 19/09/2021

Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 trở thành một trong 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 vươn lên nằm trong nhóm 10. Thực hiện mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các giải pháp, bước đầu ghi nhận được những kết quả tích cực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm và làm việc tại IOC Thái Nguyên ngày 3/9/2021.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc tại IOC Thái Nguyên ngày 3/9/2021.

Thúc đẩy chính quyền số

Theo thống kê, hiện UBND tỉnh Thái Nguyên đã công bố 1.231 thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện cung cấp và thực hiện mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Hệ thống Cổng thông tin điện tử, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hội nghị truyền hình trực tuyến đang vận hành tốt và phát huy hiệu quả.

Đặc biệt, để thúc đẩy xây dựng chính quyền số theo hướng đô thị thông minh, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai những mô hình rất sáng tạo, mang tính thí điểm để nhân rộng. Tiêu biểu phải kể đến là mô hình “Phòng họp không giấy” được TP. Thái Nguyên triển khai từ đầu tháng 6/2021 đến nay. Theo đó, mô hình được áp dụng tại các phiên họp của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố.

Theo ông Nguyễn Quang Anh, Chánh Văn phòng Thành ủy Thái Nguyên, trước đây, mỗi lần Thành ủy họp, Văn phòng phải in ấn, chuyển tài liệu cho các đại biểu trước cuộc họp từ 3-5 ngày để nghiên cứu trước nên mất rất nhiều thời gian. Từ khi triển khai mô hình “Phòng họp không giấy”, nội dung, chương trình và tài liệu của phiên họp được chuẩn bị, xem xét, phê duyệt và cập nhật lên hệ thống để các thành viên nghiên cứu trước.

“Mô hình vừa tiết kiệm thời gian và chi phí văn phòng phẩm, tránh được những sai sót trong sắp xếp tài liệu, đồng thời đại biểu có thời gian để nghiên cứu tài liệu nên chất lượng thảo luận, giải quyết công việc được nâng lên”, ông Quang Anh nhận định.

Với việc triển khai Chương trình Chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu, đến năm 2025 có 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập. Bao gồm cả thiết bị di động; 100% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; trên 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Để đạt mục tiêu này, ngay từ tháng 7/2020, tỉnh Thái Nguyên đã đưa vào khai thác, vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC), đặt tại trụ sở UBND tỉnh. IOC được coi là “bộ não số” của tỉnh với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển, cho phép kết nối những trường thông tin, trích xuất dữ liệu; tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp, phục vụ công tác nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, các cấp chính quyền… một cách công khai và minh bạch.

Đặc biệt, nhờ nền tảng quản lý camera tập trung, IOC đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Thái Nguyên. Để đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định 24/24, IOC luôn bố trí từ 6 - 8 cán bộ với 10 máy tính và 6 điện thoại tổng đài làm nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn, giải đáp, hỗ trợ trực tiếp công dân.

Hướng tới xã hội số

Cùng với thúc đẩy chính quyền số, tỉnh Thái Nguyên đã và đang nỗ lực phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 có trên 3.000 doanh nghiệp số; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; phổ cập mạng di động 4G/5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%; đặc biệt phấn đấu thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về an toàn, an ninh mạng.

Mô hình “Phòng họp không giấy” được UBND TP. Thái Nguyên chính thức triển khai trong Phiên họp diễn ra ngày 23/6/2021.
Mô hình “Phòng họp không giấy” được UBND TP. Thái Nguyên chính thức triển khai trong Phiên họp diễn ra ngày 23/6/2021.

Thực hiện mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên đã có những bước đi  khá vững chắc. Đối với phát triển kinh tế số, tỉnh đã thí điểm giải pháp quản lý cây thông minh, xây dựng hệ thống quản lý cây xanh thông minh trên bản đồ số, hoàn thành cơ bản các chức năng, cập nhật thông tin 315.000 cây... Ngành Công thương tỉnh đã xây dựng hệ thống quản lý kinh doanh xăng dầu trực tuyến, hệ thống hỗ trợ thu hút đầu tư, quản lý cụm công nghiệp trực tuyến của tỉnh. Ngành Điện lực đã triển khai dịch vụ cung cấp điện mới cho khách hàng được thực hiện 100% qua phương thức điện tử, sử dụng chữ ký số đối với cả bên mua và bên bán điện…

Đối với mục tiêu xây dựng xã hội số, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học, đảm bảo 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai phần mềm quản lý tài chính, tài sản, phần mềm quản lý các hoạt động của nhà trường; tổ chức cấp tài khoản, tập huấn cho giáo viên, học sinh toàn tỉnh về nền tảng dạy học trực tuyến Microsoft Teams.

Ngành Y tế tỉnh xây dựng Đề án Phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho 500.000 người dân, đạt 40% dân số; triển khai phần mềm quản lý thông tin y tế xã, phường, thị trấn đến 178 trạm y tế xã, phường thị trấn, thực hiện kết nối liên thông vào phần mềm quản lý dược quốc gia đối với các nhà thuốc, quầy thuốc cấp mới...

Đánh giá về quyết tâm chuyển đổi số, ông Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định, Thái Nguyên là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề về Chương trình chuyển đổi số. Tỉnh cũng đã lấy ngày 31/12 hằng năm là Ngày chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên - là địa phương đầu tiên trong cả nước có ngày chuyển đổi số.

“Đây là sự kiện ghi dấu ấn và là hoạt động thường niên sau này giúp tỉnh đánh giá, nhìn nhận kết quả thực hiện chuyển đổi số; tạo điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu các giải pháp, kết nối cung, cầu chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số”, ông Hùng khẳng định.

Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số, Thái Nguyên đề ra 37 nhiệm vụ ở cả 3 trụ cột chính, trong đó 8 nhiệm vụ phát triển xã hội số; 11 nhiệm vụ phát triển kinh tế số; 13 nhiệm vụ xây dựng chính quyền số và 5 nhiệm vụ xây dựng hạ tầng đô thị thông minh. Kế hoạch cũng đưa ra 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số gồm: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp, du lịch.

Tin cùng chuyên mục