Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số an toàn, lành mạnh

PV - 13:08, 19/08/2021

Thời gian qua, các nền tảng số đã đóng góp quan trọng cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, hiện tượng lộ lọt thông tin, dữ liệu trên các nền tảng số vẫn diễn ra với quy mô ngày càng lớn.

Biểu tượng của Facebook. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Biểu tượng của Facebook. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Hiện tượng phát tán tin giả, thông tin vi phạm pháp luật, đặc biệt là trên các nền tảng số xuyên biên giới vẫn diễn ra nhiều, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, văn hóa và hoang mang, lo lắng trong xã hội.

Trước thực trạng này, ngày 18/8, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 49/CT-BTTTT về thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số an toàn, lành mạnh. Chỉ thị không chỉ tạo thêm hành lang cho sự phát triển và sử dụng các nền tảng số an toàn, lành mạnh mà còn góp phần tạo lập niềm tin số và bảo đảm an toàn không gian mạng Việt Nam.

Nền tảng số là mô hình hoạt động sử dụng công nghệ số để cung cấp dịch vụ cho phép tổ chức, cá nhân có thể sử dụng ngay; đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu; dễ dàng phổ biến trên diện rộng vì tổ chức, cá nhân không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì; càng có nhiều người sử dụng thì chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn. Nền tảng số an toàn, lành mạnh là nền tảng số đáp ứng yêu cầu của pháp luật của Việt Nam; các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và các giá trị văn hóa phổ quát.

Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp chủ quản nền tảng số phải phát triển nền tảng số có khả năng tự bảo vệ; có các công cụ xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật. Đặc biệt, chủ quản nền tảng số phải triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin và công khai biện pháp xử lý, bảo vệ thông tin cá nhân; chỉ tiến hành thu thập thông tin cá nhân khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân. Ngoài ra, các đơn vị này không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân của người sử dụng, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các doanh nghiệp chủ quản nền tảng số cần cung cấp cơ chế cho phép người sử dụng phản ánh, khiếu nại tin giả, thông tin xúc phạm danh dự, xâm phạm đời tư cá nhân và thông tin vi phạm pháp luật khác.

Các doanh nghiệp viễn thông thiết lập hoặc nâng cấp hệ thống giám sát và điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông ); quản lý, phối hợp ngăn chặn sự cố, nguy cơ mất an toàn thông tin mạng; cảnh báo, khuyến cáo xử lý khi phát hiện thiết bị của người sử dụng bị lây nhiễm, phát tán mã độc, gặp sự cố lộ, lọt thông tin, dữ liệu cá nhân…

Với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ nền tảng số, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích sử dụng các nền tảng số an toàn, lành mạnh, có công khai chính sách, công cụ quản lý và xử lý tin giả, thông tin vi phạm pháp luật khi thiết lập các trang thông tin, tài khoản trên nền tảng số; thận trọng khi cung cấp thông tin, dữ liệu cá nhân của mình và của tổ chức, cá nhân khác trên các nền tảng số; nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn thông tin; bảo mật tài khoản, mật khẩu của cá nhân trên nền tảng số, thực hiện gỡ bỏ tin giả, thông tin vi phạm pháp luật khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Thanh tra Bộ) và các Sở thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các phần việc theo chức năng nhiệm vụ góp phần thúc đẩy việc phát triển và sử dụng nền tảng số an toàn lành mạnh./.

Tin cùng chuyên mục
Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ công và tư duy về môi trường số cho đồng bào DTTS

Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ công và tư duy về môi trường số cho đồng bào DTTS

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đang trở thành một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, việc tiếp cận DVCTT đối với người dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều thách thức. Một trong những giải pháp nhằm nâng cao tiếp cận DVCTT là tăng cường tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của DVC, từ đó nâng cao nhận thức và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ này.