Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thái Nguyên: Phát triển thị trường lao động, tăng cường kết nối Cung – Cầu lao động

Nguyễn Minh Anh - 07:49, 19/12/2023

Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Chương trình gồm bảy dự án, trong đó, Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì.

Người lao động đặc biệt quan tâm thông tin thị trường lao động, qua đó có thể tìm kiếm việc làm phù hợp
Người lao động đặc biệt quan tâm thông tin thị trường lao động, qua đó có thể tìm kiếm việc làm phù hợp

Tại tỉnh Thái Nguyên, sau hơn 2 năm thực hiện Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về việc làm cho người lao động. Tỉnh đã chú trọng cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tìm kiếm, tạo việc làm cho người lao động, ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động sống ở xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh từ đó góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững.

Để phát triển thị trường lao động, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động. Từ năm 2015 đến năm 2021, định kỳ hằng năm tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành tổ chức thu thập và xử lý thông tin thị trường lao động theo hướng dẫn tại Thông tư số 27/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động tại 100% các xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp trên địa bàn. Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên thực hiện thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động theo hướng dẫn tại Thông tư 01/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25/01/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động.

Cơ sở dữ liệu về người lao động hay còn gọi là cung lao động với thông tin được ghi chép đầy đủ về trình độ học vấn, tình trạng việc làm, đến từng thành viên trong hộ gia đình (từ 15 tuổi trở lên). Dữ liệu cung lao động đã giúp địa phương nắm được thông tin về lực lượng lao động, lao động có việc làm, thất nghiệp... trên địa bàn quản lý để đưa ra những chính sách về phát triển nguồn nhân lực phù hợp. Trung bình giai đoạn 2015 – 2021, đã tiến hành thu thập thông tin của 326.092 hộ gia đình, tỷ lệ biến động trung bình đạt 30% trên tổng số hộ gia đình. Năm 2022, đã tiến hành thu thập thông tin của 665.028 người lao động từ 15 tuổi trở lên đang thực tế thường trú trên địa bàn tỉnh.

Cơ sở dữ liệu về thông tin của người sử dụng lao động hay còn gọi là cầu lao động giúp địa phương quản lý và khai thác được các chỉ số thông tin về việc làm, lao động tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn (các thông tin có chi tiết đến cấp huyện và các khu công nghiệp), từ đó định hướng đào tạo và bố trí nguồn nhân lực tại địa phương. Đến nay, cơ sở dữ liệu cầu đã thu thập thông tin cơ bản của 5.750 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thuê mướn, sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh, từ đó kết hợp với cơ sở dữ liệu cung lao động nhằm kết nối cung, cầu lao động tại địa phương.

Kết quả điều tra thông tin thị trường lao động hàng năm đều được Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên nhập tin và chuyển thông tin cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động về phần mềm nhập liệu của Cục Việc làm. Từ năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và đi vào sử dụng phần mềm quản lý nguồn nhân lực riêng của tỉnh (tên miền  http://tt01.thainguyen.nguonnhanlucxahoi.vn/). Phần mềm là nơi lưu trữ và khai thác dữ liệu không chỉ đối với phần cung và cầu lao động mà còn lưu trữ và khai thác thông tin về người lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

Cơ sở dữ liệu về thông tin của người lao động và người sử dụng lao động được sử dụng để kết nối cung – cầu lao động
Cơ sở dữ liệu về thông tin của người lao động và người sử dụng lao động được sử dụng để kết nối cung – cầu lao động

Giai đoạn 2023 – 2025, việc thu thập thông tin về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 11/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 04/10/2023 về việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2023 – 2025. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng Kế hoạch thực hiện thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2023, với mục đích thu thập thông tin cơ bản, chính xác về thực trạng lao động, việc làm, thất nghiệp và thông tin biến động của người lao động cư trú trên địa bàn tỉnh làm cơ sở quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; làm cơ sở hoạch định chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Tổng hợp, đồng bộ cơ sở dữ liệu về người lao động để xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động trong phạm vi cả nước.

Triển khai Kế hoạch, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động, nghiệp vụ kiểm tra, giám sát cho lãnh đạo và cán bộ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố; công chức Lao động –Thương binh và Xã hội các xã, phường, thị trấn; đại diện Tổ công tác cấp xã triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thành phố tổ chức tập huấn nghiệp vụ thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động cho các điều tra viên của các xã, phường, thị trấn tại địa phương.

Bên cạnh đó, thực hiện Thông tư số 11/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên cũng đang đẩy mạnh số hóa thị trường lao động nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu “Việc tìm người - Người tìm việc” và quản lý lao động gắn với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, qua đó giúp người lao động, đặc biệt người nghèo, đồng bào dân tộc dễ dàng tìm được công việc sát với nhu cầu.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang thực hiện thu thập, tổng hợp thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang thực hiện thu thập, tổng hợp thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn

Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang thực hiện thu thập, tổng hợp thông tin về nhu cầu tuyển dụng của gần 1.200 doanh nghiệp/năm, với nhu cầu cần tuyển dụng trên 30.000 chỉ tiêu, tại hơn 35 vị trí việc làm; phối hợp với các huyện, thành phố thực hiện rà sát, nắm bắt nhu cầu tìm kiếm việc làm thường xuyên của hơn 10.000 người lao động/năm. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm trực tiếp thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng của 350 doanh nghiệp, với nhu cầu tuyển dụng tại hơn 20 vị trí việc làm và hơn 20.000 chỉ tiêu. Những thông tin cơ bản như trình độ, kỹ năng lao động, tình trạng việc làm, quan hệ lao động, tham gia các loại hình bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện; thông tin đăng ký lao động của người lao động thông qua ứng dụng điện tử đăng ký việc làm hoặc các ứng dụng khác có liên quan đều được cập nhật đầy đủ. Trung tâm cũng tổ chức thu thập, tổng hợp thông tin về nguồn nhân lực sẵn sàng tham gia thị trường lao động tại 9 huyện, thành phố. Kết quả, hiện nay hơn 4.000 người lao động trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tìm kiếm việc làm, hoặc chuyển đổi nghề mới.

Trên cơ sở dữ liệu “Việc tìm người - Người tìm việc”, Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng chủ động phối hợp với các cấp, ngành chức năng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền đến nhà tuyển dụng và người lao động về chính sách, pháp luật về việc làm, nghề học, lao động... Các hình thức chuyển tải thông tin tương đối đa dạng, như: thông qua hệ thống đài truyền thanh huyện, thành phố; loa truyền thông ở các phường, xã, xóm; đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố có liên kết cung - cầu lao động với Thái Nguyên. Nhờ đó, nguồn tài nguyên cung ứng cho thị trường lao động được phổ biến rộng rãi.

Theo đánh giá, việc xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu thị trường lao động giúp các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị quản lý hiệu quả thị trường lao động; nắm bắt được tình hình cung - cầu lao động, những biến động để phân tích, dự báo sát... Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp có thể nắm bắt được thông tin để có kế hoạch xây dựng kỹ năng quản lý, quy mô vị trí việc làm, củng cố, nâng cao chất lượng lao động. Người lao động cũng nắm bắt được thông tin về thị trường lao động và dễ dàng tìm kiếm việc làm phù hợp.