Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thái Nguyên: Triển khai nhiều biện pháp tạo việc làm bền vững cho người nghèo

An Ngọc - 14:25, 10/12/2023

Bên cạnh việc tập trung thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình MTQG giảm nghèo, tỉnh Thái Nguyên cũng đặc biệt chú trọng Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững, qua đó hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, giúp người lao động có thể tìm được việc làm phù hợp, ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Nhờ thực hiện tốt công tác hỗ trợ việc làm đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh
Nhờ thực hiện tốt công tác hỗ trợ việc làm đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh

Thái Nguyên là tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ, thuộc vùng Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; có diện tích trên 3.500 km2, dân số hơn 1,3 triệu người, trong đó có 08 thành phần dân tộc chủ yếu; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (03 thành phố, 06 huyện), 177 xã, phường, thị trấn, trong đó có 110 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 76 xã ATK, 14 xã đặc biệt khó khăn. Thái Nguyên là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước, có Đại học Thái Nguyên, với 09 trường đại học, 77 trường cao đẳng, trung học và dạy nghề, với khoảng 140 nghìn giáo viên, sinh viên và học sinh; là trung tâm y tế lớn với Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, 25 bệnh viện và trung tâm y tế trực thuộc tỉnh.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh có tổng số 336.411 hộ dân, trong đó số hộ nghèo là 14.624 hộ (chiếm 4,35%), hộ cận nghèo là 12.245 hộ (chiếm 3,64%). Một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo là do hộ nghèo thiếu hụt về việc làm. Thống kê, tỉnh có 13.208/36.798 hộ thiếu hụt chỉ số việc làm, chiếm 35,89% (trong đó có hộ nghèo là 8.279, hộ cận nghèo là 4.929). Sự thiếu hụt chỉ số việc làm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các kết quả, chỉ tiêu của Chương trình MTQG giảm nghèo như hỗ trợ thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững; hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong năm 2021, tỉnh Thái Nguyên được phân bổ tổng kinh phí 882 triệu đồng; Năm 2022 phân bổ 32,406 tỷ đồng gồm cả vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương; Năm 2023 được phân bổ tổng kinh phí là 107,307 tỷ đồng (trong đó vốn sự nghiệp theo Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ là 79,833 tỷ đồng và vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023 là 23,27 tỷ đồng).

Triển khai thực hiện Tiểu dự án 2: Hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, năm 2022 kinh phí thực hiện là 4,185 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 1,041 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 2,598 tỷ đồng), trong đó: ngân sách trung ương là 3,639 triệu đồng, ngân sách địa phương đối ứng là 546 triệu đồng. Kết quả, trong năm 2022 đã giải ngân được 2,444 tỷ đồng (vốn sự nghiệp), đạt 58,4%, trong đó ngân sách trung ương là 2,095 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 348 triệu đồng. Riêng vốn đầu tư chưa thực hiện. Tỉnh đã thực hiện nội dung là hỗ trợ 7/9 huyện, thành phố tổ chức Ngày hội việc làm năm 2022 với trên 150 nhà tuyển dụng trong và ngoài tỉnh tham gia tuyển dụng người lao động.

Trong năm 2023, kinh phí thực hiện là 9,533 tỷ đồng (vốn đầu tư là 4,025 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 5,245 tỷ đồng), trong đó ngân sách trung ương là 8,485 tỷ đồng; ngân sách địa phương đối ứng là 1,048 tỷ đồng (trong đó chuyển nguồn năm 2022 sang: ngân sách trung ương là 1,621 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 18 triệu đồng). Kết quả giải ngân 237 triệu đồng, đạt 2,49% kế hoạch. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UBND thành phố Phổ Yên tổ chức Ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối khởi nghiệp năm 2023. Ngày hội đã thu hút 1.100 người lao động, 16 doanh nghiệp tham gia với trên 70 nghìn vị trí tuyển dụng. Tại đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và Bảo hiểm xã hội thành phố Phổ Yên đã triển khai tư vấn nhiều nội dung văn bản pháp lý liên quan đến đào tạo nghề, hướng nghiệp và việc làm; chính sách pháp luật lao động, việc làm và bảo hiểm thất nghiệp; thông tin tuyển sinh; tư vấn định hướng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh; thị trường lao động. Ngoài ra, các đơn vị còn giới thiệu về thị trường việc làm tại các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và các chính sách đối với người lao động. Đồng thời giải đáp các thắc mắc, băn khoăn của học sinh về việc chọn trường, nghề và thị trường lao động.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động năm 2023 tại huyện Đồng Hỷ
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động năm 2023 tại huyện Đồng Hỷ

Ngày hội việc làm nhằm tiếp tục góp phần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, thông tin, tư vấn, hỗ trợ kết nối việc làm, hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp cho đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, người lao động và người dân trên địa bàn thành phố Phổ Yên; tạo điều kiện tăng cường thông tin, kết nối, phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng, cung ứng lao động, dịch vụ việc làm. Đồng thời góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ giải quyết việc làm, giáo dục nghề nghiệp của thành phố Phổ Yên năm 2023.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Nguyên, việc triển khai thực hiện Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã góp phần cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, trong đó có người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Tính đến cuối năm 2022, chỉ tiêu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất 01 thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững, tỉnh Thái Nguyên có 2.649 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ việc làm bền vững. Kết quả này đã góp phần quan trọng để tỉnh hoàn thành mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Theo đó, trong năm 2022, chỉ tiêu giảm 5.364 hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó hộ nghèo là 3.339 hộ, hộ cận nghèo 2.025 hộ. Kết quả tỉnh đã giảm được 5.971 hộ nghèo, vượt so với chỉ tiêu là 2.632 hộ; giảm 3.958 hộ cận nghèo, vượt so với chỉ tiêu 1.933 hộ.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về lao động, việc làm đến người lao động và người sử dụng lao động; tổ chức các phiên tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động, ưu tiên nhóm lao động nghèo, lao động khó khăn.