Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Thái Nguyên: Thúc đẩy giáo dục vùng dân tộc thiểu số

PV - 17:12, 28/08/2021

Việc thực hiện chính sách xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mạng lưới, quy mô trường lớp được củng cố, phát triển đáp ứng được nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Học sinh khó khăn của Trường THPT Trần Phú (Võ Nhai) nhận gạo hỗ trợ hàng tháng. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Học sinh khó khăn của Trường THPT Trần Phú (Võ Nhai) nhận gạo hỗ trợ hàng tháng. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Một trong những nhiệm vụ chính trị và cũng là mục tiêu thực hiện an sinh xã hội đối với lĩnh vực Giáo dục của tỉnh là thực hiện các chính sách thúc đẩy giáo dục phát triển toàn diện, nâng cao dân trí và bảo đảm công bằng.

Ngành Giáo dục đã thực hiện hàng loạt các chính sách có tính chất đặc thù góp phần phát triển giáo dục cả về quy mô và chất lượng. Nổi bật nhất chính là chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi, vùng cao và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Đến nay, mạng lưới trường lớp từ mầm non đến THPT ở vùng DTTS và miền núi toàn tỉnh được củng cố và phát triển. Các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa đều đã có lớp mầm non, tiểu học; 100% xã có trường tiểu học, THCS, trung tâm cụm xã, các huyện đều có trường THPT và nhiều trường mầm non, phổ thông đã đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú, trường PTDT bán trú ngày càng phát huy vai trò tích cực, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ người DTTS cho các địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 6 trường PTDT nội trú cấp THCS và cấp THPT, mỗi năm duy trì đào tạo trên 600 học sinh, đạt tỷ lệ trên 8% học sinh người DTTS được học ở các trường PTDT nội trú, bảo đảm đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX đề ra.

Cùng với hệ thống các trường nội trú, các xã vùng sâu, vùng xa cũng được đầu tư xây dựng hàng chục trường theo mô hình bán trú cho học sinh vùng cao từ cấp tiểu học đến THCS.

Song song với chính sách tổ chức trường học nội trú và bán trú, ngành Giáo dục thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh theo Nghị định số 116/2016/NÐ-CP của Chính phủ. Đây là một trong những chính sách an sinh xã hội đã và đang phát huy tốt hiệu quả, nhất là trong thời gian các địa hương thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19.

Hàng nghìn học sinh vùng khó khăn đã được cấp phát gạo theo định suất hàng tháng theo từng học kỳ, bảo đảm các em yên tâm học tập, duy trì sĩ số, đồng thời chất lượng dạy và học toàn diện cũng được nâng lên.

Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm toàn tỉnh có 5.000 đến gần 6.000 học sinh con em đồng bào các DTTS ở vùng khó khăn được hưởng hỗ trợ từ chính sách này. Đến thời điểm kết thúc năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có trên 5.500 học sinh, thuộc 93 trường, được hỗ trợ gần 700 tấn gạo cấp phát đến tận trường học.

Nhờ đó, tỷ lệ học sinh các cấp đi học ở mỗi năm đều bảo đảm 100% đúng độ tuổi và hầu như không còn tình trạng học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, các em học sinh bán trú, hoặc trọ học đã giảm khó khăn về bữa ăn hàng ngày sau mỗi buổi tan học, phụ huynh yên tâm khi cho con đi học, ăn, ở tại trường.

Phụ huynh học sinh các trường tiểu học, THCS các xã phía Bắc huyện Võ Nhai tập trung nhận gạo hỗ trợ cho con em. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Phụ huynh học sinh các trường tiểu học, THCS các xã phía Bắc huyện Võ Nhai tập trung nhận gạo hỗ trợ cho con em. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Từ các chương trình, dự án của Nhà nước kết hợp với sự đầu tư của các địa phương, đến nay, các địa phương có nhiều đồng bào DTTS sinh sống đã xóa bỏ được phòng học 3 ca, phòng học tạm.

Bên cạnh hệ thống các chính sách, chương trình đầu tư hỗ trợ đối với học sinh DTTS và giáo viên vùng cao, ngành Giáo dục đồng thời thực hiện hệ thống giáo dục thường xuyện và dạy nghề từ tỉnh đến huyện, thành phố và thị xã, với 10 trung tâm và một trung tâm hỗ trợ giáo dục trẻ em thiệt thòi tại tỉnh.

Đây chính là cầu nối để bảo đảm mọi học sinh trong độ tuổi đến trường đều được học tập, phổ cập kiến thức phổ thông, góp phần nâng cao dân trí và thêm nhiều cơ hội học tập nâng cao. Theo báo cáo của ngành Giáo dục, mỗi năm toàn tỉnh có 2.000 - 3.000 học sinh theo học tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và gần 1.000 học sinh khuyết tật học tại trung tâm của tỉnh và học ghép tại các trường.

Mở rộng và tăng cường các chế độ, chính sách hỗ trợ cho phát triển giáo dục, nhất là đối với đối tượng trẻ em, học sinh thuộc hộ nghèo, người DTTS, giáo viên ở vùng DTTS, miền núi, vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn là cần thiết, đồng thời là đòn bẩy để nâng cao dân trí, giảm nghèo bền vững với miền núi.

Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi, ngành Giáo dục, các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương cần tiếp tục rà soát chính sách đối với người dạy, người học và các cơ sở giáo dục vùng DTTS để có thêm những chính sách mới mang tính bền vững, phát huy nội lực tại chỗ.

Hệ thống giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục học sinh khuyết tật cần tiếp tục nâng cao chất lượng, gắn học tập với nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động trong và ngoài nước. Giải quyết triệt để những vấn đề này chính là thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội trong giáo dục và đào tạo./.

Tin cùng chuyên mục