Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Tuyển sinh đại học năm 2021: Đổi mới nâng cao chất lượng đầu vào sinh viên cử tuyển

Hồng Phúc - 16:59, 31/03/2021

Chỉ còn vài tháng nữa là bước vào mùa tuyển sinh đại học năm 2021. Thời điểm này, nhiều trường đại học đã tiến hành công bố đề án, phương án tuyển sinh; các em học sinh cũng đang cân nhắc xem xét các phương án xét tuyển của từng trường. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) về những điểm mới trong thi tuyển, xét tuyển đối với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) năm nay.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trả lời phỏng vấn về những điểm mới trong thi tuyển, xét tuyển đối với đối tượng học sinh DTTS năm nay.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trả lời phỏng vấn về những điểm mới trong thi tuyển, xét tuyển đối với đối tượng học sinh DTTS năm nay.


So với nghị định cũ, Nghị định 141/2020/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên DTTS được thực thi, tiêu chuẩn tuyển sinh cử tuyển năm nay có gì khác biệt, thưa bà?

Nghị định 141/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 23/01/2021, thay thế Nghị định số 134/2006/NĐ-CP và Nghị định số 49/2015/NĐ-CP. Nghị định nêu rõ, đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển gồm người DTTS rất ít người; người DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS. Người dân tộc Kinh, sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn không còn là đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển.

Theo đó, người được cử tuyển phải thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi (hoặc có một trong hai bên là cha đẻ hoặc mẹ đẻ, cha nuôi hoặc mẹ nuôi), người trực tiếp nuôi dưỡng sống tại vùng này; đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển đối với các ngành, nghề có yêu cầu sơ tuyển; không quá 22 tuổi tính đến năm tuyển sinh (tại Điều 6 Nghị định 134/2006/NĐ-CP, độ tuổi tiêu chuẩn để tuyển sinh là 25 tuổi), có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, ở từng bậc học đều có các tiêu chuẩn riêng cụ thể. Bậc đại học yêu cầu tốt nghiệp THPT; xếp loại hạnh kiểm loại tốt các năm bậc THPT; xếp loại học lực năm cuối cấp đạt loại khá trở lên. Học sinh này phải có thời gian học đủ 3 năm và tốt nghiệp THPT tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo quy định hoặc tại trường phổ thông dân tộc nội trú.

Bà đánh giá thế nào về quy định mới với yêu cầu đầu vào cao hơn hẳn về học lực, hạnh kiểm? Liệu quy định này có giúp nâng cao chất lượng sinh viên là người DTTS?

Theo tổng hợp năm 2019 có 53 thí sinh cử tuyển và 346 thí sinh vào dự bị đại học. Năm 2020, cả nước không có thí sinh cử tuyển nào và chỉ có 3 thí sinh dự bị đại học. Ngoài ra, số thí sinh trúng tuyển xét theo địa chỉ sử dụng năm 2020 là 250 (năm 2019 là 753 em), chiếm 0,046% tổng số thí sinh dự thi trên cả nước.

Các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong công tác tuyển sinh. Đối với diện thí sinh cử tuyển, các trường cũng có thể đưa ra các điều kiện nhất định để tuyển sinh, để đảm bảo sao cho chất lượng đầu vào của thí sinh đủ để có thể theo học được chương trình, mà vẫn đảm bảo các chế độ chính sách. Theo phản hồi từ các cơ sở đào tạo, số thí sinh thuộc diện cử tuyển theo học trong các năm trước đây có trình độ hạn chế. Đây là rào cản rất lớn đối với việc sinh viên có thể tiếp thu kiến thức bậc đại học; nhiều sinh viên không đáp ứng được yêu cầu, phải chuyển ngành học, hoặc không hoàn thành được chương trình đào tạo, dẫn đến lãng phí chi phí chung cho các cơ sở đào tạo, cho xã hội, và thời gian công sức của người học...

Khi Nghị định 141/2020/NĐ-CP được thực thi, phạm vi đối tượng áp dụng chính sách này đã bị thu hẹp nhiều hơn so với trước đây. Trong đó, yêu đầu cầu vào cao hơn về học lực, hạnh kiểm sẽ giúp nâng cao chất lượng đầu vào (tăng khả năng hoàn thành chương trình đào tạo của người học), tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đối với sinh viên diện cử tuyển.


Quy định mới trong tuyển sinh đại học hệ cử tuyển yêu cầu cao về chất lượng (Trong ảnh: Các em học sinh DTTS ghi sổ vàng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong khuôn khổ Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2020.)
Quy định mới trong tuyển sinh đại học hệ cử tuyển yêu cầu cao về chất lượng (Trong ảnh: Các em học sinh DTTS ghi sổ vàng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong khuôn khổ Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2020.)

Năm 2021, ngành giáo dục đẩy mạnh việc tự chủ đại học, nhiều trường sẽ tăng học phí, điều này trở thành mối lo của học sinh DTTS, học sinh nghèo,… đặc biệt khi người dân vẫn phải chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid -19, bà nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

Các cơ sở giáo dục đại học hiện đang đẩy mạnh tự chủ đại học, trong đó các trường cũng sẽ ít nhiều tăng học phí để đáp ứng chi phí đào tạo, tạo điều kiện tăng cường đầu tư cho đội ngũ, cơ sở vật chất… để nâng cao chất lượng đào tạo.

Việc tăng học phí sẽ có ảnh hưởng nhất định đến đến cơ hội học tập của học sinh DTTS, học sinh nghèo. Tuy vậy, để thu hút thí sinh có năng lực và phẩm chất, và thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách trong bối cảnh tự chủ đại học, tất cả các trường vẫn duy trì và đẩy mạnh việc hỗ trợ học bổng, chỗ ở, và tạo các điều kiện thuận lợi khác cho học sinh, sinh viên nghèo, nhất là sinh viên học giỏi.

Các quy định về tự chủ đại học vẫn yêu cầu các trường phải dành quỹ học bổng hỗ trợ cho sinh viên thuộc diện chính sách, miễn giảm học phí cho sinh viên thuộc diện chính sách, thuộc hộ nghèo… để tạo điều kiện tối đa cho các em có thể theo học các chương trình ở bậc đại học.

Trân trọng cảm ơn bà!