Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thái Nguyên: Tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm nghèo bền vững

Vĩnh Sơn - 15:45, 16/11/2023

Những năm gần đây, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm, chăm lo đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung để giúp bà con giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện, từng bước nâng cao, thoát nghèo bền vững.

Thành viên HTX bò Mông số 11, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ chăm sóc bò 3B thương phẩm để nâng cao thu nhập
Thành viên HTX bò Mông số 11, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ chăm sóc bò 3B thương phẩm để nâng cao thu nhập

Những mô hình giảm nghèo hiệu quả

Theo bà Khuông Thị Kim Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Lương (Thái Nguyên), đồng bào DTTS huyện Phú Lương sống không tập trung, nơi đây chủ yếu là người dân tộc Tày, Sán Chay và dân tộc Dao. Trước đây, chị em có tư tưởng lạc hậu, chỉ trông vào nông nghiệp truyền thống, không biết làm gì khác để kiếm ra tiền ngoài mấy thửa ruộng, đồi chè, hoa màu. Nếp nghĩ đơn giản ấy đã ăn sâu vào từng con người, từng gia đình nên muốn thay đổi thì phải thay đổi từ nhận thức.

Chính vì vậy, năm 2017, Hội LHPN huyện Phú Lương đã tìm hiểu và áp dụng mô hình kinh tế theo chuỗi. Từ khâu sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ sản phẩm đều có các tổ liên kết/tổ hợp tác/hợp tác xã. "Chúng tôi đã thành lập được 17 tổ liên kết, 5 HTX và hỗ trợ 4 cửa hàng nông sản an toàn để tiêu thụ sản phẩm. Nhưng quá trình cũng kéo dài đến năm 2019 mới tạm được coi là thành công", bà Nhung cho biết.

Nhờ một số mô hình hoạt động tốt, nhiều chị em đã cập nhật thông tin, các hộ động viên nhau tham gia, ban đầu mỗi tổ chỉ có 3-5 hộ sau tăng 15-25 hộ/tổ. Nông sản của gia đình bán được, chị em có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, đó là kết quả rõ nét nhất để kích thích, động viên chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

"Lúc đầu nhiều chị em lo sợ không dám làm, sợ lỗ, sợ không có vốn đầu tư. Chúng tôi đã phải tìm kiểu kỹ thị trường để định hướng cho chị em. Ví dụ hướng cho người dân trồng rau bồ khai đỏ, chuối đồi, lạc đỏ, đỗ đen xanh lòng, cây dược liệu (cà gai leo, cây xạ đen…). Trồng và chăm sóc bón phân hữu cơ (lá cây ủ với phân chuồng) đảm bảo an toàn sẽ có giá thành cao, thơm ngon, chất lượng. Còn một số vùng thì định hướng cho chị em sản xuất lúa nếp vải, làm cốm, làm bánh, làm sản phẩm chè, chăn nuôi gà, vịt lấy trứng,…" - Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Lương thông tin thêm. 

Còn tại xã Linh Thông, huyện Định Hóa (Thái Nguyên), là xã có tới 90% là người DTTS. Xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 31,19%, hộ cận nghèo là 29,17%, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2021, Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã triển khai hỗ trợ cho 25 hộ dân với tổng số 3.000 con gà mái giống ri lai Hòa Bình, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 120 con gà mái sinh sản.

Đối tượng được hỗ trợ là các hộ có trẻ em dưới 5 tuổi; hộ có bà mẹ mang thai; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thiếu lương thực thực phẩm nhưng có điều kiện sản xuất thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực III. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 455 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 350 triệu đồng, nhân dân đối ứng 105 triệu đồng.

Cây chè - một trong những loại cây "đặc sản" giúp giảm nghèo bền vững ở Thái Nguyên.
Cây chè - một trong những loại cây "đặc sản" giúp giảm nghèo bền vững ở Thái Nguyên.

Để dự án triển khai có hiệu quả, đúng đối tượng, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Định Hóa, UBND xã Linh Thông tiến hành khảo sát lựa chọn hộ; tổ chức tập huấn kỹ thuật. Trên cơ sở đó, Chi cục tổ chức cung ứng giống gà, thức ăn hỗn hợp, hỗ trợ sát khuẩn chuồng trại, tiêm phòng vắc xin theo đúng định mức kỹ thuật. 

Bên cạnh đó, cán bộ thú y thường xuyên theo dõi và hướng dẫn các hộ tham gia mô hình chăm sóc đúng quy trình tiêu chuẩn. Do vậy, đàn gà trong mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 96%. Qua đánh giá cho thấy, 25 hộ được hưởng lợi từ dự án rất phấn khởi vì ngoài lúa, chè còn có thêm nguồn thu nhập từ chăn nuôi gà để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Động lực giảm nghèo phải xuất phát từ người dân

Để công tác giảm nghèo bền vững có kết quả cao, không chỉ là nhờ vào sự nỗ lực của các ban ngành, chính quyền, đoàn thể, mà giảm nghèo, trước hết phải xuất phát từ người dân. Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, dự báo trong những năm tới, hộ nghèo đồng bào DTTS vẫn chiếm tỷ trọng cao so với tổng số hộ nghèo chung của tỉnh. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các “lõi nghèo" là vùng nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như: huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Võ Nhai… Nguy cơ tái nghèo, nghèo mới còn cao.

Vì vậy, để hoàn thành các mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo, thì công tác tuyên truyền để tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức cho cán bộ, đảng viên, hội viên và Nhân dân là giải pháp hàng đầu. Trọng tâm, tuyên truyền, vận động người nghèo, hộ nghèo, người chưa có việc làm hoặc thiếu việc làm phát huy khả năng của bản thân, khơi dậy ý chí thoát nghèo, chủ động phấn đấu vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Nhờ chính sách vay vốn mà nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo
Nhờ chính sách vay vốn mà nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo

Việc phát huy vai trò của người có uy tín, cốt cán ở cơ sở, già làng, trưởng bản nhằm thay đổi phương thức sản xuất, tập quán sinh hoạt để tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cũng được chú trọng. 

Ngoài các cơ chế, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định của Chính phủ, xuất phát từ tình hình thực tiễn địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống” tại 4 huyện: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương. Nhờ vậy, thời gian qua, gần 7.000 lượt hộ đồng bào dân tộc Mông đã được hỗ trợ giống, phân bón trồng ngô lai trên tổng diện tích hơn 3.100 ha với kinh phí ngân sách hỗ trợ gần 15 tỷ đồng.

bên cạnh đó, tỉnh đã trích ngân sách đầu tư hỗ trợ xây dựng 15 tuyến đường vào các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống với tổng chiều dài 42,7 km, kinh phí 64,5 tỷ đồng; triển khai xây dựng 15 công trình lớp học, 3 công trình nhà văn hóa, 11 công trình điện lưới quốc gia, 2 công trình nước sinh hoạt tập trung bằng nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách, trong đó kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ là 15,62 tỷ đồng. 

“Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả nguồn vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh. 

Báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên cho thấy, thời gian qua tỉnh đã triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh được nâng cao, số hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh (từ 36.798 hộ cuối năm 2021 xuống còn 26.869 hộ cuối năm 2022), trong đó hộ nghèo giảm 5.971 hộ; cận nghèo giảm 12.245 hộ.