Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách và đời sống

Thanh Hóa: Đẩy lùi khó khăn trên những bản đồng bào Mông

Quỳnh Trâm - 08:43, 05/11/2021

Trong số 10 xã có đồng bào Mông sinh sống tại các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn (Thanh Hóa) thì có đến 7 xã, 14 bản giáp biên, số còn lại ở vùng sâu, vùng xa và thuộc diện đặc biệt khó khăn. Vì vậy đời sống của đồng bào dân tộc Mông ở 3 địa phương nêu trên còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60%, hộ cận nghèo gần 14%.

Đường giao thông ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi, Mường Lát là một trong những dự án được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư vào vùng đồng bào Mông
Đường giao thông ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi, Mường Lát là một trong những dự án được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư vào vùng đồng bào Mông

Những chính sách hiệu quả

Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các bản người Mông sinh sống.

Điển hình là các đề án: “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Mông huyện Mường Lát”; Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội các bản dân tộc Mông huyện Quan Sơn”, với tổng kinh phí trên 331,8 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho việc đi lại, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của đồng bào.

Ngoài ra, trong các chương trình mục tiêu quốc gia khác, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng 42 công trình giao thông, thủy lợi, điện năng, nước sạch, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế; hỗ trợ 8 mô hình phát triển sản xuất... với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng ở 3 huyện có đồng bào Mông sinh sống.

Tại Mường Lát, toàn huyện có 39 bản Mông thuộc 6 xã: Quang Chiểu, Tam Chung, Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý và Mường Lý, với hơn 3.200 hộ.

Ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát cho biết: 39/39 bản đồng bào Mông đều thuộc bản đặc biệt khó khăn. Từ các chính sách, Chương trình 134, Chương trình 30a, Chương trình 167 của Chính phủ và các đề án đặc thù…, các địa phương đã triển khai thực hiện hỗ trợ đồng bào DTTS nói chung và đặc biệt là đồng bào Mông. Đến nay, kinh tế - xã hội các bản đồng bào Mông đã có bước phát triển, kết cấu hạ tầng được đầu tư, đời sống được cải thiện, một bộ phận đồng bào Mông xóa được nhà tạm, nhà dột nát, có đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt, từng bước cải thiện, ổn định cuộc sống.

Huyện Quan Sơn đã xây dựng hoàn thành 100 ngôi nhà ở giúp bà con các bản Mông yên tâm sinh hoạt, lao động sản xuất
Huyện Quan Sơn đã xây dựng hoàn thành 100 ngôi nhà ở giúp bà con các bản Mông yên tâm sinh hoạt, lao động sản xuất

Từng bước đẩy lùi khó khăn

Hiện nay, dù vẫn còn nhiều khó khăn, song phần lớn các xã, bản người Mông ở Thanh Hóa đã có đường giao thông được kiên cố hóa, có điện lưới, trẻ em được đến trường đầy đủ. Như tại huyện miền núi cao Quan Sơn, đồng bào Mông sinh sống ở 3 bản Mùa Xuân, Xía Nọi (Sơn Thủy) và Ché Lầu (Na Mèo), với hơn 213 hộ, hơn 1.000 khẩu. Những năm qua, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư, xây dựng.

Giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong vùng dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa đạt trên 5,1% (khu vực miền núi là 8,8%). Tốc độ giảm nghèo bình quân giai đoạn 2016 - 2020 giảm được 4,02%. Tổng diện tích trồng lúa trong vùng đồng bào Mông trên 789ha, trong đó Mường Lát 675,6ha, Quan Hóa 141,19ha, Quan Sơn 107,4ha. Thu nhập bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng/năm.

Hiện nay 3 bản đã có nhà văn hóa, 3/3 bản được phủ sóng điện thoại di động; 1/3 bản đã có điện lưới quốc gia; hỗ trợ xóa nhà tranh tre, tạm bợ, dột nát theo Chương trình 167, 134 cho 12 hộ. Tổng nguồn vốn đầu tư cho vùng đồng bào Mông trên 25 tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư nhà văn hóa, trường mầm non, tiểu học, đường giao thông nối các bản đồng bào Mông, đường giao thông trục chính từ bản Son lên bản Ché Lầu, xã Na Mèo… nhờ đó, đời sống kinh tế của người dân ở 3 bản trên dần được nâng lên.

Ông Lê Đình Xuân, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quan Sơn thông tin thêm, UBND huyện phối hợp với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã hỗ trợ xây dựng 372 ngôi nhà cho các hộ khó khăn, ưu tiên cho các bản người Mông, mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng (giai đoạn 2021 - 2023). Đến nay, đã hoàn thành xây dựng 100 nhà ở giúp bà con yên tâm sinh hoạt, lao động sản xuất.

Nhìn những bản làng đổi mới với các con đường rải nhựa thênh thang, lưới điện quốc gia được thắp sáng, niềm vui qua ánh mắt các em thơ trong lớp học…, mới thấy được thành quả đáng mừng từ những chính sách của Đảng và Nhà nước đang hỗ trợ vùng khó khăn nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch về cuộc sống với miền xuôi.

Tin cùng chuyên mục
“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp là một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, phát triển rừng. Tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI ngày 22/8/2024 đã thông qua Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND (NQ14) về mức cấp kinh phí, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó, ban hành mức cấp kinh phí khoán bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh đối với các loại rừng với mức hỗ trợ đều tăng so với trước đây.