Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thấy gì từ đề án hỗ trợ phát triển dân tộc Lô Lô ở Cao Bằng

Thiên Đức - 16:59, 22/09/2021

Thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 (Đề án 2086), tỉnh Cao Bằng được Trung ương hỗ trợ 37,047 tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Lô Lô trên địa bàn. Nhằm phát huy hiệu quả cao nhất nguồn lực của Trung ương, Cao Bằng đã vận dụng một cách linh hoạt, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tạo ra bước phát triển vượt bậc trong đời sống kinh tế xã hội của đồng bào Lô Lô.

Bảo tồn văn hóa dân tộc Lô Lô thông qua ngày hội văn hóa. (Ảnh minh họa, chụp trước ngày 27/4/2021)
Bảo tồn văn hóa dân tộc Lô Lô thông qua ngày hội văn hóa. (Ảnh minh họa, chụp trước ngày 27/4/2021)

Tập trung phát huy "thế mạnh" của vùng yếu

Trên địa bàn Cao Bằng có 536 hộ, với 2.773 nhân khẩu đồng bào dân tộc Lô Lô sinh sống; cư trú chủ yếu tại 11 xóm, thuộc 4 xã đặc biệt khó khăn của 2 huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc. Nơi đây vốn được mệnh danh là vùng khó của địa bàn khó, do đó, việc phát triển dân tộc Lô Lô luôn là bài toán nan giải, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, lực lượng và ngay chính đồng bào Lô Lô.

Ông Hoàng Văn Đàm, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Bảo Lâm cho biết, trên địa bàn Bảo Lâm đồng bào Lô Lô sinh sống chủ yếu ở xã Đức Hạnh, với 230 hộ/1.261 nhân khẩu. Thực hiện Đề án 2086, từ năm 2016, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với chính quyền địa phương cùng người dân khảo sát, tính kế phát triển bền vững cho bà con. Theo đó, chính quyền cùng người dân thống nhất chủ trương, tìm ra lợi thế trong vùng để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy cao nhất giá trị đồng vốn.

Theo đó, đoàn khảo sát xác định, đồng bào Lô Lô trên địa bàn xã Đức Hạnh, sinh sống ở lưng chừng triền núi, đồi với độ dốc lớn, xa trung tâm huyện. Nơi người dân sinh sống có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi, sông, suối, độ cao trung bình khoảng 800 - 900m so với mực nước biển, đất đai không đồng nhất, núi đá chiếm 3/4 diện tích. Khí hậu nhiệt đới gió mùa với biên độ cao, nhiệt độ cao nhất là 38oC và thấp nhấp là 2oC. Khu vực này lại hay có hiện tượng mưa đá, gió lốc... 

Đây là những điều kiện tự nhiên hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với điều kiện địa hình, khí hậu này, lại rất phù hợp với một số loại cây địa phương như quế, hồi, sở, sa mộc. Do đó, chính quyền cùng người dân thống nhất, tập trung phát triển sản xuất các cây trồng địa phương này.

Từ năm 2016 đến nay, chính quyền đã hỗ trợ người dân Lô Lô xã Đức Hạnh giống các loại cây trồng đặc sản. Cùng với đó, cơ quan chuyên môn thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật cho người dân. Ngoài ra, chính quyền còn đầu tư gần 10km đường giao thông tại các xóm của người dân tộc Lô Lô sinh sống. Qua đó, giúp cho hàng hóa nông sản được khơi thông.

Là người được hưởng lợi từ dự án, anh Hoàng Văn Hải, xóm Cà Đổng, vui mừng chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, năm 2016, anh đã mạnh dạn phát triển trồng cây sa mộc, cây hồi trên diện tích đất canh tác của gia đình. Một số cây hồi đến nay đã có thu hoạch. Giá hoa hồi khô hiện 30 - 40 nghìn đồng/kg. Do đó, thu nhập của gia đình đã đạt khoảng 50 triệu đồng/năm, tiền đề này đã giúp gia đình anh vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cần cơ chế linh hoạt

Thông tin kết quả thực hiện Đề án 2086 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, đồng bào dân tộc Lô Lô trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đang sinh sống ở những vùng sâu vùng xa nhất, vùng đặc biệt khó khăn. Do đó, việc Chính phủ phê duyệt một đề án riêng nhằm phát triển dân tộc Lô Lô là hết sức phù hợp, cần thiết, đảm bảo sự công bằng trong các dân tộc.

Cần phát triển bền vững sinh kế của người Lô Lô. (Ảnh minh họa, chụp trước ngày 27/4/2021)
Địa bàn sinh sống của người Lô Lô rất khó khăn. (Ảnh minh họa, chụp trước ngày 27/4/2021)

Cụ thể , thực hiện Quyết định 2086, vùng dân tộc Lô Lô của Cao Bằng đã bố trí được trên 40 tỷ đồng (trong đó, nguồn ngân sách Trung ương trên 37 tỷ, nguồn địa phương và nguồn khác là khoảng 3 tỷ đồng). Với nguồn vốn này, tỉnh tập trung vào hỗ trợ phát triển sản xuất với các thế mạnh đặc trưng của vùng đồng bào Lô Lô. Đó là phát triển cây quế, hồi, sở, sa mộc. Theo đó từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ được 1.079.316 cây giống các loại cho người dân. Ngoài ra, tỉnh tích cực phát triển giao thông với 5 công trình giao thông nông thôn, nhằm khơi thông nguồn nông sản.

Ông Nguyễn Trung Thảo đánh giá, qua quá trình triển khai, Đề án 2086 đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đồng bào Lô Lô. Các nội dung hỗ trợ phù hợp với thực tiễn, được đồng bào tích cực hưởng ứng. Tuy nhiên, hiện nay, vùng dân tộc Lô Lô trên địa bàn vẫn còn những khó khăn đặc thù. Đó là nhiều hộ gia đình còn thiếu đất sản xuất; đường giao thông nông thôn khó khăn; đầu ra, bao tiêu sản phẩm chưa ổn định. Hơn nữa, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên việc tổ chức triển khai dự án cũng bị ảnh hưởng về mặt thời gian, chất lượng.

Trước những khó khăn này, tỉnh Cao Bằng đề nghị, thời gian tới, Trung ương nghiên cứu và ban hành cơ chế thông thoáng hơn nữa, cho phép địa phương được linh hoạt vận dụng triển khai các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc Lô Lô theo hướng đơn giản hóa, chủ động cao hơn.

Qua việc triển khai Đề án 2086 của tỉnh Cao Bằng, có thể thấy rằng, để Đề án phát huy hiệu quả, Trung ương chỉ có thể hỗ trợ về mặt kinh phí còn về các phương thức chương trình cụ thể phải xuất phát từ chính cơ sở, nhất là từ nguyện vọng chính đáng của người dân dựa trên thế mạnh sẵn có, riêng có của từng địa phương. Có như vậy, Đề án mới thực sự đi sâu, đi sát vào đời sống của đồng bào, từ đó có sự phát triển bền vững. Đây cũng chính là bài học quý giá cho các địa phương đang thực hiện chính sách phát triển các dân tộc rất ít người trên phạm vi toàn quốc tham khảo, áp dụng.

Tin cùng chuyên mục
Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) chính thức thoát khỏi huyện nghèo năm 2024

Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) chính thức thoát khỏi huyện nghèo năm 2024

Ngay sau thành công của Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ thứ IV, năm 2024, đồng bào các dân tộc của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, huyện miền núi A Lưới nói riêng đón thêm một tin vui khi đón nhận Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo năm 2024.