Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thanh Hóa: Đẩy lùi tảo hôn, xóa tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS

Quỳnh Trâm - 14:51, 21/09/2023

Với những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị bằng nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đến nay, các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa cơ bản đã xóa tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Tình trạng tảo hôn giảm dần qua từng năm.

Bé gái người dân tộc Mông ở Mường Lát sớm thành vợ, thành mẹ vì hủ tục tảo hôn
Bé gái người dân tộc Mông ở Mường Lát sớm làm vợ, làm mẹ vì hủ tục tảo hôn

Trước đây, khi đến các xã miền núi của huyện Mường Lát, không khó để bắt gặp hình ảnh những cô bé đang ở độ tuổi 14, 15 đã phải làm vợ, làm mẹ vì tảo hôn. Điển hình như ở xã Trung Lý, năm 2019 trở về trước, hằng năm có khoảng 18 - 20 cặp tảo hôn. Tình trạng tảo hôn thường xảy ra nhiều nhất vào dịp Tết Nguyên đán, dịp nghỉ hè. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo ở các bản, ở xã còn cao.

Ông Giàng A Lâu, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lý, chia sẻ, những năm gần đây, tình trạng tảo hôn có chiều hướng giảm; xã cũng đã cơ bản xóa tình hôn nhân cận huyết thống. Kết quả này là có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng.  Tuy nhiên, để chấm dứt nạn tảo hôn thì không phải “một sớm một chiều”, mà công tác tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục.

Ông A Lâu cho biết: Toàn xã có 15 bản, trong đó có 11 bản đồng bào Mông và 4 bản đồng bào Thái sinh sống. Hiện nay, tại các bản cũng đã đưa vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) vào hương ước, quy ước của bản. Xã đã phối hợp với phòng dân tộc, phòng tư pháp, lực lượng công an, biên phòng tổ chức các buổi tuyên truyền tại các bản, trong trường học, nhất là Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý để nâng cao nhận thức của người dân, các em học sinh.

Để giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT, các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền như thông qua các hội nghị, tập huấn, nói chuyện truyền thông, hội thi (sân khấu hóa), giao lưu văn hóa - văn nghệ, tuyên truyền qua pano, áp phích, tờ rơi, sổ tay tuyên truyền về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

Cùng với đó, các địa phương đã tranh thủ sự ảnh hưởng của Người có uy tín để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong Nhân dân; cùng với chính quyền địa phương xây dựng các mô hình điểm tại Trường học về tuyên truyền giảm thiểu TH&HNCHT; tổ chức nói chuyện truyền thông cho học sinh tại các trường THPT, trường dân tộc nội trú; tổ chức sinh hoạt định kỳ các câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân, hạn chế tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS.

Ông Cầm Bá Tường, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại huyện Bá Thước
Ông Cầm Bá Tường, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại huyện Bá Thước

Đặc biệt giai đoạn 2021-2023, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 7 hội nghị tập huấn về kiến thức và kỹ năng tuyên truyền phòng chống TH&HNCHT cho gần 1.000 đại biểu là đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyền viên cấp xã, cấp huyện khu vực miền núi, biên giới.

 Đồng thời thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài... Biên soạn, phát hành, cấp phát 9.015 cuốn sổ tay, 14.340 tờ áp phích đến 174 xã, 21 thôn/bản vùng DTTS và miền núi của tỉnh.

Thông qua các hoạt động đó, tỷ lệ tảo hôn trên toàn vùng miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã giảm đáng kể. Các huyện đã không còn tình trạng tảo hôn như: Bá Thước, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Như Thanh. Các huyện có tỷ lệ tảo hôn thấp gồm: Quan Sơn, Quan Hóa, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Như Xuân và hầu như không còn HNCHT. Trong hơn 2 năm qua, chỉ có 01 cặp HNCHT ở huyện Mường Lát, chiếm tỷ lệ 0,007%.

Giai đoạn 2021-2023, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 7 hội nghị tập huấn về kiến thức và kỹ năng tuyên truyền phòng chống TH&HNCHT cho gần 1.000 đại biểu là các tuyên truyền viên cấp xã và cấp huyện
Giai đoạn 2021-2023, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 7 hội nghị tập huấn về kiến thức và kỹ năng tuyên truyền phòng chống TH&HNCHT cho gần 1.000 đại biểu là các tuyên truyền viên cấp xã và cấp huyện

Để giảm đến mức thấp nhất, dần xóa bỏ hoàn toàn tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS, tỉnh Thanh Hóa xác định, trong giai đoạn 2021 - 2025, tranh thủ nguồn phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Ban Dân tộc Thanh Hóa tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các huyện đẩy mạnh, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền; tập trung xây dựng các mô hình điểm về phòng chống TH&HNCHT để nhân rộng ra địa bàn toàn huyện.