Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thanh Hóa: Điều tra viên huyện vùng cao biên giới "băng rừng vượt núi" hoàn thành điều tra thu thập thông tin 53 DTTS

Quỳnh Trâm - 15:48, 07/09/2024

Mường Lát là huyện miền núi biên giới khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, với đặc thù địa hình đồi núi chia cắt và giao thông đi lại khó khăn. Để thực hiện thành công cuộc điều tra thu thập thông tin kinh tế-xã hội 53 DTTS, diễn ra từ 1/7 đến 15/8, rất nhiều Điều tra viên đã không quản ngày đêm "băng rừng, vượt núi" để hoàn thành việc thu thập dữ liệu, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng thông tin thu thập.

Cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (cuộc điều tra 53 DTTS) tại tỉnh Thanh Hóa diễn ra từ ngày 1/7 đến ngày 15/8, có nhiều ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt, việc thu thập thông tin chính xác, đầy đủ là cơ sở để xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng DTTS giai đoạn 2026 – 2030. 

Do đó, với sự chuẩn bị chu đáo về kế hoạch; sự phối hợp chặt chẽ của ngành Thống kê và ngành Công tác dân tộc, Chi cục Thống kê các huyện trên địa bàn toàn tỉnh đã phối hợp với chính quyền cơ sở, ban, phòng, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể ở các địa phương đồng loạt ra quân. Theo đó, toàn tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành cuộc điều tra 53 DTTS  đảm bảo tiến độ, chất lượng thu thập thông tin.

Cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số sẽ góp phần xây dựng, hoạch định các các chính sách phát triển cho đồng bào DTTS, góp phần giảm nghèo, thay đổi diện mạo vùng DTTS miền núi
Cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS sẽ góp phần xây dựng, hoạch định các các chính sách phát triển cho đồng bào DTTS, góp phần giảm nghèo, thay đổi diện mạo vùng DTTS miền núi

Ghi nhận tại huyện biên giới Mường Lát, là địa bàn xa xôi nhất, với đặc thù địa hình đồi núi, giao thông khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, có đông các DTTS sinh sống, các Điều tra viên đã gặp không ít khó khăn trong công tác điều tra, thu thập thông tin.

Ông Phạm Bá Toàn, Chi cục trường Chi cục Thống kê huyện Mường Lát cho biết: Được sự hướng dẫn sát sao của Cục Thống kê tỉnh, sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của UBND huyện Mường Lát trong công tác tuyên truyền, Chi cục Thống kê phối hợp với Phòng Dân tộc huyện Mường Lát đã thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình: trước, trong và sau cuộc điều tra để chất lượng cuộc điều tra đạt hiệu quả cao.

"Bất chấp địa hình đồi núi, giao thông khó khăn, các Điều tra viên đã rất hăng hái tích cực, khắc phục những khó khăn còn tồn tại, đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch tiến độ thu thập thông tin đã đề ra. Với tinh thần này, nên ngay ngày đầu tiên ra quân trên cả nước, Điều tra viên cũng đã thực hiện điều tra được 26 hộ trên các địa bàn điều tra”, ông Toàn nói.

Các điều tra viên ở Mường Lát đã vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt cuộc tổng điều tra kinh tế, xã hội DTTS
Các Điều tra viên ở Mường Lát đã vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt cuộc tổng điều tra kinh tế, xã hội DTTS

Là một trong những người được chọn là Điều tra viên của xã Trung Lý, huyện Mường Lát tham gia cuộc điều tra 53 DTTS lần này, chị Lương Thị Tươi (32 tuổi), cán bộ của Hội Nông dân xã Trung Lý cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của cuộc điều tra này, nên tôi rất tự hào vì được chính quyền tin tưởng lựa chọn là Điều tra viên. Đồng thời, chị được cấp trên cử đi tập huấn để nắm vững kiến thức và kỹ năng sao cho cuộc thu thập thông tin chính xác nhất.

Địa bàn chị Tươi điều tra, thu thập thông tin là bản Pá Quăn, bản khó khăn nhất của xã Trung Lý, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái. Quá trình điều tra thu nhập thông tin, cũng như nhiều Điều tra viên khác, chị cũng gặp một số khó khăn, nhất là về giao thông, thông tin liên lạc cách trở, nhiều hộ dân ở cheo leo trên những quả đồi, sườn núi, không có điện thoại liên lạc nên không hẹn được trước, khi đến nhiều hộ đi vắng, phải đi lại nhiều lần.

"Tuy nhiên, nhưng tôi đã rất nỗ lực để hoàn thành việc thu thập thông tin một cách chính xác nhất, đầy đủ nhất. Hi vọng rằng từ những thông tin chúng tôi thu thập được, sẽ góp phần xây dựng, hoạch định các chính sách phát triển cho đồng bào DTTS, góp phần giảm nghèo, thay đổi diện mạo vùng DTTS miền núi”, chị Tươi bộc bạch.

Chị Tươi chia sẻ, khoảng cách từ nơi chị sống là bản Táo, xã Trung Lý đến bản Pá Quăn ước chừng 12km. Ngoài công việc ở xã, chị thường tranh thủ đi điều tra vào buổi trưa hoặc chiều tối. 

“Do bà con thường đi làm nương rẫy vào ban ngày, họ chỉ thường trở về nhà vào buổi tối, tôi phải tranh thủ đến thì mới gặp được. Có những hộ do nhận thức chưa đầy đủ, họ sợ chúng tôi điều tra xong sẽ cắt các chế độ ưu tiên cho người nghèo nên không muốn khai thật, giấu thông tin. Những khi đó, chúng tôi phải phối hợp với các trưởng bản, Người có uy tín đến gặp để tuyên truyền, vận động cho họ hiểu và phối hợp cung cấp thông tin”, chị Tươi kể.

Kết quả, chỉ trong thời gian hơn 10 ngày, chị đã hoàn tất phiếu điều tra thu thập thông tin của 30 hộ đồng bào Thái. 

Tương tự, anh Giàng A Trư, cán bộ khuyến nông xã Trung Lý, cho biết, anh được cấp trên phân công điều tra thu thập thông tin tại địa bàn 2 bản Cánh Cộng và Cá Giáng, nơi đồng bào Mông sinh sống, điều kiện kinh tế- xã hội vô cùng khó khăn. Bản thân anh là người Mông, hiểu được phong tục tập quán của đồng bào nên khi tham gia công việc anh có nhiều thuận lợi so với một số Điều tra viên khác.

Anh kể, đường giao thông đến Cánh Cộng và Cá Giáng xa xôi và hiểm trở. Mỗi ngày, anh Trư phải di chuyển bằng xe máy từ bản Khằm qua xã Mường Lý, rồi mới đi đò vượt sông Mã để vào 2 bản, tổng cộng phải mất chừng 38km. “Đường đi có lúc là đường nhựa, nhưng cũng có những đoạn đường đất, trời mưa xuống rất lầy lội khó khăn. Mặc dù công việc vất vả, nhưng tôi vẫn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, anh Trư chia sẻ.

Ông Lý Anh Quân, Giám sát viên Chi cục Thống kê huyện Mường Lát cho biết, quá trình tiến hành cuộc tổng điều tra, các Điều tra viên của huyện đã rất nỗ lực vượt qua những khó khăn đặc thù để hoàn thành công việc. Họ làm với tinh thần trách nhiệm cao, không ngại khó, ngại khổ.

Theo ông Quân, do địa bàn rộng, dân cư còn thưa thớt nên các hộ cách xa nhau, khó khăn về giao thông đi lại. Bên cạnh đó, sóng điện thoại chưa được phủ khắp, đôi lúc đến địa bàn có sóng nhưng không có 3G, hộ đi làm xa nhà nên phải quay lại hộ 2 đến 3 lần mới thu thập được số liệu. 

Một số hộ thì không nói được tiếng phổ thông, khó khăn trong quá trình giao tiếp giữa Điều tra viên, Giám sát viên nên cần phải có Trưởng bản hoặc người am hiểu tiếng và địa hình đi cùng để phiên dịch và dẫn đường; Trình độ người dân còn thấp nên nhiều người trả lời còn tâm lý lo sợ, không trả lời đầy đủ do lo sợ bị cắt trợ cấp, chế độ mặc dù đã nêu mục đích của cuộc điều tra.

Điều tra viên đến từng thôn, từng hộ thu thập thông tin phục vụ cuộc điều tra tại huyện Mường Lát
Điều tra viên đến từng thôn, từng hộ thu thập thông tin phục vụ cuộc điều tra tại huyện Mường Lát

Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm của những người Giám sát viên và Điều tra viên, những khó khăn ấy đã được khắc phục từng bước.

Ông Quân cho hay, ngoài tinh thần trách nhiệm của các Điều tra viên, Cục Thống Kê tỉnh Thanh Hóa cũng đã kịp thời chỉ đạo; lắng nghe khó khăn, định hướng các phương án khắc phục từ những ngày chuẩn bị ra quân. Đặc biệt, đoàn kiểm tra, giám sát của Cục Thống kê đã cùng tham gia điều tra để rút ra những mặt được, những mặt không được, giải quyết những khó khăn và khắc phục cho những hộ tiếp theo. Qua đó, Mường Lát đã hoàn thành công tác đúng tiến độ đề ra./.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: 247 học viên tham gia lớp đào tạo tiếng Khmer năm 2024

Sóc Trăng: 247 học viên tham gia lớp đào tạo tiếng Khmer năm 2024

Sáng 10/10, tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương, Ban Chỉ đạo Đề án đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Sóc Trăng tổ chức khai giảng các lớp đào tạo tiếng Khmer năm 2024. Tham sự kiện có: ông Võ Chí Công, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các ban, ngành của tỉnh Sóc Trăng; các thầy cô và học viên là cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.