Nhiều việc làm vì cộng đồng của Người có uy tín
Thanh Hóa có hơn 1.280 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đây là lực lượng đặc biệt, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân trên các lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là tham gia công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng…
Đặc biệt, bằng uy tín của mình, Người có uy tín trong đồng bào DTTS Thanh Hóa đã tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến quần chúng Nhân dân ở địa bàn cơ sở. Đơn cử như ông Hà Văn Thắng, dân tộc Thái, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Cộc, xã Xuân Lộc, huyện biên giới Thường Xuân.
Ông Thắng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu văn bản, tiếp thu ý kiến đóng góp của tập thể, cá nhân, xây dựng kế hoạch sát thực tiễn để lãnh đạo, phân công đảng viên tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, nhất là phong trào xây dựng NTM. Cá nhân ông đã đứng ra vận động Nhân dân tự nguyện hiến trên 760m2 đất các loại, 600 ngày công lao động và hơn 270 triệu đồng xây dựng các tuyến đường nội thôn.
Tương tự, ông Lương Văn Long, dân tộc Thái, Trưởng dòng họ Lương, xã Luận Khê, đã tích cực vận động, giáo dục các thành viên trong họ chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật, các quy định của địa phương, hương ước của thôn.
Bên cạnh đó, ông luôn động viên, khuyến khích các gia đình trong dòng họ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tham gia các phong trào, cuộc vận động do các cấp phát động. Những năm qua, từ quỹ đóng góp trong dòng họ đã khen thưởng, động viên cho hơn 100 cháu có thành tích trong học tập; tham gia hòa giải thành công 8 vụ mâu thuẫn, xích mích nhỏ.
Tại huyện vùng biên Quan Sơn, đội ngũ Người có uy tín cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng.
Điển hình như Hà Văn Tý, sinh năm 1954, bản Piềng Khóe, xã Tam Lư, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Tam Lư. Ông Tý luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình, dòng họ thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Để làm gương, gia đình ông đã chăm chỉ lao động, sản xuất, nhờ đó mà gia đình đã có 2 ao nuôi cá, hơn 50 con vịt và hơn 100 con gà, thu nhập bình quân ước đạt trên 60 triệu đồng/năm.
Hay như anh Thao Văn Dia, Người có uy tín ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy. Anh Dia luôn tuyên truyền đến bà con việc thực hiện quy ước, hương ước của bản, xây dựng bản văn hóa, xây dựng bản NTM. Đặc biệt là việc tuyên truyền vận động bà con đẩy lùi hủ tục, trong đó có việc chấp hành việc thực hiện việc tổ chức ma chay, tang lễ theo nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào Mông. Kết quả nổi bật nhất là từ năm 2013 đến nay, những người chết đã được đưa vào quan tài. Trước kia đám tang tổ chức từ 5 - 7 ngày, nay giảm xuống còn 2 ngày.
Anh Thao Văn Dia cho biết: Để việc tổ chức tang lễ của đồng bào Mông theo nếp sống văn hóa mới trở thành nền nếp bền vững, trở thành tập quán tốt đẹp trong đời sống sinh hoạt, bản thân anh với vai trò là Người có uy tín, đã tích cực vận động gia đình và cộng đồng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; tuyên truyền, giải thích cho đồng bào về các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước đối với sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trong vùng đồng bào Mông. Phối hợp với các cấp chính quyền vận động gia đình tang chủ và dòng họ có người chết thực hiện các thủ tục tang lễ theo quy định nếp sống văn hóa mới.
"Đã là người dân của bản thì đều thực hiện giống nhau, không phân biệt giàu nghèo, dòng họ; mọi người, mọi nhà, mọi dòng họ đều phải chấp hành đúng theo hương ước, quy ước của bản; thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương", anh Dia bộc bạch.
Mới đây, tại hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS huyện Quan Sơn năm 2023, bà Lương Thị Hạnh, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn cũng đã nhiều lần khẳng định: Đây là những nhân tố tích cực, là cầu nối cùng cấp ủy, chính quyền trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chương trình MTQG nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Góp phần thực hiện hiệu quả chương trình MTQG 1719
Trong 10 dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 đang được các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tập trung triển khai thực hiện, thì có nội dung số 01 và nội dung số 02 thuộc Tiểu dự án 01 (Dự án 10): Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của Người có uy tín; Phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền vận động đồng bào DTTS
Để thực hiện tiểu dự án này, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 861-KH/BDT, ngày 1/8/2023. Đối với nội dung số 01 về biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của Người có uy tín, ở cấp cơ sở đã được các huyện triển khai thực hiện; còn đối với hội nghị cấp tỉnh dự kiến được tổ chức thực hiện trong quý IV-2023.
Đối với nội dung số 02 về phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, Ban Dân tộc đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được 7 hội nghị cho người dân các thôn, bản đặc biệt khó khăn tại các huyện: Lang Chánh, Quan Sơn, Thạch Thành, Ngọc Lặc.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc phối hợp tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật cho học sinh Trường PTDT nội trú THCS huyện Như Thanh và huyện Thạch Thành, dưới hình thức sân khấu hóa. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, cùng sự chung tay của mỗi người dân, nhất là đội ngũ những Người có uy tín trong cộng đồng đã và đang góp phần hoàn thành các chương trình MTQG, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn các huyện miền núi, vùng đồng bào DTTS sinh sống.