Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Thanh Hóa: Người dân kiến nghị thu hồi nhà máy xi măng chậm tiến độ ở Ngọc Lặc

Quỳnh Chi - 15:05, 20/05/2021

Được khởi công từ năm 2009, sau đó công trình Nhà máy xi măng Thanh Sơn (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) phải bỏ hoang vì thiếu vốn. Đến nay, chính quyền và người dân địa phương mong muốn tỉnh thu hồi lại dự án này vì chậm tiến độ và có nguy cơ phát sinh một số vấn đề đáng lo ngại.

Dự án xây dựng nhà máy xi măng Thanh Sơn, xã Thúy Sơn, huyện miền núi Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đã ngừng thi công hơn 10 năm nay
Dự án xây dựng nhà máy xi măng Thanh Sơn, xã Thúy Sơn, huyện miền núi Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đã ngừng thi công hơn 10 năm nay

Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận đầu tư tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc, với số vốn dự kiến hơn 1.400 tỷ đồng. Năm 2009, công trình khởi công; song chỉ một thời gian ngắn, chủ đầu tư dừng thi công. Hơn 10 năm nay, dự án "đắp chiếu", không có động thái hoạt động trở lại.

Theo ghi nhận tại công trường, đơn vị thi công mới thực hiện được hạng mục san lấp mặt bằng, khoan cọc nhồi và dựng tường rào. Toàn bộ diện tích đất để xây dựng nhà máy khoảng 40ha bị bỏ không, gây lãng phí quỹ đất của địa phương.

Chúng tôi kiến nghị các cấp chính quyền cho bà con được sử dụng lại quỹ đất đã bị thu hồi thực hiện dự án để sản xuất, tạo công ăn việc làm.

Bà Phạm Thị LanNgười dân thôn Vân Sơn, xã Thúy Sơn

Bà Phạm Thị Lan, thôn Vân Sơn, xã Thúy Sơn cho biết, hơn 10 năm trước, người dân thấy công ty vào động thổ, khởi công nhưng sau đó không làm gì thêm, đất đai bỏ hoang chẳng làm gì rất lãng phí. Trong khi người dân địa phương còn thiếu đất canh tác, lao động thiếu việc làm, thu nhập bấp bênh.

Theo ông Lê Phúc Hành, Chủ tịch UBND xã Thúy Sơn, người dân địa phương còn lo ngại, nếu tiếp tục làm nhà máy xi măng ở khu vực này sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân. Do đó, trong nhiều cuộc họp, người dân đã đề nghị với xã và huyện sớm thu hồi đất dự án.

Được biết, UBND huyện Ngọc Lặc cũng đã chỉ đạo UBND xã Thúy Sơn tổ chức lấy ý kiến của các hộ dân thuộc 5 thôn quanh khu vực xây dựng nhà máy. Theo đó, có 717 hộ tham gia đóng góp ý kiến, thì có đến 715 hộ không đồng ý cho tiếp tục xây dựng Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại đây vì lo ngại gây ô nhiễm môi trường.

Đại diện phía Công ty Cổ phần Xi măng Thanh Sơn cho biết, dự án ngừng thi công do thiếu vốn. Hiện công ty đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép tăng công suất nhà máy từ 2.500 tấn clinker/ngày lên 6.000 tấn clinker/ngày để tiếp tục thực hiện dự án, song việc này đang chờ ý kiến của UBND tỉnh.

Hiện bên trong khu vực xây dựng nhà máy xi măng Thanh Sơn là bãi đất hoang không làm gì
Hiện bên trong khu vực xây dựng nhà máy xi măng Thanh Sơn là bãi đất hoang không làm gì

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ngọc Lặc, Nhà máy xi măng Thanh Sơn chậm trễ nhiều năm, gây lãng phí đất sản xuất trên địa bàn. Nếu dự án tiếp tục được triển khai, sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị huyện Ngọc Lặc là đô thị trung tâm miền núi phía Tây của tỉnh. Về giao thông cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều vì trục đường đi qua Nhà máy xi măng Thanh Sơn là trục chính trung tâm của đô thị miền núi, nếu nhà máy hoạt động sẽ có xe tải trọng lớn lưu thông.

Chính quyền địa phương cũng lo ngại, việc xây dựng nhà máy này sẽ gây hệ lụy lớn không chỉ về môi trường, mà còn tác động đến văn hóa tâm linh của người dân địa phương. Bởi theo dự kiến, nguyên liệu sản xuất sẽ được khai thác tại núi Sắt, đây là ngọn núi gắn liền với truyền tích của người Mường.

Người dân nơi đây cho biết, núi Sắt do vua Lê Lợi đặt tên, khi ông đánh giặc tại đây và được Nhân dân che chở thoát nạn lúc bị giặc truy đuổi. Ngọn núi này đã đi vào ca dao, cũng như truyền tích của người Mường, nếu khai thác sẽ ảnh hưởng đến truyền tích này.

Ngoài ra, bên trong dãy núi này còn có hang Bàn Bù là khu di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được công nhận là di tích cấp tỉnh. Nếu khai thác sẽ phá hủy di tích.

Được biết, trước sự việc này, UBND huyện Ngọc Lặc đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị, không xem xét điều chỉnh công suất nhà máy xi măng Thanh Sơn và có hướng xử lý, thu hồi dự án. Đồng thời, kiến nghị tỉnh nên thu hút đầu tư các dự án khác với công nghệ hiện đại, công nghệ sạch thân thiện với môi trường, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.