Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Thanh Hóa: Thủ khoa khối C là một nữ sinh dân tộc Mường

Quỳnh Chi - 16:57, 25/08/2021

Là người con của dân tộc Mường, ở xã Cẩm Liên (huyện Cẩm Thủy), Phạm Thị Thắm xuất sắc trở thành 1 trong 2 thủ khoa khối C của tỉnh Thanh Hóa trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2021 vừa qua.


Thắm ước mơ làm cô giáo để ươm mầm tài năng cho đất nước, từ khi còn là cô học sinh cấp 1
Thắm ước mơ làm cô giáo từ khi còn là cô học sinh cấp 1

Ngôi nhà nhỏ của gia đình em Phạm Thị Thắm tại thôn Ninh Sơn, xã Cẩm Liên những ngày này, không lúc nào ngớt tiếng cười, bởi niềm vui mà cô gái nhỏ mang lại. Em nhận được rất nhiều lời khen và chúc mừng của bạn bè, thầy cô và người thân.

Thắm là học sinh lớp 12A3, Trường THPT Cẩm Thủy 3. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vừa qua, em đạt số điểm 28,75 (Văn 9,25; Sử 9,75; Địa 9,75), trở thành 1 trong 2 thủ khoa khối C của Thanh Hóa.

Những ngày này, em tranh thủ phụ giúp bố mẹ việc đồng áng và chăn nuôi của gia đình. Thắm cho biết, từ năm lớp 10, ban đầu em theo học khối A. Trong quá trình học, các thầy cô đã phát hiện ra em có năng khiếu học các môn xã hội, nên đã định hướng để em chuyển sang học khối C. Nhờ đó, em có cơ hội để phát huy sở trường của mình. Liên tiếp 2 năm (lớp 10 và 12) em đạt giải Nhì và giải Nhất môn Địa lý trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Thắm chia sẻ, mỗi môn học đều có những thú vị riêng, em dành thời gian cho 3 môn đều như nhau. Không giống nhiều người nghĩ, học khối C là học vẹt, Thắm cho biết ngoài kiến thức trong sách giáo khoa và học từ thầy cô, em chủ động tìm kiếm thêm những kiến thức lịch sử, xã hội rộng lớn ở những kênh khác. Điều đó mang lại cho em lượng kiến thức lớn, đa dạng, có thể vận dụng trong các môn học của mình.

Phạm Thị Thắm trở thành nữ thủ khoa khối C, nữ đảng viên trẻ người dân tộc Mường xứ Thanh
Thủ khoa Phạm Thị Thắm đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng

Chia sẻ về bí quyết ôn luyện đối với 3 môn khối C, nữ thủ khoa của tỉnh Thanh Hóa cho biết, khi nào có hứng thì sẽ ngồi vào học thật nghiêm túc, khi nào mệt sẽ nghe nhạc giải trí và không thức khuya, dậy sớm. Để có thể vừa nhớ và hiểu sâu vấn đề, em thường tập cho mình thói quen đọc thật nhiều, đọc đi đọc lại các thông tin, dữ kiện nhớ và hiểu.

Dù tự tin vào năng lực của mình, em vẫn bất ngờ khi đạt điểm thi cao như vậy. "Khi tự chấm cho mình em nghĩ môn Văn chỉ được 8,5 điểm. Vừa qua, nhận thông tin em là thủ khoa khối C của tỉnh thì em cảm thấy rất vui mừng và sung sướng", nữ sinh hào hứng nói.

Nói về dự định tương lai, Thắm cho biết, với điểm thi vừa qua, em sẽ đăng ký xét tuyển vào khoa Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. "Em ước mơ sẽ trở thành cô giáo để dạy học, có thể truyền tải kiến thức và định hướng cho các em học sinh trở thành những người có ích cho xã hội", Thắm chia sẻ.

Những ngày qua, vợ chồng chị Phạm Thị Bích và anh Phạm Văn Thủy (bố mẹ Thắm) không khỏi xúc động và vui mừng. Thắm là con gái đầu, sau Thắm còn một em trai. Để nuôi được hai người con ăn học là cả một nỗ lực lớn đối với đôi vợ chồng này.

“Đối với người dân vùng quê như chúng tôi, để nuôi con ăn học khó khăn lắm. Mấy ngày nay bà con hàng xóm đến chúc mừng tôi thấy vui quá. Cảm ơn các thầy cô đã dạy dỗ cháu thật tốt", anh Thủy nói.

Thầy Ngô Tiến Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Thủy 3, cho biết, cũng khá lâu nhà trường mới có thủ khoa. Trước đây có một số em, nhưng là thủ khoa của trường đại học. Phạm Thị Thắm là gương mặt khá xuất sắc ở trường. Những năm qua em luôn đạt thành tích cao trong quá trình học tập, cũng như các hoạt động của trường.

Tự hào về học trò của mình, thầy Nguyễn Quốc Tuấn, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3, cho biết, Thắm có tư duy và cách tiếp cận vấn đề một cách nhanh nhạy. Kết quả thi vừa qua thật xứng đáng với em.

“Mặc dù điều kiện học tập có nhiều thiếu thốn nhưng với nỗ lực của mình em đã có rất nhiều tiến bộ qua các năm. Ngày 29/6/2021, Thắm cũng là 1 trong 6 em học sinh xuất sắc của trường được kết nạp vào Đảng", thầy Tuấn cho hay.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.