Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thanh Hóa: Trao sinh kế giúp đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững

Quỳnh Trâm - 21:45, 16/08/2024

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024, tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực triển khai nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế, qua đó giúp người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi thoát nghèo hiệu quả.

Điểm sáng giảm nghèo

Điển hình tại huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), thực hiện Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, đến ngày 31/5/2024, UBND huyện đã phê duyệt 11 dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản hỗ trợ cho 188 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ 3,1 tỷ đồng, huy động của các hộ dân tham gia dự án 2,2 tỷ đồng. 

Dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024 đạ giúp người dân phát triển kinh tế ổn định cuộc sống
Dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024 đã giúp người dân phát triển kinh tế ổn định cuộc sống

Hiện nay, huyện Cẩm Thủy đang tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi trâu sinh sản. Theo đó, huyện chỉ đạo các xã rà soát nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo để xây dựng dự án, trình UBND huyện phê duyệt.

Là một trong những hộ nghèo được thụ hưởng chính sách này, bà Trương Thị Cúc, dân tộc Mường, thôn Yên Duyệt, xã Cẩm Yên, cho biết: Nhiều năm loay hoay với cái nghèo, thiếu sinh kế, cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng ít ỏi. Đầu năm 2023, sau khi rà soát, bình bầu từ cơ sở, gia đình bà được hỗ trợ vốn để mua trâu, bò giống sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024. Với số tiền được hỗ trợ 15 triệu đồng, gia đình bà vay mượn thêm và mua một con bò sinh sản.

Tận dụng lợi thế vườn rộng, gia đình bà Cúc trồng thêm mía, cỏ voi để làm thức ăn cho bò. Sau một thời gian chăm sóc, đến nay, con giống phát triển khỏe mạnh và sinh sản thêm một con bê cái. Dự kiến bê cái nuôi thêm một thời gian nữa sẽ bán được khoảng 10 triệu đồng. Số tiền này giúp gia đình bà có thêm vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. “Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi có sinh kế và động lực để vươn lên”, bà Cúc chia sẻ.

Hay như gia đình bà Bùi Thị Chiến, thôn Yên Duyệt, cuộc sống của gia đình bà thường xuyên rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau, quanh năm lao động nhưng cũng không thoát khỏi cảnh nghèo. Cuối năm 2023, gia đình bà được hỗ trợ 18 triệu đồng để mua trâu sinh sản, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024. Đến nay, nhờ được hỗ trợ và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trâu giống của gia đình bà sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh và đã sinh sản một con nghé. Vừa qua, gia đình bà bán nghé con được hơn 10 triệu đồng. Gia đình đang tiếp tục chăm sóc trâu mẹ để sinh sản những lứa tiếp theo.

Theo báo cáo của UBND xã Cẩm Yên, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024, trên địa bàn xã có 40 hộ được hỗ trợ tiền mua con giống. Mức hỗ trợ mua con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi, chế phẩm sinh học, hóa chất khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, công cụ, dụng cụ sản xuất, tiền chuồng trại là 15 triệu đồng/con bò giống và 18 triệu đồng/con trâu giống sinh sản.

Ông Buì Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Yên, cho biết, với phương châm “trao cần câu, không cho con cá”, việc hỗ trợ trâu giống đã tạo “điểm tựa” giúp các hộ nghèo, cận nghèo nỗ lực vượt khó vươn lên.

Xã Cẩm Yên chỉ đạo công chức nông nghiệp thường xuyên hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh. Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo của xã Cẩm Yên giảm đáng kể. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 8,15%; năm 2023 giảm xuống 5,65%% và đến tháng 6/2024 còn 3,8%. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 53 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Nguyễn Hải Sâm, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Thủy, những năm trước, thực hiện chương trình giảm nghèo, huyện xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, trong đó mô hình nuôi trâu, bò sinh sản đã phát huy hiệu quả, giúp hàng trăm hộ dân vươn lên thoát nghèo.

“Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp về vật nuôi, chương trình còn bao gồm các hoạt động đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, nhằm đảm bảo họ có đủ kiến thức và kỹ năng để chăm sóc và phát triển đàn gia súc”, ông Nguyễn Hải Sâm cho hay.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Cẩm Thủy tiếp tục thực hiện mô hình nuôi trâu, bò sinh sản tại các xã Cẩm Giang, Cẩm Tú, Cẩm Yên, Cẩm Vân, Cẩm Phú, Cẩm Ngọc, Cẩm Tân. 

Với việc triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, “công cuộc” giảm nghèo của huyện tiếp tục đạt những kết quả khả quan. Năm 2022, toàn huyện có 1.365 hộ nghèo, chiếm 4,63%, đến tháng 6/2024, số hộ nghèo giảm xuống còn 870 hộ (2,96%)… Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Dự án nuôi cá lồng tại các huyện vùng cao Thanh Hóa đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân
Dự án nuôi cá lồng tại các huyện vùng cao đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

11.000 hộ được hưởng lợi từ mô hình giảm nghèo

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo, toàn tỉnh Thanh Hóa triển khai 320 dự án, trong đó có 21 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, 299 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng.

Các loại hình dự án chủ yếu tập trung vào chăn nuôi với 302 dự án; 12 dự án trồng trọt, chủ yếu là cây dược liệu và cây ăn quả; 6 dự án nuôi cá lồng. Kinh phí thực hiện dự án hơn 116 tỷ đồng, từ vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ. Dự án giúp hơn 11.000 hộ được hưởng lợi, trong đó có 5.409 hộ nghèo, 311 hộ người khuyết tật, 4.202 hộ cận nghèo…

Nhìn lại quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024, có thể thấy, với sự quan tâm đúng mức và các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa đã và đang từng bước đưa người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS thoát nghèo, vươn lên xây dựng cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Cuộc điều tra 53 DTTS tại Sóc Trăng: Thu thập thông tin thuận lợi, hoàn thành đúng tiến độ

Cuộc điều tra 53 DTTS tại Sóc Trăng: Thu thập thông tin thuận lợi, hoàn thành đúng tiến độ

Sóc Trăng có 11 đơn vị hành chính cấp huyện với 109 xã, phường, thị trấn và 775 khóm, ấp; dân số khoảng 1,2 triệu người, trong đó, đồng bào DTTS là 423.000 người (chiếm 35,4% dân số của toàn tỉnh). Nhờ làm tốt khâu chuẩn bị nên cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2024 (Cuộc điều tra 53 DTTS) trên địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng nội dung kế hoạch phương án điều tra.