Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Thanh Hóa: Vấn nạn khai thác vàng trái phép ở Bãi Kịt vẫn đang diễn biến phức tạp

Quỳnh Trâm - 09:29, 10/08/2021

Thời gian qua, lực lượng chức năng huyện Bá Thước (Thanh Hóa) và huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã nhiều lần phối hợp, lên phương án đấu tranh với các đối tượng khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, do lực lượng chức năng mỏng, các đối tượng “vàng tặc” lại hoạt động rất tinh vi, liều lĩnh, bất chấp, đã gây nhiều khó khăn cho công tác xử lý, ngăn chặn.

Hiện trường 1 vụ khai thác vàng trái phép ở Bãi Kịt
Hiện trường 1 vụ khai thác vàng trái phép ở Bãi Kịt

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn

Khu vực khai thác vàng trái phép nằm giáp ranh giữa rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông, thuộc Bãi Kịt, xã Lũng Cao (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) với khu vực rừng thuộc địa giới hành chính xã Thành Sơn (huyện Mai Châu, Hòa Bình). 

Từ trung tâm huyện Bá Thước vào đến xã Lũng Cao cách chừng 20 km; tiếp đó, men theo con đường rừng đi khoảng 8 km là đến bản Kịt. Để đến Bãi Kịt - địa điểm khai thác vàng còn phải đi bộ xuyên rừng 4 - 5 tiếng đồng hồ mới đến. Cung đường gập ghềnh nhấp nhô đá tai mèo nhọn hoắt, nhiệt độ ẩm thấp cũng khiến vắt rừng nhiều vô kể. Ở đây chưa có điện lưới và sóng điện thoại.

Ông Lê Đình Phương, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông cho hay: Để đào vàng, các đối tượng còn vận chuyển các loại máy móc, các vật dụng làm việc và sinh hoạt. Các đối tượng đào đãi vàng trái phép thường có tiền án tiền sự ở các địa phương khác như Thái Nguyên, Bắc Giang, Hòa Bình… nên chúng còn trang bị cả "hàng nóng" để sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng, hay thậm chí tranh cướp hàng lẫn nhau. Chúng hoạt động thành từng nhóm, khi có động sẽ bỏ chạy lên rừng, hoặc chống trả quyết liệt với cơ quan chức năng. 

"Nhóm này đi tới đâu sẽ xâm hại  rừng đến đó vì phải làm lán trại, đào đãi đất và hủy hoại môi trường, nhiều vụ tai nạn kinh hoàng cũng đã xảy ra. Ngoài ra, các nhóm thường xuyên tranh giành lãnh địa gây mất an ninh trật tự trên địa bàn ", ông Phương chia sẻ.

Ông Phương kể lại, tháng 6/2016 tại hang Kịt, đã có 3 người thợ đào vàng bị ngạt khí, tử vong dưới hang. Ngành chức năng đã phải huy động một lực lượng lớn người và phương tiện để cứu hộ. Sau lần đó, hang vàng này bị đánh sập, nhưng chỉ được một thời gian sau, các đối tượng bất chấp hoạt động lại.

Diễn biến phức tạp

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông, thời gian qua, ngành đã phối hợp với lực lượng Công an xã Lũng Cao thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra tại khu vực Bãi Kịt. Điển hình, đầu tháng 5/2021, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Pù Luông phát hiện một số đối tượng tập kết các dụng cụ, máy móc, dựng lán trại, đào, đãi đất với mục đích khai thác vàng trái pháp luật tại khu vực vùng giáp ranh.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tại địa điểm thuộc địa giới hành chính xã Thành Sơn (Hòa Bình) cách ranh giới khu BTTN Pù Luông khoảng 70 m có 2 lán trại, trong đó có 13 đối tượng.

Lực lượng cứu hộ đưa 3 thi thể phu vàng ra ngoài trong vụ tai nạn tại hang Kịt vào tháng 6/2016
Lực lượng cứu hộ đưa 3 thi thể phu vàng ra ngoài trong vụ tai nạn tại hang Kịt vào tháng 6/2016

Khi tổ công tác tiếp cận vào 2 lán trại trên, một số kẻ tìm cách lẩn trốn lên rừng. Qua khai báo của 3 đối tượng còn lại, các đối tượng trên đến từ nhiều địa phương khác nhau (thuộc các tỉnh: Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội), tất cả đều là người làm thuê cho một người đứng ra làm chủ (không rõ tên, tuổi, địa chỉ và không có mặt tại khu vực khai thác) thông qua một người có tên là Toàn - lái xe taxi ở tỉnh Hòa Bình đưa vào.

Ngoài ra, thời gian qua, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều điểm khai thác vàng trái phép khác thuộc địa phận xã Thành Sơn và xã Lũng Cao. Tuy nhiên, do đường rừng xa, hiểm trở, lực lượng mỏng, nên không đủ điều kiện cho việc tạm giữ các đối tượng vi phạm và các phương tiện, dụng cụ máy móc tại hiện trường. Tổ công tác chỉ có thể lập biên bản, vận động cho các đối tượng tự rút ra khỏi khu vực hiện trường khai thác.

Theo ông Phạm Văn Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông, mặc dù lực lượng chức năng trên địa bàn hai huyện Mai Châu và huyện Bá Thước đã thường xuyên phối hợp kiểm tra, truy quét, song tình hình vẫn phức tạp, khi các đối tượng cộm cán vẫn bất chấp để hoạt động. Nhiều lần lực lượng chức năng phát hiện các tốp thợ đến từ các tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Nội, Hòa Bình cùng những người địa phương bất chấp đưa máy móc vào khu vực trên để đào vàng.

Giải pháp hiện nay ở địa phương là, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, nhất là người dân ở các bản Kịt, Cao Hoong không tham gia vào hoạt động khai thác vàng trái phép. Khi phát hiện các đối tượng lạ mặt xuất hiện tại các khu vực trên thì báo ngay cho các lực lượng chuyên trách để kịp thời xử lý; Phối hợp với lực lượng chức năng ngăn chặn, áp dụng tối đa các quy định của pháp luật để xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe...