Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Thành lập các trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao: Bước đột phá cho giáo dục nghề nghiệp

Vân Khánh - NG - 15:39, 16/09/2021

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới thì việc ưu tiên, tập trung đầu tư các dự án về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, có tính chất liên vùng, là một yêu cầu cấp bách. Đây được coi là một trong những thay đổi mang tính đột phá, góp phần vào thành công của hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam.

Sinh viên thực hành robot tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (Ảnh TL)
Sinh viên thực hành robot tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (Ảnh TL)

Học hỏi kinh nghiệm quốc tế

Tại các quốc gia phát triển, đào tạo nghề rất được chú trọng, được xem là định hướng của xã hội nhằm nâng cao năng suất lao động, cũng như tạo dựng nền tảng cho giới trẻ phát triển sự nghiệp, ổn định cuộc sống ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Tại nhiều quốc gia, học sinh được phân luồng từ rất sớm và được hỗ trợ chọn nghề và lộ trình học nghề phù hợp.

Như tại Singapore có đến 65% số học sinh phổ thông chọn học nghề. Để khuyến khích việc học nghề và hỗ trợ đào tạo nghề, Chính phủ Singapore đưa ra ba chương trình lớn là tôn vinh người lao động học nghề và tiếp tục ra làm nghề, đầu tư lớn cho giáo dục nghề nghiệp (hệ thống giáo dục nghề ở Singapore, gồm 3 trường cao đẳng thuộc Viện Giáo dục kỹ thuật (ITE) và một số trường kỹ nghệ) và có chính sách kỹ năng nghề tương lai.

Những kinh nghiệm trong đào tạo nghề của Singapore đã được bà Sabrina Loi, Giám đốc Bộ phận Chất lượng cao & Hợp tác quốc tế của ITE chia sẻ, tại Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế trong thành lập các trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao” diễn ra ngày 10/9/2021. Hội thảo do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội) phối hợp với Chương trình Đổi mới Giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam tổ chức.

Theo bà Sabrina Loi, ITE là cơ sở đào tạo giáo dục kỹ thuật và nghề nghiệp sau trung học và thực hiện hoạt động phát triển tiêu chuẩn và chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia của Singapore. Điểm nổi bật của ITE là một chương trình giảng dạy năng động và một hệ thống tương ứng, cung cấp trải nghiệm giáo dục toàn diện, tăng cường hợp tác chiến lược và phát triển cán bộ; xây dựng các giá trị đằng sau sự chuyển đổi để tạo ra những người trẻ có kỹ năng ứng dụng.

Cũng tại Hội thảo này, TS. Juergen Hartwig, Giám đốc Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam đã giới thiệu về mô hình Trung tâm đào tạo và thực hành nghề liên doanh nghiệp của Đức. Theo đó, Trung tâm này thường thuộc sở hữu và vận hành của các Phòng thương mại và công nghiệp hay Hiệp hội nghề nghiệp.

Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế trong thành lập các trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao” được tổ chức trực tuyến ngày 10/9/2021
Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế trong thành lập các trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao” được tổ chức trực tuyến ngày 10/9/2021

Ở Đức, các trung tâm này sẽ đào tạo chuyên sâu về một số ngành nghề xác định, cung cấp các xưởng thực hành kỹ thuật, với các công nghệ mới nhất, bổ sung cho hợp phần đào tạo, qua công việc trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) kép. Người học trong hệ thống GDNN kép được đào tạo tại trung tâm này khoảng 2 tháng mỗi năm.

Bước đột phá cho đào tạo nghề

Những mô hình GDNN của các nước, là kinh nghiệm rất cần thiết cho nước ta trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, thời gian vừa qua, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0), là một trong những chìa khóa động lực để hiểu được vai trò thay đổi của các chính sách và hệ thống GDNN.

Công nghiệp 4.0 đang hình thành nội dung và hình thức mới của công việc, kỹ năng và yêu cầu nghề nghiệp. Trong bối cảnh này, việc tái cơ cấu lại các cơ sở GDNN, hình thành mạng lưới các trường chất lượng cao, thành lập các trung tâm nghề xuất sắc, các Viện nghiên cứu và thực hành GDNN… được coi là một trong những thay đổi mang tính đột phá góp phần vào thành công của hệ thống GDNN của các nước phát triển.

“Hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cũng như Tổng cục GDNN đang xúc tiến chủ trương thành lập Trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, dự kiến tại ba miền của Việt Nam. Mô hình Trung tâm quốc gia này, phải là các trung tâm chất lượng cao về đào tạo nghề, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”, ông Bình chia sẻ.

Theo ông Bình, việc thành lập và phát triển mô hình Trung tâm quốc gia về đào tạo và thực hành chất lượng cao tại Việt Nam là rất cần thiết và đúng thời điểm. Tuy nhiên, đối với một hệ thống GDNN còn nhiều bất cập và trong bối cảnh hiện nay, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới thực tại và tương lai việc làm, việc thành lập và phát triển mô hình Trung tâm quốc gia về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, sẽ là một thách thức không nhỏ.

Nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại hội thảo trực tuyến
Nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại hội thảo trực tuyến

Từ chia sẻ của các chuyên gia, ông Bình cho rằng, việc xây dựng các trung tâm vùng trong GDNN là rất quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

 Theo đó, để thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nêu trên thì việc ưu tiên, tập trung đầu tư các dự án về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao có tính chất liên vùng, là một yêu cầu cấp bách.

Tuy nhiên điều này sẽ gặp khá nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn. Do đó, phương án để hình thành trung tâm vùng vẫn phải nhờ vào sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ. Bên cạnh đó, thực hiện xã hội hóa, kêu gọi nhiều nguồn lực đầu tư nhằm hình thành các trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

“Hiện Chính phủ đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng cho các trung tâm vùng nhưng sẽ phải cần nhiều hơn nữa các nguồn vốn, trong đó có các nguồn vốn vay ODA để xây dựng các trung tâm này”, ông Bình chia sẻ.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng 3 trung tâm quốc gia ở 3 miền khác nhau; các trường cao đẳng chất lượng thuộc các bộ ngành; đồng thời có 70 trường chất lượng cao, trong đó có 3 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20. Năm 2030 hình thành thêm 3-5 Trung tâm quốc gia, có 90 trường chất lượng cao.

Tin cùng chuyên mục
Điều kiện hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024

Điều kiện hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024

Từ 1/7/2025, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 15 năm trở lên, thì được hưởng lương hưu nếu đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động. Ngoài tiền lương hưu, người lao động còn được trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.