Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Cô giáo dân tộc Mông tâm huyết với sự nghiệp trồng người

Thúy Hồng - 18:00, 05/05/2020

Gần 10 năm gắn bó với mái trường, cô Vàng Thị Nu, giáo viên Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Mai Sơn (Sơn La) luôn tâm huyết với sự nghiệp trồng người, hết lòng với các em học sinh DTTS nơi đây. Cô cũng là gương đại biểu người DTTS tiêu biểu của tỉnh Sơn La tham dự Đại hội Đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ II, năm 2020.

Cô Vàng Thị Nu (đầu tiên bên trái) nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn tại Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Mai Sơn lần thứ III, năm 2019
Cô Vàng Thị Nu (đầu tiên bên trái) nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn tại Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Mai Sơn lần thứ III, năm 2019

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc khoa Sư phạm, năm 2012, cô Nu về dạy học tại Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Mai Sơn. Khi mới về trường công tác, cô đảm nhiệm công việc giáo vụ của trường. Sau 2 năm nỗ lực cố gắng trong công tác giảng dạy, cùng lợi thế là người dân tộc Mông nên cô đã được Nhà trường giao nhiệm vụ dạy tiếng Mông cho các em học sinh của trường theo Chương trình dạy tiếng dân tộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Do đặc thù là trường dân tộc nội trú nên học sinh của trường đều là người DTTS nhưng có nhiều dân tộc khác nhau, nên công tác giảng dạy tiếng Mông cũng rất vất vả. Đối với các em học sinh dân tộc Mông thì cô chỉ cần dạy chữ, vì các em đều biết tiếng của mình, nhưng đối với các em học sinh dân tộc Thái, Xinh Mun, La Ha... thì ngoài việc dạy chữ Mông còn phải dạy các em cách phát âm tiếng Mông nên mất rất nhiều thời gian.

“Chữ của dân tộc Mông được viết theo chữ La tinh, nên việc dạy viết chữ thì dễ dàng hơn. Nhưng để phát âm tiếng Mông tốt cần rất nhiều thời gian để uốn nắn cho các em”, cô Nu chia sẻ.

Nhưng với lòng yêu nghề, mong muốn giữ gìn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình cho thế hệ tiếp nối, cô Nu luôn coi khó khăn làm động lực để truyền dạy kiến thức cho các em được tốt hơn.

Mỗi khi lên lớp, cô không chỉ là người thầy truyền dạy cho các em học sinh kiến thức bằng tất cả tấm lòng nhiệt huyết của người giáo viên, mà còn là người con của bản làng với mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao cho các thế hệ học trò. Vì vậy, các học trò của cô Nu tiến bộ rất nhiều, chăm ngoan học giỏi. 

“Điều khiến tôi vui nhất là không chỉ các em học sinh dân tộc Mông biết chữ Mông, mà còn có thể giúp các em học sinh dân tộc khác đều biết về tiếng và chữ của người Mông, góp phần lưu giữ, giới thiệu được bản sắc văn hoá của dân tộc mình”, cô Nu nói. 

Hiện nay, ngoài công việc giảng dạy tiếng Mông, cô còn được Ban Giám hiệu phân công giảng dạy các môn như Toán, Giáo dục công dân. Dù mới đảm nhận thêm công tác giảng dạy các môn học tự nhiên khác được 2 năm, nhưng cô Nu cũng đã giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện.

Với những đóng góp của mình đối với sự nghiệp giáo dục và công tác giảng dạy, cô đã được tập thể nhà trường ghi nhận. Năm 2019, tại Đại hội Đại biểu các DTTS Việt Nam huyện Mai Sơn lần thứ III, cô Vàng Thị Nu đã được Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn tặng Giấy khen vì đã có nhiều thành tích đóng góp xây dựng khối đại đoàn kết các DTTS của địa phương. Cô cũng là gương đại biểu người DTTS tiêu biểu của tỉnh Sơn La tham dự Đại hội Đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ II, năm 2020.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.