Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Chuyển đổi số các hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới

Thanh Hoài - 14:30, 03/12/2022

Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021- 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 924/QĐ-TTg, ngày 2/8/2022 (chương trình chuyển đổi số). Theo đó, việc ứng dụng chương trình chuyển đổi số sẽ giúp cho các HTX, doanh nghiệp ứng dụng, tạo ra nhiều cơ hội trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Giám đốc HTX Po Mỷ - Lưu Thị Hòa ( thứ hai từ phải sang) tại gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản địa phương của HTX
Giám đốc HTX Po Mỷ - Lưu Thị Hòa ( thứ hai từ phải sang) tại gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản địa phương của HTX

Mô hình HTX số điển hình

Tại Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), nói đến HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ, người dân nơi đây đều tấm tắc khen cô Giám đốc trẻ người Cờ Lao- Lưu Thị Hòa năng động, nhanh nhạy ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con vùng cao.

Tốt nghiệp Thạc sĩ Luật, Lưu Thị Hòa đã làm việc cho tập đoàn nước ngoài với mức lương cao, nhưng với khát vọng giúp đỡ đồng bào mình “Đưa nông sản vùng cao đến tay người tiêu dùng", chị đã quyết chí quay về quê hương khởi nghiệp.

Dự án "Po Mỷ Farmstay - Du lịch nông nghiệp gắn với nguồn tài nguyên bản địa DTTS Đồng Văn - Hà Giang" được Lưu Thị Hòa triển khai vào tháng 10/2017, cùng sự ủng hộ của các thành viên HTX là người DTTS. Bước đầu tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, khắc phục khó khăn trong quá trình canh tác của bà con DTTS vùng cao và kết nối những sản phẩm đặc sản đến với các thị trường rộng lớn hơn.

Thời điểm bùng phát dịch Covid-19, Giám đốc trẻ người Cờ Lao đã hướng dẫn cho bà con dân bản sử dụng điện thoại thông minh để kết nối các ứng dụng nhằm trao đổi công việc, bán hàng nông sản. Theo đó, HTX Po Mỷ vẫn duy trì ổn định, doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương là người DTTS.

Bên cạnh đó, HTX Po Mỷ duy trì chuỗi cửa hàng "Về bản" tại thị trấn Đồng Văn và TP. Hà Nội, là địa điểm để giới thiệu, liên kết, quảng bá sản phẩm đặc sản Hà Giang với người tiêu dùng.

Trang Web giới thiệu các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương của HTX Po Mỷ (Đồng Văn, Hà Giang)
Trang Web giới thiệu các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương của HTX Po Mỷ (Đồng Văn, Hà Giang)

Sau hơn 5 năm hoạt động, đến nay, HTX xã Po Mỷ đã phát triển lên quy mô 5.700m2 nông trại với quy trình khép kín; trồng, sản xuất, kinh doanh một số nông sản, đặc sản và cây ăn quả lâu năm, rau, củ ngắn ngày. HTX Po Mỷ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương, trong đó thế mạnh là mật ong bạc hà, lê, sâm khoai…

Hiện nay, 100% việc bán hàng ở HTX Po Mỷ đều chuyển sang trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và nền tảng số. Sản phẩm của HTX Po Mỷ đã có mặt ở nhiều địa phương từ Bắc vào Nam. Mới đây, một doanh nghiệp Nhật Bản đã đặt hàng Po Mỷ xuất khẩu sản phẩm phở sâm làm từ củ sâm khoai với số lượng khoảng 150 tấn.

Còn tại Thừa Thiên Huế, thời gian qua, HTX Nông nghiệp Quảng Thọ II được tỉnh lựa chọn để xây dựng hệ thống HTX số kết hợp đẩy mạnh giải pháp thương mại điện tử cho nông hộ và HTX. Đồng thời xây dựng và hoạt động thử nghiệm Website của HTX Nông nghiệp Quảng Thọ II nhằm quảng bá các sản phẩm mà HTX đang sản xuất, kinh doanh. Tiến hành đưa sản phẩm Trà rau má của HTX lên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, sàn kinh tế hợp tác...

Vùng trồng rau má của HTX Quảng Thọ II (Thừa Thiên Huế)
Vùng trồng rau má của HTX Quảng Thọ II (Thừa Thiên Huế)

Ông Nguyễn Lương Trí, Chủ tịch HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 cho biết, hàng năm, HTX thu mua và tiêu thụ rau má tươi từ 180 - 200 tấn và chế biến các sản phẩm từ rau má khô 20 đến 25 tấn. Hiện, rau má được bán không chỉ trong tỉnh mà còn được tiêu thụ tận TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên và nhiều tỉnh, thành miền Bắc.

Bên cạnh đó, đơn vị đã sản xuất các loại sản phẩm trà rau má đựng trong túi lọc và trà rau má sấy khô, bột matcha. Các sản phẩm này đã được bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử của Liên minh HTX của tỉnh Thừa Thiên - Huế thông qua hệ thống Shopee và Lazada.

Năm 2020, sản phẩm “trà rau má Quảng Thọ” đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là 1 trong 17 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 4 sao. Bộ sản phẩm bột matcha rau má của HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 cũng đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021.

Đẩy mạnh chuyển đổi HTX số trong xây dựng NTM

Thời gian qua, một số địa phương trên cả nước đang đẩy mạnh chuyển đổi HTX số trong xây dựng NTM. Tại Bắc Giang, đại diện Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt 52 nhóm sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng để tập trung sản xuất hàng hóa.

Bên cạnh đó, tỉnh có 180 sản phẩm OCOP là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương của tỉnh; có xuất xứ rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, được người tiêu dùng đánh giá cao. Đây chính là dư địa lớn cho chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đó, tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ nông dân, HTX sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Giang; trong đó hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX, tổ hợp tác đăng ký tham gia 2 Sàn thương mại điện tử (Postmart.vn và Voso.vn) để kết nối, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Vụ Bưu chính - Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản trên “Gian hàng Việt”. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX mở gian hàng trên các sàn thương điện tử (Alibaba.com, San24h.vn, Sendo.vn, Postmart.vn...); thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các Fanpage trên Facebook, landing, zalo…

Trồng rau thủy canh tại HTX rau an toàn Tiến Phát (Bình Thuận)
Trồng rau thủy canh tại HTX rau an toàn Tiến Phát (Bình Thuận)

Còn tại Bình Thuận, thời gian qua, một số HTX nông nghiệp có nguồn nhân lực quản lý và lao động trẻ đã vận dụng chuyển đổi số từ khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (sử dụng hệ thống thiết bị tưới nước, bón phân... tự động, bán tự động cho cây trồng, vật nuôi; sử dụng thiết bị giám sát sâu bệnh thông minh; nhật ký canh tác điện tử, ghi lại nhật ký quá trình canh tác...). Qua đó, có 16 đơn vị kinh tế tập thể đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 - 4 sao, hữu cơ, GlobalGap...

Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp còn kết hợp với các HTX thương mại, tiêu thụ sản phẩm thông qua phương thức thương mại điện tử (facebook, zalo, fanpage... ). Một số HTX còn tự xây dựng, thiết lập hoặc tham gia các trang bán hàng điện tử, kết nối các cửa hàng bán lẻ, tiêu thụ sản phẩm trực tiếp, hội chợ xúc tiến thương mại, giúp ổn định doanh thu và tăng thu nhập đối với thành viên HTX như: HTX Thanh long Hàm Đức, HTX Thanh long Thuận Tiến, HTX Thanh long hữu cơ Phú Hội, HTX rau an toàn Tiến Phát...

Ngoài ra, nhiều HTX được quan tâm, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, tạo lập các mã quét, mã QR để truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm bằng các ứng dụng, phần mềm. Đẩy mạnh việc thanh toán qua các nền tảng trực tuyến, ví điện tử, ngân hàng số (internetbanking), mobile money; sử dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động thanh toán của HTX.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai, qua đó hỗ trợ tích cực các HTX, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, tính đến nay, cả nước có khoảng 29.000 HTX (trong đó trên 19 HTX nông nghiệp, 8.456 HTX phi nông nghiệp, 1.181 Quỹ tín dụng nhân dân)

Trong số trên 19. 000 HTX nông nghiệp có 21% HTX lập kế hoạch tổng thể cho thương mại điện tử; 23% HTX bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử; 21% HTX tạo một website đơn giản; 7% HTX có website được xuất hiện hàng đầu trong kết quả tìm kiếm trên Google; 14% HTX thực hiện livestream; 7% HTX thực hiện quảng cáo trên Facebook…


Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Quyết liệt giải quyết những vấn đề trọng tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC

Kiên Giang: Quyết liệt giải quyết những vấn đề trọng tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC

Tỉnh Kiên Giang đang tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách để giải quyết 4 vấn đề trọng tâm trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là chống khai thác IUU). Nỗ lực này không chỉ góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) mà còn là giải pháp để Kiên Giang cấu trúc lại nghề cá minh bạch, trách nhiệm và bền vững.