Ngày 6/3/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS thay thế Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 và Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg ngày 7/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với Người có uy tín trong trong đồng bào DTTS.
Căn cứ tiêu chí, điều kiện lựa chọn Người có uy tín, các địa phương đã chỉ đạo, giao cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các ngành chức năng liên quan tổ chức bình chọn, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách Người có uy tín trên địa bàn tỉnh, thành phố gửi Ủy ban Dân tộc tổng hợp.
Thành phần Người có uy tín được bình chọn rất đa dạng, trong đó phần lớn là các già làng, trưởng thôn bản, cán bộ hưu trí, bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận, người sản xuất, kinh doanh giỏi... Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương năm 2023, trong số 28.538 Người có uy tín, trong đó có: 4.021 cán bộ hưu trí, 3.538 người là Trưởng thôn bản, 2.965 già làng, 1.730 bí thư chi bộ thôn, 1.034 trưởng dòng họ hoặc tộc trưởng, 582 chức sắc trong các tôn giáo, 803 người tham gia thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng (như: Thầy mo, thầy cúng, thầy làng, bà bóng), 128 người là thầy thuốc, nhà giáo, nhân sĩ; 965 người sản xuất kinh doanh giỏi, 93 nghệ nhân dân gian, 12.038 người là đảng viên và 11.367 người là các thành phần khác… Các DTTS đều có Người có uy tín được bình chọn.
Về giới tính và độ tuổi Người có uy tín: Năm 2023, trong số 28.538 Người có uy tín có 25.960 nam (chiếm tỷ lệ 90,97%) và 2.578 (chiếm tỷ lệ 9,03%). Số Người có uy tín dưới 30 tuổi: 86 người (0,3%); từ 30 đến dưới 40 tuổi: 1.167 người (4,09%); từ 40 đến dưới 50 tuổi: 3.034 người (10,63%); từ 50 đến dưới 60 tuổi: 6.560 người (22,97%); từ 60 đến dưới 70 tuổi: 10.685 người (34,44%); từ trên 70 tuổi: 7.006 người (24,55%).
Theo trách nhiệm được Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương vùng DTTS và miền núi đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động cung cấp thông tin cho Người có uy tín với các nội dung, hình thức rất đa dạng, phong phú, như: Hội nghị phổ biến pháp luật; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; tọa đàm trao đổi thông tin; cung cấp các tài liệu, báo chí; tổ chức đi tham quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm với các địa phương khác ở trong tỉnh, Thủ đô Hà Nội và các địa phương khác trong cả nước…
Giai đoạn 2018 - 2022, 52 tỉnh, thành phố đã tổ chức 1.423 hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin cho 89.900 lượt Người có uy tín; tổ chức 984 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho khoảng 58.496 lượt người tham gia; tổ chức 54 cuộc tham quan,
giao lưu học tập kinh nghiệm ở trong huyện cho 1.659 lượt người; tổ chức 298 cuộc tham quan, giao lưu học tập kinh nghiệm trong tỉnh cho 12.811 lượt người; thăm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh khác: 348 cuộc cho 12.069 lượt người; cấp 4 loại báo (gồm: Báo Dân tộc và phát triển; báo địa phương, chuyên trang Dân tộc và Miền núi của Báo Nhân dân và Chuyên đề Dân tộc và Phát triển của Tạp chí Cộng sản); tổ chức 2.841 cuộc cung thông tin khác (như cấp bản tin hoặc các tài liệu, thông tin …) cho 17.508 lượt người… qua đó phổ biến, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời, các đơn vị, địa phương đã tổ chức 3.631 cuộc thăm hỏi, tặng quà cho 149.796 lượt Người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán; 1.648 cuộc với 29.943 lượt người nhân dịp Tết của các DTTS; 10.359 cuộc thăm hỏi, hỗ trợ cho 13.704 lượt người ốm đau; 2.315 cuộc thăm hỏi, trợ cấp cho 5.860 trường hợp gia đình Người có uy tín gặp khó khăn; 3.104 cuộc thăm viếng 3.486 trường hợp Người có uy tín và thân nhân qua đời; 433 cuộc thăm hỏi, hỗ trợ khác cho 6.138 lượt Người có uy tín… Tổ chức 223 hội nghị biểu dương với 20.083 lượt Người có uy tín tham dự và khen thưởng cho 7.487 Người có uy tín với các hình thức và mức độ khen thưởng khác nhau.
Ủy ban Dân tộc đã tổ chức tiếp đón khoảng 300 đoàn đại biểu Người có uy tín của các tỉnh, thành phố với tổng số hơn 8.000 lượt Người có uy tín thăm Thủ đô Hà Nội và làm việc với Ủy ban Dân tộc.
Thông qua thực hiện chế độ, chính sách đối với Người có uy tín đã kịp thời động viên, khích lệ Người có uy tín phát huy vai trò, có nhiều đóng góp tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và là những tấm gương tiêu biểu để đồng bào DTTS tin tưởng, nghe và làm theo, qua đó đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS và miền núi.
Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, việc triển khai thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập cần sớm được khắc phục, như: Tiêu chí, điều kiện lựa chọn Người có uy tín; quy định thủ tục hành chính công nhận và đưa ra khỏi danh sách Người có uy tín chưa phù hợp với thực tế; một số chế độ, chính sách đối với Người có uy tín còn bất cập, định mức chi thấp, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; cơ chế hỗ trợ, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách; quản lý và tổ chức thực hiện chính sách…
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng dự thảo Tờ trình, Quyết định thay thế Quyết định số 12 của Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến các tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Ủy ban Dân tộc.