Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Thấy gì từ những lá thư xin thoát nghèo ở Vĩnh Sơn

T.Nhân-H.Trường - 11:11, 28/05/2025

Xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) là một xã vùng cao, với đa số là người Ba Na, đời sống còn nhiều khó khăn. Thế nhưng gần đây, nhiều gia đình đã mạnh dạn làm đơn xin thoát khỏi diện hộ nghèo, cận nghèo. Việc tự nguyện xin thoát nghèo cho thấy, sự thay đổi lớn trong nhận thức của người dân nơi đây, khi bà con không còn trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Theo UBND xã Vĩnh Sơn, năm 2024, trên địa bàn xã có 377 hộ thoát khỏi hộ nghèo, cận nghèo; đặc biệt, riêng làng K2, qua ghi nhận có đến 21 hộ dân viết đơn xin thoát nghèo (11 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo). Từ đó, chính quyền đã trực tiếp thẩm tra về các chỉ tiêu, thu nhập và mức sống trước khi ghi nhận nguyện vọng, đảm bảo đúng thực tế từng hộ.

Người dân Vĩnh Sơn đã thay đổi nếp nghĩ, không còn trong chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đã tự lực vươn lên thoát nghèo
Người dân Vĩnh Sơn đã thay đổi nếp nghĩ, không còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đã tự lực vươn lên thoát nghèo

Có thể nói, việc người dân ở Vĩnh Sơn mạnh dạn xin thoát nghèo, không chỉ là một vài trường hợp mà đã trở thành phong trào có sức lan toả trong cộng đồng. Được sự giới thiệu của lãnh đạo xã Vĩnh Sơn, chúng tôi tìm đến nhà chị Đinh Thị Kana (25 tuổi, dân tộc Ba Na, ở làng K2) là hộ đầu tiên ở làng đã mạnh dạn làm đơn xin thoát nghèo, dù hoàn cảnh gia đình vẫn còn khó khăn.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn đơn sơ, chị Kana bộc bạch: Vợ chồng mình đã nhiều lần bàn với nhau về việc xin thoát khỏi hộ nghèo, đến tháng 3/2024, vợ chồng thống nhất ra xã để nộp đơn. “Khi viết đơn xin thoát nghèo, hai vợ chồng mình cũng suy nghĩ, đắn đo nhiều lắm. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ rằng, vợ chồng còn trẻ, lại có sức khỏe thì không việc gì cứ bám lấy hộ nghèo thế được, xấu hổ lắm! Từ ngày không còn hộ nghèo, vợ chồng tôi càng có thêm động lực hơn để cố gắng lao động, tự làm lấy cái ăn, không phải dựa dẫm vào ai, tự lực vươn lên mới là điều đáng quý nhất”, chị Kana chia sẻ thêm.

Cũng theo chị Kana, sau khi viết đơn xin thoát nghèo, tưởng chừng như cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn hơn; song, nhờ sự giúp đỡ thường xuyên của các hội, đoàn thể trong làng và quyết tâm tự vươn lên, vợ chồng chị mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện để phát triển kinh tế. 

Với số vốn vay 50 triệu đồng, chị Kana trồng 8 sào keo, 1ha mì. Thời gian rảnh, hai vợ chồng chịu khó đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Chị Kana nhẩm tính: Riêng tiền đi làm thuê, mỗi năm vợ chồng chị thu nhập khoảng 40 - 50 triệu đồng, dù không nhiều nhưng đủ để chăm lo ăn học cho các con. Đến vụ thu hoạch mì, keo thì số tiền sẽ khá hơn, mình để dành trả nợ và tái đầu tư sản xuất.

Ông Đinh Thiếp (ở làng K2, xã Vĩnh Sơn) mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư trồng keo, nuôi bò cho nguồn thu nhập ổn định nên đã tự nguyện xin thoát nghèo
Ông Đinh Thiếp (ở làng K2, xã Vĩnh Sơn) mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư trồng keo, nuôi bò cho nguồn thu nhập ổn định nên đã tự nguyện xin thoát nghèo

Chia tay chị Kana, chúng tôi ghé thăm nhà ông Đinh Thiếp (51 tuổi, dân tộc Ba Na, ở làng K2), cũng là hộ tự nguyện viết đơn xin thoát khỏi diện cận nghèo vào tháng 3/2024. Hỏi về lý do xin thoát nghèo, ông Thiếp chia sẻ: Gia đình hiện có 6 nhân khẩu, trong đó vợ và cha vợ thường xuyên đau ốm, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Tôi nghĩ rằng mình có nhà ở, có đất canh tác thì mình phải tự nỗ lực phát triển kinh tế để vươn lên, vì Nhà nước đã giúp cho gia đình nhiều lắm rồi. Không những thế, tôi còn là một đảng viên, Người có uy tín ở làng thì phải làm gương để bà con trong làng cùng noi theo, không thể cứ bám mãi diện hộ nghèo, cận nghèo.

“Từ ngày trở thành hộ mới thoát nghèo, để kinh tế gia đình ổn định hơn, tránh nguy cơ tái nghèo trở lại, tôi đã vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện trồng 4ha keo, rồi cải tạo đất trồng thêm 2ha mì, 8 sào lúa, nuôi 2 con bò. Nhờ cần cù, chăm chỉ làm ăn, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập trên 90 triệu đồng”, ông Thiếp cho biết thêm.

Hay như trường hợp của chị Đinh Thị Viếc (43, dân tộc Ba Na, ở làng K2), là mẹ đơn thân đang nuôi hai con nhỏ, hoàn cảnh khó khăn. Cuốn sổ hộ nghèo được chị gìn giữ nhiều năm qua như tài sản quý, bởi nhờ đó gia đình hưởng nhiều chính sách ưu đãi như miễn giảm học phí, tiền điện, BHYT… nhưng chị nghĩ mình còn sức khoẻ, có thể tự lao động để vươn lên nên chị viết đơn xin thoát nghèo.

Chị Đinh Thị Viếc (ở làng K2) được UBND xã Vĩnh Sơn hỗ trợ bò từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống và đã viết đơn xin thoát nghèo
Chị Đinh Thị Viếc (ở làng K2) được UBND xã Vĩnh Sơn hỗ trợ bò từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống và đã viết đơn xin thoát nghèo

Chị Viếc tâm sự: Nhiều năm thiếu thốn, tôi từng sợ mất hỗ trợ, nhưng nghĩ lại, còn sức khỏe, có đất, không thể cứ trông chờ, phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Nhà Nước. Xin ra khỏi diện hộ cận nghèo là mất sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng tôi cũng lấy đó làm động lực vươn lên, mình có sức khỏe còn làm được nhiều thứ, chứ ở đây vẫn còn nhiều hộ thật sự khó khăn cần được hỗ trợ để vươn lên trong cuộc sống.

Ông Đinh Khánh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho hay: Những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên đã xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại của bà con vào những chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Việc nhiều hộ dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo đã khẳng định được sự đổi thay lớn về nhận thức, trong cách nghĩ, nếp làm, lao động sản xuất. Cụ thể, người dân đã biết vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện để phát triển nghề nuôi trâu, bò sinh sản, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng những loại cây khác như cà phê, chè dây, mắc ca…, nhờ đó, bà con có thu nhập ổn định, tỷ lệ hộ nghèo của xã được kéo giảm đáng kể.

Trao đổi với phóng viên về công tác hỗ trợ, giúp người dân thoát nghèo bền vững, ông Tô Hiếu Trung, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho rằng: Để giúp người dân thoát nghèo, nhất là tránh tình trạng tái nghèo trở lại, Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Sơn cần tăng cường khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống của hộ nghèo, cận nghèo và các hộ viết đơn xin thoát nghèo để có những biện pháp hỗ trợ cụ thể, nhất là tận dụng nguồn vốn từ các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giảm nghèo bền vững để hỗ trợ cho người dân.

Đặc biệt, phải khuyến khích người dân mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, tham gia xuất khẩu lao động. Cán bộ địa phương ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo chuyển biến về nhận thức trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý thức vươn lên thoát nghèo của các hộ dân.

"Cần phải tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn chính sách, triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả và tận tình hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và năng động tìm đầu ra cho các sản phẩm địa phương”, ông Trung nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Bình, Quảng Trị thống nhất phương án sau sáp nhập: Bố trí cán bộ cấp xã ưu tiên cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS

Quảng Bình, Quảng Trị thống nhất phương án sau sáp nhập: Bố trí cán bộ cấp xã ưu tiên cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS

Thông tin từ Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, Trưởng ban Chỉ đạo hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang đã ký ban hành Kết luận tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.