Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thấy gì từ việc sửa đổi tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa bàn khó khăn?

Sỹ Hào - 07:19, 08/03/2024

Theo Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 về việc sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025, các xã khu vực II, khu vực III vùng đồng bào DTTS và miền núi được áp dụng bộ tiêu chí NTM của khu vực Trung du miền núi phía Bắc để xét đạt chuẩn. Việc điều chỉnh này nhằm khuyến khích các địa bàn khó khăn nỗ lực hơn để “về đích” NTM; nhưng từ thực tế ở một số xã khu vực I hiện nay, liệu rằng các xã khu vực II, khu vực III có bị “chín ép” trên hành trình xây dựng NTM?

Thấy gì từ việc sửa đổi tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa bàn khó khăn?
Trụ sở hành chính đã cũ kỹ là công trình hạ tầng nổi bật tại trung tâm xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Đã “về đích” vẫn muôn vàn khó khăn

Phan Lâm là xã miền núi của huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận, có đông đồng bào DTTS. Toàn xã có gần 700 hộ; gồm 8 dân tộc anh em sùng sinh sống, trong đó hơn 80% dân số là dân tộc Raglay, còn lại là K’Ho, Chăm, Kinh, Nùng, Hoa, Châu Ro...

Đây là một trong những xã vùng cao khó khăn nhất huyện Bắc Bình, diện tích đất tự nhiên lớn nhất huyện, nhưng đất sản xuất nông nghiệp ít do địa hình nhiều núi cao. Kế hoạch thu ngân sách hằng năm trên địa bàn xã được giao chưa đến 6 tỷ đồng/năm. Thu nhập của xã mới đạt khoảng 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo gần 40%, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2025.

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, xã khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 là xã có 1 trong 2 tiêu chí sau: Có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%; đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Khi được xác định là xã khu vực I thì không được hưởng các chính sách đầu tư, hỗ trợ áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II.

Với những thông số đó, đến Phan Lâm, thật khó có thể tin xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2016 – 2020, nếu như không được nghe chính ông Mang Xoa – Bí thư Đảng ủy xã Phan Lâm, xác nhận. Về hạ tầng, ngay trung tâm xã, nổi bật nhất cũng chỉ là trụ sở hành chính đã cũ kỹ - nơi làm việc của Đảng ủy, UBND, Công an xã,... Trước trụ sở hành chính xã là hàng chục ngôi nhà tái định cư cho đồng bào; giữa trưa vẫn im ỉm khóa vì bà con còn đi rẫy.

Nhắc đến những khó khăn của xã, ông Mang Xoa - Bí thư Đảng ủy xã, bày tỏ sự tiếc nuối vì xã hiện đang “hụt” đi nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Phan Lâm xã khu vực I (xã bước đầu phát triển). Vì thế, xã không thuộc địa bàn đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719).

“Xã đã thoát nghèo, nhưng chắc là có thôn đặc biệt khó khăn chứ?” – Trả lời câu hỏi của phóng viên là sự im lặng, thoáng chút bối rối của ông Bí thư Đảng ủy xã Phan Lâm.

Một lúc sau, ông mới cho hay, Phan Lâm không có đơn vị hành hành chính cấp thôn. Để thuận tiện quản lý thì xã thành lập 6 tổ tự quản. Đây không phải đơn vị hành chính nên không đủ điều kiện để cấp có thẩm quyền xem xét có đặc biệt khó khăn hay không.

“Nhiều năm trước, xã đã xây dựng đề án thành lập đơn vị hành chính cấp thôn, gửi huyện, gửi tỉnh xét duyệt. Nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua”, ông Mang Xoa nói.

Liệu có “chín ép”?

Giai đoạn 2021 – 2025, cùng với Phan Lâm (huyện Bắc Bình), xã Phan Dũng (huyện Tuy Phong) cũng là xã khu vực I vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Bình Thuận theo Quyết định số 861/QĐ-TTg. Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là 02 xã duy nhất thực hiện mô hình xã không có thôn theo Đề án sắp xếp thôn, khu phố của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2019 – 2021; từ nay đến năm 2030, theo kế hoạch, tỉnh Bình Thuận sẽ xem xét, đánh giá mô hình này.

Thấy gì từ việc sửa đổi tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa bàn khó khăn? 1
Trạm Y tế xã Phan Dũng (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã xuống cấp, sẽ được đầu tư, sửa chữa trong thời gian tới từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM. giai đoạn 2021 - 2025.

Là xã khu vực I, lại không có thôn nên cả Phan Lâm, Phan Dũng đều nằm ngoài địa bàn đầu tư của Chương trình MTQG 1719; trong khi đây là 02 xã thuần đồng bào DTTS, điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng. Ở xã Phan Lâm và xã Phan Dũng, nhiều công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh đã xuống cấp trầm trọng, cần được đầu tư, nâng cấp.

Để đầu tư công trình hạ tầng cho Phan Lâm, Phan Dũng, UBND tỉnh Bình Thuận đang vận dụng nhiều nguồn vốn. Riêng tại Phan Dũng, năm 2024, công trình trường Tiểu học của xã sẽ được bố trí hơn 3,78 tỷ đồng từ nguồn vốn xổ số kiến thiết để đầu tư, nâng cấp theo Nghị quyết số 84/NQ-HĐND ngày 25/12/2023 của HĐND tỉnh Bình Thuận; hạng mục đường giao thông giai đoạn 2 của Khu dân cư mới xã Phan Dũng đang được tính toán sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025;...

Được biết, Phan Lâm và Phan Dũng là hai xã đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 318/QĐ-TTg, ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Chiếu theo bộ tiêu chí này thì hành trình “về đích’ NTM của hai xã đều rất gian nan.

Không tính các tiêu chí ‘cứng” về hạ tầng, chỉ riêng thực hiện tiêu chí thu nhập cũng đã là một bài toán không dễ giải. Theo Quyết định số 318/QĐ-TTg, do thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ nên Phan Lâm và Phan Dũng muốn đạt chuẩn NTM vào năm 2025 thì thu nhập bình quân tối thiểu 53 triệu đồng/người/năm. Còn phấn đấu “về đích” trong năm 2024 thì phải đạt tối thiểu 45 triệu đồng/người/năm. Đây là mục tiêu không dễ thực hiện trong bối cảnh cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của cả hai xã còn thiếu và yếu, điều kiện tự nhiên không thuận lợi...

Phan Lâm và Phan Dũng là hai trong 25 xã khu vực I vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh Bình Thuận theo Quyết định số 861/QĐ-TTg. Cũng theo quyết định này, tỉnh Bình Thuận có 3 xã khu vực II (xã Phan Tiến của huyện Bắc Bình; xã Đông Tiến, xã Đông Giang của huyện Hàm Thuận Bắc) và 3 xã khu vực III (xã La Dạ của huyện Hàm Thuận Bắc; xã Mỹ Thạnh của huyện Hàm Thuận Nam; xã La Ngâu của huyện Tánh Linh).

Thấy gì từ việc sửa đổi tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa bàn khó khăn? 2
Hàng chục ngôi nhà tái định cư cho đồng bào được xây dựng từ nhiều năm trước tại trung tâm xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Với các xã khu vực I như Phan Lâm, Phan Dũng, việc xây dựng NTM đã khó khăn thì các xã khu vực II, khu vực III của tỉnh Bình Thuận lại càng gian nan hơn. Đây cũng là bài toán không dễ giải của 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III thuộc 51 tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg.

Để khuyến khích, tạo động lực xây dựng NTM ở vùng khó khăn, ngày 1/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 về việc sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025. Theo, các xã khu vực II, khu vực III vùng đồng bào DTTS và miền núi được áp dụng bộ tiêu chí NTM của khu vực Trung du miền núi phía Bắc để xét đạt chuẩn.

Chiếu theo quy định này, một số chỉ tiêu xây dựng NTM ở các xã khu vực II, khu vực III vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ thấp hơn mức bình quân chung cả nước; riêng chỉ tiêu về thu nhập bình quân được giảm xuống mức tối thiểu đạt 36 triệu đồng/người/năm. 

Với việc điều chỉnh này, hành trình “về đích” NTM của các xã khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ được rút ngắn hơn. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế của xã Phan Lâm và xã Phan Dũng của tỉnh Bình Thuận – là những xã khu vực I, thì những xã khu vực III, khu vực II sẽ có những gì mới sau khi đạt chuẩn, hay chỉ nhằm cố đạt cho được?.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.