Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Thầy trò Chiềng Sơ bất an vì trường lớp xập xệ

PV - 11:05, 11/01/2019

Nhiều năm qua, thầy và trò Trường Tiểu học Chiềng Sơ, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên phải gồng mình giảng dạy và học tập trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn: không phòng làm việc, không nhà công vụ và thiếu những lớp học kiên cố, nhà ăn, ở bán trú, nhà vệ sinh…

Chiềng Sơ Những lớp học ở Chiềng Sơ đã xuống cấp chưa được sửa sang lại.

Trường Tiểu học Chiềng Sơ nằm giữa lưng chừng núi, ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, nơi đây có hơn 700 học sinh đang theo học. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu phòng học, phòng ăn, nhà ăn bán trú và các vật dụng sinh hoạt như: bát đũa, xoong nồi, chăn màn nên nhà trường mới bố trí tạm cho gần 350 em ở bán trú tại điểm trường trung tâm. Các em còn lại đang phải học tập tại 10 điểm bản xa xôi cách trường chính gần 20 cây số. Ở đó chỉ là những phòng học nền đất, dựng bằng vách nứa, thân gỗ, mái tranh.

Tiếp chúng tôi trong phòng làm việc tập thể, thầy Nguyễn Đức Long, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Sơ tỏ ra ái ngại. Thầy giải thích, do cơ sở vật chất khó khăn, Nhà trường chưa bố trí được các phòng chức năng riêng nên đành gộp tất cả Ban Giám hiệu, kế toán, công đoàn và các bộ phận khác vào làm việc chung trong căn phòng rộng hơn chục m2 này. Những năm gần đây, được sự giúp đỡ của các tổ chức hội, mạnh thường quân cùng sự nỗ lực, Nhà trường đã xây được 9 phòng học đạt tiêu chuẩn 3 cứng (phòng có nền bê tông, tường xây lửng và mái tôn). Dẫu là nhà 3 cứng nhưng mùa Đông, gió vẫn lùa từng cơn khiến các em rét run bần bật, mặt mày lạnh tê tái. Rồi khi mưa rào đổ bất chợt thì hắt ướt hết sách vở, đồ dùng học tập, mùa Hè đến lại nóng như đổ mỡ.

Cũng vì gặp khó khăn về cơ sở vật chất nên việc bố trí những phòng học chức năng, giúp các em làm quen với máy chiếu, máy vi tính hay tủ sách tham khảo vô cùng khó khăn, đây là thiệt thòi lớn đối với các em học sinh ở Chiềng Sơ.

Em Lò Thị Thủy, học sinh lớp 4a cho biết: “Chúng em được ở đây thích hơn ở nhà, thầy cô rất quan tâm, chăm sóc và được ăn uống đầy đủ. Nhưng khó nhất là mùa Hè, khi chúng em phải nằm ghép hai người 1 giường lại không có quạt nên rất nóng. Bây giờ mùa Đông, gia đình em rất khó khăn nên không có chăn màn mang đến trường. Được thầy cô cho 2 bạn mượn một chiếc chăn nhưng mùa Đông ở đây lạnh lắm, em không ngủ được. Có bạn không có chăn nằm co ro, khi đó thầy cô lại mang chăn của mình cho các bạn ấy mượn”.

Mùa Đông ở vùng cao thường rất lạnh, nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Chứng kiến cảnh các em phải học tập, sinh hoạt trong môi trường khó khăn, thiếu thốn mà vẫn chăm chỉ đến lớp, các thầy cô tuy chạnh lòng nhưng lại lấy đó là niềm động viên để thêm quyết tâm bám trụ lại với trường lớp.

Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất cho học sinh mà ngay cả 53 giáo viên lên công tác, Nhà trường cũng không bố trí được nhà công vụ cho giáo viên. Cô giáo Nguyễn Thị An, quê ở Thái Bình tâm sự, 8 năm lên công tác là quãng thời gian bộn bề khó khăn, đường sá đi lại vất vả, cơ sở vật chất Nhà trường lại thiếu thốn, nên để đảm bảo công tác dạy học, mình và các giáo viên khác phải thuê nhà người dân để ở. Đến nay khi lập gia đình ngoài thành phố, có 2 cháu rồi nhưng do điều kiện và hoàn cảnh nên vợ chồng, con cái mỗi người một nơi, cả tháng gia đình mới gặp nhau 1 lần.

Chia tay thầy và trò Chiềng Sơ, hình ảnh về ngôi trường với những lớp học tạm xiêu vẹo đã xuống cấp nghiêm trọng cứ ám ảnh chúng tôi. Nhưng vượt lên tất cả thầy và trò nơi đây vẫn kiên định bám trường, bám lớp để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

NAM HƯƠNG - VINH DUY

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Ninh Thuận là nơi có lượng mưa thấp nhất trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp luôn gặp tình trạng khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến cây hoa màu. Với khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất khô hạn, anh Lưu Trường Lâm, dân tộc Chăm, chủ cơ sở Farm Bazô đã chủ động chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây tre lấy măng. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của cơ sở Farm Bazô mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được nỗi lo của người nông dân sinh sống ở vùng đất nắng.