Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Thêm động lực cho tình yêu văn hóa cồng chiêng

Đạt Thành Nhân - 10:37, 08/11/2019

Đối với cộng đồng DTTS, cồng chiêng luôn chiếm một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần. Tuy nhiên, qua thời gian, do bị thất lạc, hư hỏng nên vào dịp lễ hội, làng này phải đến làng khác để mượn chiêng nên gây khó khăn trong việc bảo tồn loại nhạc cụ truyền thống độc đáo này.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao cồng chiêng cho các làng đồng bào DTTS cuối năm 2018.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao cồng chiêng cho các làng đồng bào DTTS cuối năm 2018.

Năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ cồng chiêng cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Sau khi trao 119 bộ cồng chiêng cho 119 làng đồng bào DTTS vào cuối năm 2018, Ban Dân tộc tỉnh đang tiếp tục chọn nhà thầu để thực hiện Chương trình hỗ trợ cồng chiêng cho 13 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú của tỉnh. Chương trình hướng tới mục tiêu vun xới, bồi đắp tình yêu văn hóa truyền thống cho thanh, thiếu niên.

Ông Đinh Văn Lung, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, chia sẻ: Trong dịp trao tặng cồng chiêng cho các làng, lãnh đạo các địa phương, nghệ nhân và các trường ngỏ ý đề nghị tỉnh tặng cho mỗi trường một bộ cồng chiêng. Đề nghị này được Tỉnh ủy đồng ý. Từ đó chúng tôi tiếp tục thực hiện chương trình trao tặng 14 bộ cồng chiêng cho 13 trường học. Việc trao tặng cồng chiêng cho các làng, chúng tôi cũng dựa trên đặc điểm cồng chiêng của từng dân tộc như Ba Na, Chăm, H’rê để tặng cho các trường của con em dân tộc đó theo học. Chương trình giúp các em có cồng chiêng để sinh hoạt ngoại khóa tại trường, có điều kiện để thành lập các CLB cồng chiêng, không phải vất vả vào làng mượn cồng chiêng của các nghệ nhân.

Theo kế hoạch, 14 bộ cồng chiêng lần này sẽ được trao tặng cho 13 trường ở các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Tây Sơn, Hoài Ân và Trường PTDTNT - THPT Bình Định.

Bà Cù Thị Hồng Diện, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT - THPT Bình Định phấn khởi chia sẻ: “Được tin trường sẽ được tặng 2 bộ cồng chiêng, cả thầy và trò trường tôi rất háo hức. Có 2 bộ cồng chiêng, học sinh của trường có thêm điều kiện để luyện tập, trình diễn cồng chiêng của dân tộc mình, vừa có thể giao lưu với bạn bè. Những buổi sinh hoạt ngoại khóa, chương trình văn nghệ của nhà trường sẽ thêm đậm đà bản sắc Ba Na và H’rê”.

Còn ông Từ Kim Lân, Hiệu trưởng Trường PTDTNT-THCS&THPT Vĩnh Thạnh cho hay: Hằng năm, nhà trường vẫn duy trì phòng truyền thống và đội cồng chiêng của trường. Cứ đầu mỗi năm học, trường đều mời nghệ nhân đến giảng dạy, luyện tập để các em đã biết thì thêm giỏi, còn các em mới vào chưa biết có thể dễ dàng học tập và sinh hoạt cùng nhau. Chúng tôi rất vui mừng khi biết tin sẽ được tỉnh tặng cồng chiêng. Có thêm một bộ cồng chiêng nghĩa là các em sẽ được tăng thêm thời gian luyện tập, có thêm cơ hội để trình tấu để góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống.

Có thể nói, hỗ trợ cồng chiêng là một chương trình mang nhiều ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với việc bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào DTTS. Ông Nguyễn Kim Huynh, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú huyện Tây Sơn, bày tỏ: Được tặng cồng chiêng, các em sẽ có điều kiện luyện tập nhiều hơn, lan tỏa hoạt động luyện tập cồng chiêng hơn nữa. Chúng tôi hy vọng sẽ được hỗ trợ xây dựng phòng chức năng để các em có nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống thoải mái hơn.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định: Trong thời gian qua, việc ban hành chính sách hỗ trợ cồng chiêng cho các làng đồng bào DTTS và các trường học cũng mang nhiều ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS.

“Cồng chiêng không chỉ là một loại hình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc mà còn đóng góp nhiều lợi ích thiết thực trong đời sống của bà con. Thông qua các lễ hội văn hóa, các buổi sinh hoạt cồng chiêng, chúng ta có thể bảo tồn những giá trị văn hóa với bản sắc riêng của mỗi dân tộc, truyền đạt tốt hơn cho thế hệ trẻ về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đời sống tinh thần được nâng cao sẽ giúp bà con ổn định cuộc sống, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương, phát triển kinh tế”, ông Trần Châu khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Hai Nghệ nhân Nhân dân tiêu biểu của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng

Hai Nghệ nhân Nhân dân tiêu biểu của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh tập trung khá đông đồng bào Khmer sinh sống (tỷ lệ trên 30%). Đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, giàu bản sắc, được truyền nối qua nhiều thế hệ. Trong cộng đồng có những hạt nhân ưu tú đã và đang miệt mài, cần mẫn đóng góp tâm sức để làm giàu cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc, tiêu biểu như hai Nghệ nhân Nhân dân Châu Ôn và Lý Lết.