Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Thiêng liêng Hội thề

Nguyễn Thanh - 20:57, 16/05/2022

Dưới chân núi Coc Tăng (Cooc La Phăng Xông) gần 80 năm trước, người Pa Cô, Vân Kiều nơi đại ngàn Trường Sơn đã tổ chức Hội thề thiêng liêng. Những người già đã thề với Giàng, với rừng núi trọn đời theo Đảng, theo Bác Hồ; nguyện lấy họ Bác Hồ làm họ chung cho cả hai dân tộc. Với họ, hội thề thiêng liêng ấy đã trở thành niềm tin son sắt, thành mạch nguồn cuộc sống cho hôm nay và mãi mãi mai sau.

Bàn thờ Bác Hồ trong gia đình anh Niên
Bàn thờ Bác Hồ trong gia đình anh Niên

Cội nguồn dòng họ Hồ trên đỉnh Trường Sơn

Nơi sinh sống tập trung của người Vân Kiều, Pa Cô... là vùng đại ngàn Trường Sơn, thuộc ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Những già làng kể lại rằng, xưa kia người Vân Kiều, Pa Cô sống biệt lập nơi rừng hoang núi vắng, với những tập quán lạc hậu. Nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, họ đã tự lập làng, lập bản để dần hòa nhập với cộng đồng.

Có lẽ, trong cuộc đời của người Pa Cô, Vân Kiều, sự kiện thiêng liêng nhất là Hội thề ngày 26/6/1946, lúc này là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày ấy, các già làng đã tự nguyện tụ họp dưới chân núi  Cooc Tăng, tổ chức lễ ăn thề, rồi thề với Giàng, với rừng núi rằng: Người Vân Kiều, Pa Cô mãi mãi đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Nguyện lấy họ Bác Hồ làm họ chung cho cả hai dân tộc.

Tuy nhiên, mãi đến ngày 16/6/1957, đúng dịp Bác Hồ vào thăm tuyến lửa Quảng Bình, hay tin, người  Pa Cô, Vân Kiều,ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã cử ông Hồ Ray, lúc đó đang phụ trách công tác dân tộc ở Quảng Trị, cùng ông Hồ Khăm, Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh), đại diện cho người Pa Cô, Vân Kiều, đến gặp Bác, để xin cho người Vân Kiều, Pa Cô được mang họ của Bác. Được Bác Hồ đồng ý, tin vui ấy đã lan nhanh hơn những cơn gió trên đại ngàn, mà len lỏi đến tận mỗi buôn làng, hòa trong niềm vui của bà con dân bản.

Dẫu chưa một lần được gặp Bác, nhưng những chàng trai, cô gái Pa Kô, Vân Kiều đã mang họ Hồ và tham gia kháng chiến trên mặt trận đường 9, trên cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại; để lại tên tuổi trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Quảng Trị như: Hồ Ray, Hồ Tơ, Hồ Hăng, Hồ Thiên, Võ Tá Khỉn, Hồ Cam, Hồ Hương…

Anh hùng LLVTND Hồ Vai (trái) kể về những lần gặp Bác và được Bác đặt họ Hồ
Anh hùng LLVTND Hồ Vai (trái) kể về những lần gặp Bác và được Bác đặt họ Hồ

Còn với Anh hùng LLVTND Hồ Vai (A Vai) sinh năm 1940, nay sống tại TDP 4, thị trấn A Lưới (Thừa Thiên - Huế), rất đỗi hãnh diện, tự hào vì nhiều lần được gặp Bác. Tôi từng có chuyến ngược rừng lên huyện giáp biên A Lưới (Thừa Thiên - Huế) vào giữa năm 2021, gặp chàng giải phóng quân đánh Mỹ năm xưa - Hồ Vai.

Lần ấy, ông Hồ Vai đã kể: Tôi đã 4 lần được gặp Bác Hồ, cùng ăn cơm, nói chuyện với Bác. Lần đầu gặp Bác vào năm 1965, tôi vinh dự cùng đoàn Anh hùng miền Nam ra thăm Bác. Là người DTTS duy nhất trong đoàn, tôi được Bác Hồ quan tâm, nói chuyện nhiều nhất và tôi cũng tự hào được Bác đặt họ Hồ.

Cội nguồn của dòng họ Hồ với người Pa Cô, Vân Kiều là cả một câu chuyện dài đầy xúc động. Cho mãi đến hôm nay và chắc chắn mai sau, bao thế hệ nối tiếp của người Pa Cô, Vân Kiều, cũng sẽ vẫn mang họ Hồ của Bác như niềm tin sắt son với Đảng, với Bác không bao giờ với cạn.

Dưới những mái nhà sàn

Mỗi độ tháng 6 về, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô trên đại ngàn Trường Sơn lại tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày mang họ Bác Hồ. Lễ hội được tổ chức trang trọng, bày tỏ lòng thành kính, mến yêu của đồng bào đối với Bác. Trong những ngày đó, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được diễn ra khắp các bản làng miền biên viễn.

Đồng bào các DTTS huyện vùng cao A Lưới luôn tự hào khi mang họ Hồ của Bác
Đồng bào DTTS huyện vùng cao A Lưới luôn tự hào khi mang họ Hồ của Bác

Tôi đã đi qua nhiều bản làng giáp biên từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế và nhận ra rằng, dưới mỗi nhà sàn của người Pa Cô, Vân Kiều đều có hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu. Người Pa cô, Vân Kiều thờ tự Bác ở nơi trang trọng như thờ tự tổ tiên, ông bà của mình. Chỉ nhìn thôi cũng đã thấu hiểu được tấm lòng của người con Pa Cô, Vân Kiều đối với Bác. Tình yêu đối với vị lãnh tụ của dân tộc xanh như núi rừng Trường Sơn, trong như nước suối nguồn.

Là thế hệ thanh niên thời đại mới, anh Hồ Viên Niên, người Pa Cô ở thôn Tà Rụt, xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị), đã dành một nơi trang nghiêm nhất trong căn nhà của mình đề thờ Hồ Chủ Tịch.

Anh Niên trải lòng: Từ thời ông, tôi đã nghe kể chuyện Bác Hồ, đã thấy gia đình thờ Bác Hồ. Đến bố tôi và giờ đến tôi cũng vậy. Không có Bác Hồ ai đem lại tự do cho dân tộc, trong đó có người Pa Cô chúng tôi.

Đi qua nhiều bản làng Vân Kiều, Pa Cô ở vùng Bình Trị Thiên, mới thấy và thấu được tình yêu của đồng bào đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là mối tình son sắt như từ ngữ của ông Hồ Đào, người Vân Kiều, già làng thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), tâm sự: Nếu nói sự kính trọng, biết ơn của đồng bào DTTS ở Quảng Trị đối với Bác thôi là chưa đủ, mà đó là tình yêu, một tình yêu đặc biệt, của rất nhiều người dành cho một người đó là Bác Hồ. Không những yêu một ngày, yêu hai ngày mà yêu nhiều đời, mãi mãi như nước sông cứ chảy không ngừng nghỉ.

Được mang họ Bác, đồng bào Pa Cô, Vân Kiều đã không ngừng học tập, lao động và sống theo tấm gương đạo đức của Người để xây dựng gia đình hạnh phúc, bản làng ấm no, quê hương giàu đẹp. 

Dọc tuyến đường 9, đường Hồ Chí Minh nhánh đông và nhánh tây, là những bản làng no ấm, bình yên của người Pa Cô, Vân Kiều. Các huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Đakrông, Hướng Hóa (Quảng Trị)…, nơi có hơn 80% đồng bào Pa Cô, Vân Kiều thì thu nhập bình quân mỗi năm đã hơn 21 triệu đồng trở lên.

Anh Hồ Viết Ái, Trưởng phòng dân tộc huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) khẳng định: Cùng với phát triển kinh tế, là phải giữ vững an ninh chính trị. A Lưới là huyện biên giới, đồng bào tập trung làm ăn, nhưng vẫn luôn nhớ giữ nước. Đảng, Bác Hồ và các thế hệ cha ông đã chiến đấu, đem lại độc lập tự do thì mình phải giữ lấy.

Tháng năm về, rừng Trường Sơn miên man gió hát. Trong bạt ngàn màu xanh của chuối, của tiêu, của cao su, keo lai… không chỉ hiện hữu cuộc sống mới tươi đẹp, bình yên. Mà  trong những bản làng, dưới những mái nhà sàn chứa đựng tình yêu và tấm lòng của rất nhiều thế hệ đã dành trọn cho Đảng, cho Bác. Tình yêu ấy đã trở thành niềm tin son sắt, thành mạch nguồn của lẽ sống hôm nay và mãi mãi mai sau.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.