Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Thổ cẩm "kể chuyện"

Hồng Minh - 11:11, 15/03/2021

Mỗi tấm vải thổ cẩm được sinh ra không chỉ là sản phẩm vật chất, mà còn mang giá trị tinh thần, thể hiện bản sắc riêng của văn hóa từng dân tộc. Ở đó là những câu chuyện về đời sống, văn hóa, điển tích, thần thoại… gắn với cách nghĩ, nếp sống của cả một cộng đồng dân tộc. Thổ cẩm khi gắn liền với những câu chuyện trở nên mới mẻ, sống động, phản ánh rõ nét hơn bức tranh chân thực về đời sống của đồng bào DTTS.

Nghệ nhân Vàng Thị Mai và gian hàng trưng bày các sản phẩm thổ cẩm của HTX dệt thổ cẩm Lùng Tám
Nghệ nhân Vàng Thị Mai và gian hàng trưng bày các sản phẩm thổ cẩm của HTX dệt lanh thổ cẩm Hợp Tiến

Vẫn những chiếc túi ví thổ cẩm, váy áo nhiều màu sắc của người Mông, nhưng trong câu chuyện của bà Vàng Thị Mai, Chủ nhiệm HTX dệt lanh thổ cẩm Hợp Tiến ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang), dường như có một dòng chảy văn hóa người Mông sống động.

 “Hình xoắn ốc - biểu tượng của người mẹ đơn thân thường được thêu trên những chiếc ví tiền. Hình hoa đối xứng là biểu tượng gia đình hạnh phúc, thường thêu trên vỏ chăn gối. Nhờ vậy, sản phẩm của đồng bào dân tộc hấp dẫn hơn, khiến nhiều người tò mò và hứng thú với ý nghĩa của những hình thêu”, bà Mai cho biết.

Cầm tấm thổ cẩm trên tay, bà Vàng Thị Mai thấm thía hơn ai hết câu chuyện từ những hình vẽ. Hình vẽ ấy không chỉ là một sản phẩm, đó còn là câu chuyện thăng trầm trong cuộc đời những người đàn bà DTTS trên cổng trời cao nguyên đá. Đó là nỗi khổ của người phụ nữ đơn thân nuôi con cần một nguồn sống; là sự nhẫn nhịn của người phụ nữ trong gia đình…

Mỗi hình vẽ trên tấm dệt thổ cẩm của người phụ nữ Mông xã Lùng Tám, đều mang trên mình câu chuyện, lịch sử quý giá.
Mỗi hình vẽ trên tấm dệt thổ cẩm của người phụ nữ Mông xã Lùng Tám, đều mang trên mình câu chuyện, lịch sử quý giá.
Còn đối với tấm thổ cẩm của người dân tộc Mường, câu chuyện đằng sau đó lại thể hiện cho một sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng.

Bà Phạm Thị Sơn, dân tộc Mường đến từ Thanh Hóa, lý giải: “Những hoa văn thổ cẩm là cái móc liên kết các thành viên trong cộng đồng dân tộc Mường với nhau. Nó cũng là móc xích thời gian từ ngày này qua ngày khác, cũng là biểu tượng hạnh phúc của các đôi vợ chồng. Từ xưa tới nay, người Mường luôn gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ con cháu câu chuyện về nguồn gốc hoa văn thổ cẩm dân tộc, nhắc đến trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước” được kể trong các sự kiện trọng đại của người Mường. Hoa văn được dệt vào cạp váy, chăn, khăn, áo, đệm gối… là của hồi môn của người con gái khi về nhà chồng”.

Và rồi từ những tấm thổ cẩm mộc mạc ấy, khi có cơ hội chúng sẽ được tỏa sáng ở một không gian lớn hơn. Đó là câu chuyện của người phụ nữ dân tộc Dao Lý Tả Mẩy, thôn Lủ Khấu, Tả Phìn, thị xã Sa Pa, Lào Cai.

Bàn tay người phụ nữ Dao tiền ở huyện Đà Bắc, Hòa Bình đang in họa tiết lên tấm thổ cẩm
Bàn tay người phụ nữ Dao tiền ở huyện Đà Bắc, Hòa Bình đang in họa tiết lên tấm thổ cẩm.

Cũng như bao người phụ nữ Dao khác, bà Mẩy chăm chỉ dệt áo mặc cho mình, rồi đến một ngày có người phụ nữ Pháp tìm đến và nói rằng, những chiếc áo của bà rất “hợp gu” châu Âu. 

Và rồi, từ chiếc áo cánh người Dao, giờ đây lại có thể khiến người ta trở nên hiện đại như thế. Bà đã biết cách cải tiến đi một chút, cái áo truyền thống tà kéo lại, hoa văn vẽ lại một chút, bà gọi đó là áo cải biên. Những chiếc áo đó, đã mở ra thị trường tiêu thụ cho thổ cẩm của người Dao do bà làm ra. Bà Mẩy nói, năm nay, bà vẫn gửi hàng đều đặn đi châu Âu, doanh số không kém so với trước dịch Covid-19 là bao nhiêu.

Những câu chuyện trên, chỉ là một phần nhỏ trong muôn vàn những câu chuyện ẩn đằng sau mỗi tấm thổ cẩm của đồng bào các DTTS. Thật thiêng liêng, hạnh phúc biết bao khi được mặc lên mình những bộ trang phục có một ý nghĩa văn hóa ngàn đời truyền lại. Không ai trong số người dệt nên tấm thổ cẩm đó là nhà thiết kế thời trang, và những sản phẩm của họ cũng không phải là bộ sưu tập cầu kỳ. Nhưng chính mỗi câu chuyện, mỗi hoàn cảnh lại tạo ra một giá trị đặc trưng để thổ cẩm không lẫn vào đâu được.

 Và rồi, những mảnh vải đậm màu sắc núi rừng đó sẽ xuống phố, sẽ ra biển, sẽ đi nhiều nơi, luôn rực rỡ sắc màu, chân thực cuộc sống như chính cách mà đồng bào DTTS tạo ra nó...

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.