Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

"Thợ xây" áo lính

An Yên - 07:29, 24/07/2024

Nếu không mặc bộ trang phục người lính, thì hẳn ai cũng nghĩ họ là những thợ xây chuyên nghiệp. Bao năm qua, từ những công trình, phần việc thiết thực của người lính Biên phòng dành cho đồng bào, càng ghi nhận hơn về tình cảm, tinh thần trách nhiệm của người lính đang tiếp tục tô thắm sắc xanh cho miền biên ải, tô hồng thêm tình quân dân nơi biên cương.

Tổ thợ xây của Đồn Biên phòng Tam Quang phối hợp cùng các lực lượng khác giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn dựng nhà
Tổ thợ xây của Đồn Biên phòng Tam Quang phối hợp cùng các lực lượng khác giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn dựng nhà

Ở đâu khó, có người lính

Tùng Hương nói riêng, các bản làng ở ở xã biên giới Tam Quang, huyện Tương Dương, (Nghệ An) nói chung đều còn rất nhiều khó khăn. Cái khó hiện hữu đầu tiên là sự thiếu lao động tại địa phương. Ngay như ở bản Tùng Hương, có hơn 240 hộ với hơn 1.100 nhân khẩu, nhưng có đến hơn 200 lao động đi làm ăn xa. Còn lại ở nhà hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em.

Tiếp đến là thiếu các nhu cầu tối thiểu như nước sinh hoạt. Để có nước dùng mỗi ngày, bà con phải vất vả đi hàng cây số gùi nước về dùng. Nhưng, nhờ có Đồn Biên phòng Tam Quang hỗ trợ kinh phí, tổ thợ xây Đồn Biên phòng Tam Quang hỗ trợ ngày công…; cùng với sự góp sức của bà con bản Tùng Hương san lấp mặt bằng, vận chuyển vật liệu… để có một bể chứa nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Anh La Văn Hoành, Trưởng bản Tùng Hương, xã Tam Quang cười bảo: Ai cũng phấn khởi, tự bảo nhau phải bảo vệ, gìn giữ để sử dụng công trình thật hiệu quả.

Hỏi chuyện Trưởng bản La Văn Hoành, thì được biết, đã và đang có rất nhiều công trình dân sinh khác do tổ thợ xây của Đồn Biên phòng Tam Quang hỗ trợ xây dựng. Bấm ngón tay, ông Hoành kể: Đó là công trình nhà ở cho cháu Viêng Văn Thành học sinh lớp 3, mồ côi và ở với bà nội ở bản Tùng Hương; đó là nhà tình nghĩa cho cháu Phan Tự Tường - học sinh mồ côi cha mẹ ở bản Sơn Hà; là ngôi nhà của cựu quân nhân có hoàn cảnh khó khăn Vi Văn Thủy ở bản Tùng Hương; là ngôi nhà vững chãi của bà Vi Thị Thế (80 tuổi) ở bản Tùng Hương.

Tổ thợ xây của Đồn Biên phòng Tam Quang xây dựng bể nước cho nhân dân bản Tùng Hương
Tổ thợ xây của Đồn Biên phòng Tam Quang xây dựng bể nước cho Nhân dân bản Tùng Hương

Cụ Thế móm mém: Tôi thuộc diện hộ nghèo, neo đơn, chồng và con đều mất, chỉ còn 2 cháu nội. Trước đây, ba bà cháu sống trong căn nhà nhỏ thưng ván gỗ, lợp mái tôn xập xệ. May nhờ Đồn Biên phòng Tam Quang kêu gọi kinh phí 70 triệu đồng, rồi huy động cán bộ, chiến sĩ xây dựng nên mới có căn nhà kiên cố để ở. Tôi cảm thấy rất ấm lòng.

Về bản Tùng Hương, xã Tam Quang chúng tôi như vui lây niềm vui của bà con dân bản về những công trình thấm đẫm màu áo xanh của những người lính Biên phòng. Đánh giá về vai trò, vị trí của những người lính Đồn Biên phòng Tam Quang, Chủ tịch UBND xã Tam Quang Kha Thị Hiền nhấn mạnh: Những công trình, phần việc thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quang nói chung, của tổ thợ xây áo lính nói riêng đã giúp đỡ Nhân dân trên địa bàn ổn định nơi ăn, chốn ở; đồng thời cũng đã góp phần củng cố thắt chặt thêm tình quân dân nơi biên giới.

Vì Nhân dân phục vụ…

Đóng chân ở khu vực biên giới xã Tam Quang, trọng trách của những người lính Biên phòng như nhân thêm. Trung tá Nguyễn Thế Nam, Tổ trưởng tổ thợ xây của Đồn chia sẻ: Ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia… cán bộ, chiến sĩ của Đồn còn có một trọng trách đặc biệt, là cùng xây dựng cuộc sống mới, cùng phát triển kinh tế, đẩy đuổi đói nghèo với bà con dân bản.

Theo đó cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quang đã có cách giúp dân rất ý nghĩa  hiệu quả. Đó là thành lập tổ thợ xây, giúp đỡ người dân bản Tùng Hương xây dựng nhà ở, nhà văn hóa, đường giao thông và các công trình phụ trợ khác.

Tổ thợ xây Đồn Biên phòng Tam Quang hỗ trợ bản Tùng Hương đổ bê tông sân nhà văn hoá cộng đồng.
Tổ thợ xây Đồn Biên phòng Tam Quang hỗ trợ bản Tùng Hương đổ bê tông sân Nhà văn hóa cộng đồng

Trung tá Nguyễn Thế Nam, kể lại: Tùng Hương là bản biên giới có nhiều lao động đi làm ăn xa. Ở lại bản chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em nên mỗi khi có công việc cần triển khai, gặp nhiều khó khăn trong huy động nhân lực. Vì lẽ đó, Đồn đã có chủ trương thành lập “Tổ thợ xây áo lính” vào năm 2020, với mục đích hỗ trợ nhân lực, kỹ thuật giúp người dân các thôn bản xây dựng nhà cửa và các công trình dân sinh.

Hiện nay, quân số bình quân của tổ thợ xây khoảng 8 - 10 cán bộ, chiến sĩ đều là các đồng chí có tay nghề, năng khiếu xây dựng, tâm huyết với đồng bào các dân tộc. Cứ người này hướng dẫn người kia, người đã lành nghề hướng dẫn cho người mới bắt đầu, dần dần ai nấy đều thạo việc. Để tạo điều kiện cho tổ thợ xây làm việc hiệu quả, Đồn Biên phòng Tam Quang đã quan tâm, trích kinh phí mua sắm máy móc, dụng cụ như máy cân bằng tia Laser, máy trộn bê tông, giàn giáo…

Không chỉ nhà ở của dân, mà các công trình dân sinh khác cũng đã và đang được những chiến sĩ quân hàm xanh góp sức xây dựng. Một thống kê sơ bộ, tổ thợ xây Đồn Biên phòng Tam Quang đã hỗ trợ giúp đỡ bản đổ 25m bờ kè đá và 36m đường giao thông nông thôn, đổ sân bê tông Nhà văn hóa, xây dựng bể nước quân dân; xây dựng mương nước, với chiều dài 230m để đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất cho Nhân dân trong bản; xây dựng 300m bờ rào Trường Mầm non bản Tùng Hương…

Còn tại bản Tân Hương, Tổ thợ xây áo lính cũng đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp đối với Ban Quản lý bản và người dân thông qua những phần việc vì dân như: Xây dựng công trình nước sạch; hỗ trợ tu sửa Nhà văn hóa cộng đồng. Mới đây, tổ thợ xây áo lính còn hỗ trợ bản Tân Hương đổ 104m đường giao thông nông thôn, góp phần thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao…

Trung tá Nguyễn Ngọc Tân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Quang hồ hởi: Đến nay, “Tổ thợ xây áo lính” đã hỗ trợ, giúp đỡ chính quyền địa phương và Nhân dân trên địa bàn hơn 3.000 ngày công xây dựng 4 căn nhà, 32 nền nhà; 1 bờ rào; 1 công trình thủy lợi; 1 công trình nước sạch; 2 nhà văn hóa; hơn 200m đường giao thông. Mỗi người lính đều làm vì mệnh lệnh từ trái tim và phương châm “bốn cùng” với bà con dân bản./.

Tin cùng chuyên mục
Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 7 - 10/9, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, mưa lớn kéo dài liên tục, xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt ở huyện Nguyên Bình có 3 điểm sạt lở tại các xóm Khuổi Ngọa, Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, làm chết, bị thương và mất tích nhiều người. Ngay khi mưa lũ xảy ra, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, triển khai công tác ứng cứu.