Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

“Thót tim” trên những cây cầu treo ở Nghệ An

An Yên - 14:28, 20/03/2024

Cầu treo Kẻ Nính ở huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) vừa bất ngờ sập đổ xuống lòng sông Hiếu sau nhiều năm sử dụng khiến người dân bàng hoàng, chính quyền địa phương bất an. Sẽ còn bao nhiêu cầu treo như thế trên địa bàn xứ Nghệ gặp sự cố do xuống cấp, hư hỏng? Đó thực sự là vấn đề đáng báo động, cần sớm phải được kiểm tra, rà soát kĩ lưỡng để tránh những sự cố đáng tiếc.

Hiện trường vụ sập cầu treo Kẻ Nính trưa 6/3
Hiện trường vụ sập cầu treo Kẻ Nính trưa 6/3

Sập cầu treo…

Giữa trưa 6/3 vừa qua, người dân xã Châu Hạnh (Quỳ Châu, Nghệ An) giật mình vì một tiếng động lớn từ lòng sông Hiếu vọng lại. Cây cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu, gắn bó nhiều năm với người dân xã Châu Hạnh đã bất ngờ đổ sập. Dẫu không có thiệt hại về người nhưng hiện trường vẫn khiến người dân bàng hoàng, chính quyền địa phương bất an. Cầu sập, con đường thông thương với người dân phía bên kia sông sẽ trở nên khó khăn hơn vào những ngày mưa lũ dâng cao.

Còn nhớ, năm 2014, cầu treo Kẻ Nính hoàn thành, là niềm vui và tự hào của người dân bản Thái xã Châu Hạnh. Vậy mà…

Kể về nguyên nhân gây nên sự cố này, ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quỳ Châu chia sẻ: Mưa lũ hàng năm đã gây hư hại nhiều cho cây cầu này. Điển hình là đợt mưa lũ vào năm 2022 gây sạt lở phần đất đắp, mố cầu và làm sụt, nghiêng thanh neo phải tuyến của mố M2. Trận lũ dữ năm 2023 khiến hệ thống cầu càng hư hỏng nghiêm trọng hơn. Từ đó, địa phương đã cắm biển cảnh báo, cấm lưu thông qua cầu.

Trước thực trạng cầu treo Kẻ Nính sạt lở, hư hỏng nặng, cần được tiến hành sửa chữa, khắc phục đường và mố neo bị sạt lở; tháng 10/2023, sau khi được tỉnh Nghệ An hỗ trợ kinh phí, UBND huyện Quỳ Châu đã phê duyệt chủ trương sửa chữa cầu treo này, với giải pháp gia cố nền đường sau hai mố, đắp đất mái ta-luy âm khu vực mố M2, xây ụ bảo vệ cáp chủ.

Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quỳ Châu Nguyễn Tiến Hùng nói thêm: Vào sáng ngày 5/3, nhà thầu bắt đầu làm đường công vụ để thực hiện sửa chữa cầu. Đơn vị tiến hành hốt đất sạt lở ở điểm ta-luy âm đường dẫn của mố M2 và tiến hành đắp đường. Nhưng đến trưa 6/3, cầu treo bị sập... Hiện, cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân sập cầu.

Cả cây cầy treo Kẻ Nính đổ sập xuống lòng sông Hiếu
Cả cây cầy treo Kẻ Nính đổ sập xuống lòng sông Hiếu

Trong báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu gửi UBND tỉnh và cơ quan liên quan của tỉnh Nghệ An về sự cố sập cầu treo Kẻ Nính, thì nguyên nhân ban đầu được nhận định là do lún phần đất dưới thanh neo phía phải mố M2, tạo ra chuyển dịch thanh neo, kéo theo trụ cáp, dẫn đến làm sập toàn bộ cầu.

Còn bao nhiêu cầu treo xuống cấp?

Khi đặt bút cho những dòng đầu tiên của bài viết này, chúng tôi đã tự đặt câu hỏi, rằng: có bao nhiêu cầu treo trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xuống cấp, hư hỏng, đứng trước nguy cơ đổ sập?

Và, chúng tôi đã đi tìm câu hỏi ấy, bằng việc mục sở thị trên những cây cầu “thót tim”.

Dẫn đầu trong những cây cầu treo xuống cấp ở Nghệ An, phải kể đến cầu treo sông Giăng ở huyện Thanh Chương. Sau gần 40 năm sử dụng, cầu treo sông Giăng hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Cây cầu được thiết kế chịu xe tải trọng 10 tấn, nhưng nay chỉ cho phép xe tải trọng dưới 5 tấn lưu thông.

Khi xe của chúng tôi chầm chậm qua cầu, mặt cầu rung lắc mạnh, tạo cảm giác rất bất an. Qua quan sát, các mố neo của cầu treo sông Giăng bị bong tróc, cáp treo cũ kỹ, hệ thống lan can sức chịu lực kém, nhiều vị trí bị gỉ sét, bê tông nứt nẻ. Cũng vì cầu quá yếu nên cơ quan chức năng cho cắm nhiều biển cảnh báo ở hai đầu cầu, dựng hàng rào cọc tiêu để hạn chế xe tải lớn qua cầu.

Cầu treo sông Giăng đang xuống cấp nghiêm trọng
Cầu treo sông Giăng đang xuống cấp nghiêm trọng

Qua tìm hiểu, được biết cầu treo sông Giăng đưa vào sử dụng năm 1987, có chiều dài 120m. Cây cầu này nằm trên Tỉnh lộ 533 do Sở Giao thông vận tải Nghệ An quản lý. Đến năm 2017, tỉnh lộ này được nâng lên thành Quốc lộ 46C nên tuyến đường và cầu được chuyển giao cho Bộ Giao thông vận tải quản lý. Tuyến Quốc lộ 46C đi qua địa bàn huyện Thanh Chương là tuyến giao thông huyết mạch đi qua địa bàn 14 xã vùng thượng huyện, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của những địa phương vùng trên.

Là địa phương nằm kề liền cây cầu, chủ tịch UBND xã Phong Thịnh (Thanh Chương) Nguyễn Hồng Nhâm bất an: Nhu cầu giao thông và vận chuyển hàng hóa của người dân qua cầu treo này ngày càng lớn, nhưng do cầu yếu, các xe trọng tải lớn không thể đi qua cầu. Vì thế, cây cầu đang kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Là tuyến đường gần như độc đạo nối với các xã vùng thượng huyện như Phong Thịnh, Cát Văn, Thanh Hòa, Thanh Nho lên Thanh Đức nên không chỉ những ngày lễ, tết mà ngày thường vào giờ cao điểm cũng đã xảy ra tình trạng ách tắc giao thông.

Ngay dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, huyện Thanh Chương và hai xã Thanh Liên và Phong Thịnh đã phải bố trí lực lượng để phân luồng giao thông, nhưng vẫn ùn tắc. Ngoài ra, dù đã treo biển tải trọng năm tấn, nhưng vẫn có trường hợp xe chở nặng qua cầu…

Cầu treo Xốp Nhị bắc qua sông Nậm Nơn cần sớm được xây mới
Cầu treo Xốp Nhị bắc qua sông Nậm Nơn cần sớm được xây mới

Lãnh đạo phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thanh Chương cho biết, ngày 6/10/2023, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định về việc giao nhiệm vụ cho Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu sông Giăng, thời gian thực hiện từ năm 2023-2025. Cục Đường bộ Việt Nam sau đó đã trình Bộ Giao thông vận tải quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu mới thay thế cầu treo sông Giăng với mức đầu tư dự kiến khoảng 68 tỷ đồng. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai. “Chúng tôi rất mong cầu treo sông Giăng sớm được xây dựng lại để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông. Đây cũng là nguyện vọng của bà con nhân dân trong mỗi lần tiếp xúc cử tri”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Nguyễn Hữu Hiền mong muốn.

Ở vùng biên viễn xa xôi, cầu treo Xốp Nhị thuộc xã Hữu Lập, huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) đưa vào sử dụng từ năm 1984 nay cũng bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Tại hiện trường cho thấy, thành lan can bị hư hỏng ở một số vị trí; thép cáp chủ, trụ cầu, dầm cầu bị gỉ sét; hệ thống cáp chủ, gối cầu bị khô mỡ… Trong khi đó, mỗi ngày, cây cầu đang phải oằn mình cõng một lượng lớn hàng hóa và người qua lại trong phấp phỏng bất an.

Hiện tại, toàn tỉnh Nghệ An có tới 70 cầu treo. Trong đó, Sở Giao thông -Vận tải (GTVT) và Chi cục Quản lý đường bộ 2 (Cục Đường bộ Việt Nam) quản lý hai cầu treo; 68 cầu còn lại do các huyện quản lý. Rất nhiều cây cầu treo trong số này do quá trình sử dụng lâu năm, lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng nên không ít cầu treo bị xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của người và phương tiện tham gia giao thông.

Về hướng xử lý hiện trạng cầu treo trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Trọng Quang - Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông, Sở GTVT Nghệ An thông tin: Cái khó nhất, ngoài vấn đề kinh phí thì các huyện cũng gặp khó khăn về khâu kỹ thuật trong việc thực hiện bảo trì, sửa chữa. Sở đang làm văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát hiện trạng các công trình cầu treo, kịp thời phát hiện hỏng hóc để sửa chữa. Với những hư hỏng, sẽ đề nghị chủ đầu tư phải thuê các đơn vị tư vấn có năng lực chuyên môn kiểm định, kiểm tra, đưa ra các giải pháp sửa chữa, xử lý phù hợp nhằm đảm bảo an toàn giao thông và tuổi thọ công trình./.

Tin cùng chuyên mục
Đồng Tháp nhập khẩu 100 sếu đầu đỏ từ Thái Lan

Đồng Tháp nhập khẩu 100 sếu đầu đỏ từ Thái Lan

Tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu, tới năm 2032 sẽ nhập khẩu và nuôi thả 100 cá thể sếu đầu đỏ, kỳ vọng nuôi sống thành công tối thiểu 50 con. Sau đó, đàn sếu nuôi thả ra tự nhiên có thể tự sinh tồn và sinh sản, sống quanh năm ở rừng Tràm Chim.
Đọc nhiều