Tham dự Hội thảo có các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học đầu ngành nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa dân gian trong nước và một số nhà khoa học đến từ các trường đại học Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ.
Hiện nay, đời sống của đồng bào các DTTS đã và đang được cải thiện, việc gắn kết cộng đồng, tìm hiểu cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc đang trở thành nhu cầu không thể thiếu. Người dân ở cơ sở có nguyện vọng được ăn Tết truyền thống của dân tộc mình; ngày Tết luôn gắn liền với đời sống tâm linh, văn hóa không thể thiếu trong cộng đồng mỗi dân tộc. Vì vậy, việc tôn trọng và lưu giữ việc tổ chức đón Tết truyền thống của đồng bào các DTTS là điều cần thiết. Cùng với đó, cần có những thể chế, quy định về quyền nghỉ Tết truyền thống, thời gian nghỉ Tết và các chính sách khác liên quan đến tổ chức Tết như thăm hỏi, nghi lễ chúc Tết của lãnh đạo, việc hỗ trợ vật chất và tinh thần…
Tại Hội thảo các nhà khoa học đã nêu những nét đặc sắc cũng như tầm quan trọng của một số lễ hội, ngày Tết của đồng bào DTTS như: Tết Ga tho tho của người Hà Nhì, Tết cổ truyền của người Khmer Nam bộ… và một số lễ hội, Tết cổ truyền của đồng bào DTTS một số nước trên thế giới. Qua đó, cho thấy rằng lễ, Tết của các DTTS được coi là di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát triển.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh đánh giá cao sáng kiến của các đơn vị tổ chức. Thứ trưởng cho rằng, những ý kiến tham luận của các nhà khoa học phản ánh sự tìm hiểu, nghiên cứu công phu trong một thời gian dài về các lễ, Tết của đồng bào DTTS. Những ý kiến này, là cơ sở quan trọng để UBDT tham khảo, vận dụng trong quá trình triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc “Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” vừa được Quốc hội thông qua.